Thực tế, sau gần ba năm kiên quyết chống dịch theo chính sách Zero COVID, giờ đây Trung Quốc đang dần nới lỏng. Việc nới lỏng các quy định chống dịch bao gồm cho phép người mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà và bỏ quy định xét nghiệm bắt buộc đối với hành khách đi lại trong nội địa.
Ngày 9/12, Vietnam Airlines đã nối lại đường bay thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sau gần ba năm tạm dừng. Trong giai đoạn đầu, Vietnam Airlines sẽ nối lại ba đường bay đến Trung Quốc bao gồm: TP HCM – Quảng Châu từ ngày 9/12, Hà Nội – Thượng Hải từ ngày 12/12; và TP HCM – Thượng Hải từ ngày 14/12… Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho việc Trung Quốc đang dần gỡ bỏ chính sách Zero COVID và tiến tới mở cửa trở lại.
Việc Trung Quốc mở cửa có cả hai tác động tích cực và tiêu cực đối với Việt Nam. Một mặt, việc mở cửa trở lại thị trường xuất khẩu, nối lại các hoạt động đầu tư, thương mại và tác động tích cực đến kinh tế toàn cầu. Mặt khác, doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với doanh nghiệp Trung Quốc. Đồng thời, nguy cơ bùng phát mầm dịch đối với Việt Nam cũng tăng cao hơn.
Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường, chưa ổn định; các biến thể, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, trong đó biến thể XBB với khả năng tránh miễn dịch, lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron đã xuất hiện ở 70 quốc gia và gần đây biến thể phụ XBB.1.5 đã gây các đợt bùng phát dịch mới ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao nhưng miễn dịch do tiêm vaccine sẽ giảm dần theo thời gian; thời gian giao mùa, chuyển mùa Đông - Xuân, cùng với việc nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng số trường hợp mắc COVID-19 trong thời gian tới, nhất là trong các hoạt động giao thương, du lịch, lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán và mùa xuân năm 2023.
Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM công bố kết quả tầm soát biến chủng nCoV ở 526 bệnh nhân Covid, ghi nhận xuất hiện chủng XBB của Omicron lần đầu tiên tại Việt Nam. XBB là chủng phụ thế hệ tiếp theo của chủng BA.2 Omicron, còn gọi là BA.2.10. Các nhà khoa học trên thế giới nhận định đây là biến chủng phụ Omicron ‘tồi tệ nhất cho đến nay’, bởi đặc tính lây lan nhanh hơn bất kỳ biến chủng phụ nào, trốn tránh được miễn dịch từ vaccine, nhiễm bệnh tự nhiên và các liệu pháp kháng thể đơn dòng. Hiện chưa có nghiên cứu sâu về độc lực, tỷ lệ nhập viện và tử vong của biến chủng mới này.
Vì vậy, vào tuần trước, tại phiên họp thứ 19 Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, thời gian tới sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng COVID-19 do biến chủng mới. Dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số ca nhiễm.
Bộ Y tế đã lên kế hoạch ứng phó bằng cách giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu, đặc biệt với các trường hợp nhập cảnh đến từ những khu vực đang bùng dịch, từ các nơi xuất hiện biến chủng mới, nguy hiểm. Ngoài ra, Việt Nam sẽ đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường lấy mẫu trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giải trình tự gene nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, các biến chủng, biến thể mới.
Các địa phương tiếp tục thúc đẩy tiêm vaccine phòng COVID-19, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhất là ở các tỉnh, thành lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao. Các cơ sở y tế đảm bảo công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân, chuẩn bị sẵn sàng tình huống ca mắc tăng cao.
Thậm chí, để phòng ngừa COVID-19 bùng phát, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu dứt khoát không chủ quan, mất cảnh giác trước dịch COVID-19, không “ngủ quên” với những kết quả đã đạt được. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 05/CĐ-TTg ngày 8/1/2023 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023.
Có thể nói, phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không thể để đến lúc dịch bùng phát trở lại mới lại ráo riết việc tiêm vaccine và các biện pháp phòng dịch khác. Bài học về số ca mắc, số tử vong và những tổn thất vô cùng lớn về những đợt dịch trước vẫn còn đó. Việc chủ quan, lơ là sẽ phải trả giá đắt./.