Thực hiện Chỉ thị số 10 và Đề án 375 của UBND tỉnh, tổ ANXH được thành lập theo địa bàn dân cư, từ 10 hộ dân trở lên sinh sống liền kề nhau bố trí thành một tổ; tổ trưởng, tổ phó do các thành viên trong tổ bầu ra theo nhiệm kỳ của trưởng thôn và được chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định công nhận.
Nội dung hoạt động của tổ ANXH được lồng ghép công tác đảm bảo ANTT và các vấn đề ANXH, trực tiếp tuyên truyền, triển khai chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến từng người dân. Các hộ gia đình có điều kiện giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, có ý thức xây dựng và giữ gìn mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm gắn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và chung tay xây dựng nông thôn mới.
Toàn tỉnh hiện đã xây dựng và đi vào hoạt động 34.931 tổ ANXH, với 1.049.487 thành viên (chiếm 94% tổng số hộ gia đình trên toàn tỉnh). Đội ngũ tổ trưởng, tổ phó thường xuyên được kiện toàn, đã thay thế, bổ sung 23.156 người (chiếm gần 33%), là người có uy tín, trách nhiệm và khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Lực lượng công an phối hợp với các tổ an ninh xã hội tuyên truyền cho người dân tích cực tham gia đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh: Báo Thanh Hóa
Để duy trì hoạt động của tổ ANXH, hầu hết các xã, phường, thị trấn đều hỗ trợ một phần kinh phí trong nguồn ngân sách địa phương phục vụ cho sinh hoạt, hội họp với mức từ 30.000 đến 80.000 đồng/tháng. Ngoài ra, nhiều tổ đã vận động các thành viên tự nguyện đóng góp quỹ, tranh thủ các nguồn tài trợ hợp pháp khác... Số tiền quỹ huy động được, ngoài việc phục vụ sinh hoạt, hội họp, thắp đèn chiếu sáng ở khu dân cư, bồi dưỡng tuần tra ban đêm đảm bảo ANTT còn được sử dụng cho vay hỗ trợ hộ nghèo, khen thưởng con em trong tổ có thành tích học tập, thăm hỏi, động viên khi ốm đau, hoạn nạn, gặp mặt trong dịp tổng kết, ngày lễ, tết.
Ông Hoàng Văn Phúc, Phó trưởng Công an xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: Ngoài 8 tổ ANTT, trên địa bàn xã Minh Lộc hiện có 98 tổ ANXH. Trước đây, tình hình an ninh ở xã này có phần phức tạp, thường xảy ra đánh nhau và các tệ nạn xã hội... Nhưng về sau này, khi các tổ ANXH được thành lập, tình hình an ninh ở đây đã được siết chặt, đảm bảo hơn.
“Tổ ANXH hoạt động rất tốt, hỗ trợ đắc lực cho cấp ủy, chi bộ, trưởng thôn. Chính các tổ này đã góp phần trong việc giáo dục, uốn nắn con cháu của thành viên các tổ để phòng ngừa vi phạm pháp luật; đồng thời tham gia giải quyết những mâu thuẫn trong các gia đình. Bên cạnh đó, các tổ còn tham gia vào hoạt động tình nghĩa, tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới...”.
Phần lớn những người tham gia vào các tổ ANXH là những người đã về hưu, có tiếng nói với quần chúng Nhân dân. Trong số các thành viên của tổ ANXH ở xã Minh Lộc có những người hiện đã hơn 80 tuổi. Từ khi có tổ ANXH đã có thêm nhiều câu chuyện cảm động, những nghĩa cử cao đẹp, khơi dậy tình làng, nghĩa xóm.
Theo đánh giá của Công an tỉnh, hoạt động các tổ ANXH thời gian qua đã phát huy vai trò, tác dụng thiết thực trong việc tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật, quản lý dân cư, hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Trong năm 2020 và 2 tháng năm 2021 các tổ ANXH đã cung cấp cho cơ quan công an hàng nghìn nguồn tin có giá trị; tham gia giải quyết, hòa giải gần 1.000 vụ tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng, không để phát sinh phức tạp.
Thông qua hoạt động của tổ ANXH đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật của Nhân dân, góp phần phát huy dân chủ, gắn kết trong cộng đồng dân cư; tình làng, nghĩa xóm được khơi dậy và ngày càng gắn bó; bản sắc và truyền thống tốt đẹp của địa phương, gia đình, dòng họ được phát huy; hạn chế phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân, tạo sự ổn định về ANTT và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngay từ cơ sở./.
Theo Báo Thanh Hóa