Khởi nghiệp là câu chuyện không dễ dàng trong bối cảnh nền kinh tế chịu khó khăn hiện nay, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp vốn chứa đựng nhiều rủi ro. Trên cao nguyên M’Đrăk, tỉnh Đăk Lăk, mô hình khởi nghiệp nuôi trai lấy ngọc của anh Nghiêm Quang Tuấn đã gây ấn tượng với nhiều người. Mô hình hiện đang bước đầu cho thấy thành công và có nhiều tiềm năng để phát triển.
Giữa cái nắng gay gắt mùa khô trên cao nguyên M’Đrăk, anh Nghiêm Quang Tuấn miệt mài ngụp lặn dưới khu ao hồ ở thôn 3, xã Krông Á. Cầm chiếc kìm chuyên dụng tỉ mỉ mở miệng từng con trai để kiểm tra, anh hồ hởi khoe lứa trai cấy ghép để lấy ngọc nuôi được 1 năm, con nhiều thì có đến 4 viên ngọc, con ít cũng 1-2 viên. Mổ thử nghiệm một con, anh Nghiêm Quang Tuấn không giấu được niềm vui khi lấy ra 3 viên ngọc óng ánh màu tím hồng.
“Thường thì sau 2 năm là có thể thu hoạch được, nhưng nếu chưa cần thì không thu hoạch. Càng để lâu, giá trị ngọc trai càng lớn”, anh Tuấn cho hay.
Trước đó, cuối năm 2019, anh Nghiêm Quang Tuấn đã thu được lứa ngọc trai đầu tiên với khoảng 400 viên. Anh giữ lại mấy chục viên làm kỷ niệm và làm quà, số còn lại bán được gần 100 triệu đồng.
Đó là thành quả của 5 năm liên tục miệt mài học hỏi và kiên trì đưa giống trai đen cánh dày từ đồng bằng lên núi nuôi thử nghiệm. Thành quả của hôm nay phải đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, công sức, tiền bạc và cả nước mắt.
Anh Nghiêm Quang Tuấn nhớ lại bước ngoặt cuộc đời vào đầu năm 2015, khi đang là một thợ mộc có thâm niên hơn 20 năm, có nguồn thu nhập tương đối ổn định. Nhưng trong bối cảnh rừng bị đóng cửa, nguồn gỗ đang cạn kiệt, anh tính đến việc đổi nghề.
Tình cờ xem được clip nói về việc nuôi trai nước ngọt lấy ngọc ở Ninh Bình, anh liền khăn gói đến học nghề. Sau 6 tháng, khi đã cơ bản nắm bắt được các kỹ thuật cần thiết, Nghiêm Quang Tuấn trở về cao nguyên M’Đrăk bắt tay vào làm.
Nhưng mọi chuyện không dễ dàng. Toàn bộ lứa trai đầu tiên đưa từ Ninh Bình lên cao nguyên đều chết sạch, thiệt hại hơn trăm triệu đồng. Năm sau, thất bại lại tiếp diễn với quy mô lớn hơn. Thời điểm khó khăn này, anh bị bạn bè, người thân và gia đình gọi là “gàn”. Nhưng những gian khổ, thất bại càng làm Nghiêm Quang Tuấn thêm quyết tâm.
“Từ năm 2015, tôi nuôi qua bao nhiêu lần thất bại. Càng thất bại thì tôi càng kiên trì, cố gắng tìm tòi và bây giờ thì con trai cho tôi những viên ngọc đã nhìn thấy thực tế. Tương lai của tôi thì tôi muốn mở rộng mô hình này cho bà con phát triển”, anh Tuấn nói.
Theo anh Nghiêm Quang Tuấn, cùng với nuôi các loại cá như thông thường, trong 100m2 ao, hồ có thể nuôi thêm được 2.000 con trai để lấy ngọc. Với mức đầu tư 70 triệu/100m2, sau 2 năm cấy ngọc thành công lợi nhuận mang lại khoảng 300 triệu đồng.
Từ thành công bước đầu, anh Nghiêm Quang Tuấn đã liên kết với hơn 10 hộ gia đình ở M’Drăk, nhân nuôi trai lấy ngọc trong 14 ao với số lượng khoảng 80.000 con. Thậm chí, mô hình này đang thí điểm nhân rộng sang huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông.
Cùng với việc mở rộng quy mô nuôi trai lấy ngọc trên giống trai đen cánh dày nhập từ Ninh Bình, hiện tại anh Nghiêm Quang Tuấn cũng đang nghiên cứu cấy ghép để lấy ngọc trên giống trai bùn bản địa ở Tây Nguyên và thử nghiệm lai ghép hai giống trai.
Bà Trịnh Thị Thu Thảo, ở thôn 3, xã Krông Á, huyện M’Đrăk, người liên kết với anh Tuấn nuôi trai lấy ngọc trên diện tích 2000 m2 ao, cho biết, qua 1 năm, trai đang phát triển khá tốt.
“Nếu thành công, gia đình tôi cũng có thêm chi phí, thu nhập. Rồi sau đó mình có thể hướng dẫn bà con trong xóm, có điều kiện như mình để dùng phát triển”, bà Thảo chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện M’Đrăk, tỉnh Đăk Lăk cho biết, địa phương rất ghi nhận tính tiên phong của anh Nghiêm Quang Tuấn khi tự mình đi học hỏi về áp dụng thực tế mô hình nuôi trai lấy ngọc. Huyện đang tổ chức đánh giá hiệu quả kinh tế, xác định các yếu tố phù hợp để có thể nhân rộng.
“Trước mắt chúng tôi sẽ nghiên cứu và giúp cho mô hình này, định hướng cho mô hình này. Và cũng sẽ tổ chức các buổi hội thảo để học tập, cũng nhân dịp đó thì chúng tôi sẽ có công tác truyền thông, làm thế nào để đạt hiệu quả nhất trong việc nhân rộng mô hình”, ông Thập cho biết thêm.
Với niềm đam mê, nhiệt huyết cùng sự cần cù, sáng tạo và dũng cảm vượt lên chính mình, anh Nghiêm Quang Tuấn đang gây dựng một mô hình khởi nghiệp mới lạ và nhiều tiềm năng ở M’Đrăk. Nếu có thể nhân rộng, đây rất có thể sẽ là mô hình kinh tế hiệu quả khi tận dụng được quỹ ao, hồ, mặt nước rất lớn ở Tây Nguyên./.
Theo VOV