Mỗi dịp Tết đến, chủ đề gây tranh luận trong những năm gần đây lại được khơi lại: Có nên bỏ Tết Nguyên đán hay không?
Hai luồng ý kiến vẫn tranh luận với nhau về việc liệu có nên gộp chung Tết Nguyên đán (Tết ta) vào Tết dương lịch (Tết Tây) làm một. Một bên thì cho rằng, nên bỏ Tết ta và chỉ ăn Tết dương lịch để “hội nhập”, bảo đảm được sự phát triển kinh tế và tránh trì trệ công việc. Phần nhiều thì lại cho rằng, phải giữ Tết ta để duy trì bản sắc văn hóa dân tộc.
Có thể khẳng định, Tết Nguyên đán là nét văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào tâm trí người Việt từ người già cho đến trẻ nhỏ bao thế hệ. Bởi Tết là dịp để cả nhà sum họp, đoàn tụ đầy đủ sau một năm làm việc vất vả. Tết là dịp đoàn viên của những người con xa quê, của những gia đình xa cách cả năm mới gặp. Tết cũng là dịp kính lễ, bày tỏ sự biết ơn đối với ông bà, tổ tiên. Tết là dịp mỗi người cảm thấy bồi hồi, hạnh phúc khi ngồi quây quần bên gia đình trong cái tiết trời lành lạnh nhưng đong đầy sự ấm cúng. Tết là sự gắn kết giữa những người trong cộng đồng với nhau, gắn kết tình đoàn kết, “chia sẻ ngọt bùi” của truyền thống dân tộc…
Đó cũng là thời khắc hàng triệu con tim chung một nhịp, cùng dành cho nhau những lời tốt đẹp nhất, cầu cho nhau một năm sức khỏe, may mắn. Đó là thời khắc lòng người lắng đọng, trời đất giao hòa trong một niềm hy vọng chung. Ở khía cạnh tinh thần, sự đồng nhất ý nguyện của cả dân tộc vào một thời khắc là sức mạnh tổng hợp vô biên cho sự mong cầu quốc thái dân an. Như vậy, Tết cổ truyền vẫn có nhiều ý nghĩa quan trọng trong văn hóa người Việt, đó là điều không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, để có một cái Tết văn minh, thích ứng với thời đại mới nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống vốn có của cái Tết Việt, cần loại bỏ những biến tướng của nó.
Theo đó, để cái Tết mang nhiều ý nghĩa, giữ gìn truyền thống dân tộc, cần loại bỏ những tư tưởng lợi dụng dịp này để vụ lợi, biếu xén, chạy chọt nhằm thăng quan tiến chức; hạn chế những lễ hội rình rang, xa hoa, lãng phí và nhất là phải loại bỏ tình trạng “tháng giêng là tháng ăn chơi”.
Đặc biệt, cần loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển; phê phán, đấu tranh loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong dịp Tết Nguyên đán như: hoạt động mê tín dị đoan, nạn cờ bạc, rượu chè, các lễ hội phản cảm, các hiện tượng gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội; đồng thời phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân dân trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội, di tích; vận động, thuyết phục người dân, du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội…
Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng phải thật sự nêu gương trong việc thực hiện vui xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán bảo đảm vui tươi, lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính…
Việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, nhất là việc đón Tết cổ truyền của dân tộc không làm giảm đi sự phát triển kinh tế, sự phát triển của đất nước nhưng cần tuỳ biến để phù hợp với điều kiện và thích ứng với sự phát triển xã hội hiện nay, như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã khẳng định: “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện..."
Trong xu thế hiện đại, hội nhập về văn hóa là điều không tránh khỏi và góp phần làm đa dạng nền văn hóa của đất nước. Nhưng “hòa nhập mà không hòa tan” là điều chúng ta cần hướng đến.
BHD