Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ khá lớn”. Không gian mạng đang làm địa bàn trọng điểm để các thế lực thù địch, lưu vong dễ dàng tiếp cận, lan truyền thông tin xấu độc đến với người dân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng.
Thanh niên trong xã hội hiện đại ngày nay tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau thông qua mạng Internet, các mạng xã hội toàn cầu, các bài báo, trang tin điện tử… Với sự nhanh nhạy, sáng tạo của mình, thế hệ trẻ dễ dàng tiếp nhận, bắt chước và làm theo những trào lưu, xu hướng trong cuộc sống. Tuy nhiên, thanh niên cũng là thế hệ dễ bị lôi kéo, kích động, dễ có tâm lý chán nản, bi quan trước những thất bại, vấp ngã, đặc biệt dễ bị thu hút, cuốn vào những thông tin tiêu cực chưa được kiểm chứng.
Xin phép đưa ra một ví dụ để đọc giả có thể ngẫm lại ví dụ này có xác đáng hay không. Khi bạn đăng một bài viết, một hình ảnh của mình lên trang facebook, youtube, tiktok cá nhân, có cả nghìn người bấm biểu tượng “like” hoặc thả “tim”, gửi những lời bình luận khen, tán thưởng, chúc mừng vào bài đăng của bạn. Tuy nhiên lại có 2, 3 người lại thả biểu tượng “phẫn nộ” hoặc để lại vài lời bình luận tiêu cực, bôi xấu về bạn, thì chỉ cần 2, 3 người đi ngược lại nghìn người phía trên đã đủ làm bạn mất ăn, mất ngủ, cảm thấy bực tức. Cả ngàn lời chúc, tán dương cũng không thể nào lấp đi vài lời bình luận bôi nhọ trong suy nghĩ của bạn???
Các thế lực thù địch, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước nắm được tâm lý này để đưa ra những thông tin xấu độc, có chiều hướng tiêu cực, phóng đại sự thật. Quả nhiên những thông tin này lại hấp dẫn người xem, thu hút đọc giả. Chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta đều ít nhất một lần đọc được, xem được, nghe được các thông tin xấu độc nói trên và cũng nán lại để nghe xem chúng kể gì. Nhưng chỉ có những người thiếu hiểu biết về đường lối, chính sách, pháp luật, chưa nắm rõ sự tình, bản chất sự việc hoặc có thái độ bất mãn với chính trị, xã hội thì mới tin những giọng điệu xuyên tạc của chúng. Thanh niên là thế hệ trẻ đang trong giai đoạn trưởng thành về mặt nhận thức, đang từng bước hoàn thiện tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh trong cuộc sống, họ chưa am hiểu hết về lý tưởng cách mạng, con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam. Vậy khi thanh niên “va” phải những thông tin xấu độc của các thế lực thù địch nói trên, họ cần phải làm gì, cần phải trang bị gì trong hành trang của mình?
Thứ nhất, thế hệ trẻ phải lấy truyền thống, lịch sử văn hoá dân tộc làm gốc; giáo dục, sức khoẻ làm nền tảng; tri thức, công nghệ là công cụ để phát triển, hoàn thiện. Truyền thống, lịch sử văn hoá dân tộc là cội nguồn của lòng yêu nước, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Giáo dục tạo ra tri thức để hiểu biết, nắm vững đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, để có đủ khả năng phân biệt được đâu là đúng đâu là sai. Sức khoẻ tạo ra động lực để thanh niên có thể thực hiện những mong muốn, hoài bão. Sử dụng tri thức, công nghệ chính là công cụ, chìa khoá để thế hệ trẻ hiện thực hoá điều mình muốn làm, chứng minh được khả năng của bản thân. Một khi thanh niên có được tình yêu quê hương đất nước, có một nền tảng giáo dục, sức khoẻ và biết vận dụng tri thức, công nghệ trong cuộc sống thì họ trở thành người có ích cho xã hội. Khi đó, những thông tin xấu độc, những câu chuyện được thêu dệt nên từ phía thế lực thù địch, phản động, lưu vong chẳng phải là “mối bận tậm” đối với thế hệ trẻ, thế hệ trẻ đã tạo sức đề kháng cho chính mình.
Thứ hai, thế hệ trẻ cần hành động thực tế, hạn chế thời gian sống trên không gian mạng. Hãy đổi thời gian sử dụng điện thoại, máy tính bằng những buổi sinh hoạt chính trị, đoàn, thể với hình thức toạ đàm, các cuộc thi thể thao, văn hoá văn nghệ, sân khấu hoá, dã ngoại về nguồn, các chiến dịch tình nguyện… để thanh niên không chỉ trải nghiệm, khám phá bản thân mà còn bồi dưỡng cho mình lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
Thứ ba, thanh niên Việt Nam phải cất tiếng nói của thế hệ trẻ trong công cuộc phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng trong tình hình mới. Có thể trình độ lý luận, sự hiểu biết của thế hệ trẻ chưa sâu sắc, nhưng với trí tuệ, bản lĩnh, sự nhanh nhạy, lòng nhiệt huyết của mình, thanh niên ngày nay có đủ khả năng để nhận biết đâu là thông tin xấu, độc. Cất tiếng nói của thế hệ trẻ trong công cuộc phản bác luận điệu sai trái, thù địch, thanh niên cần tỉnh táo trong trường hợp mình chưa đủ lập luận, luận chứng, luận cứ thì không nên để lại những bình luận phản bác dưới bài viết của thế lực thù địch. Thanh niên có thể lan toả những bài viết, bài báo chính thống, chia sẻ những câu chuyện về tấm gương sáng, những việc làm hay của con người đất Việt hay truyền tải những hình ảnh nhân văn, giàu bản sắc dân tộc trong cuộc sống. Chính người trẻ cũng có thể tự viết lên những câu chuyện, việc làm, những đóng góp tốt đẹp của bản thân mình.
Thứ tư, khi phát hiện những bài viết xấu, độc, xuyên tạc, bôi nhọ tư tưởng, nền tảng của Đảng, thay vì để lại những bình luận phản bác hoặc chia sẻ lại trên trang cá nhân mình để phản bác lại quan điểm sai trái, thù địch, điều này có thể vô tình thành cầu nối góp phần lan truyền thông tin, ý đồ mà bọn phản động muốn hướng đến, thì thế hệ trẻ có thể gửi đường link bài viết, báo cáo bài viết xấu độc cho các cơ sở Đảng, Đoàn, chính quyền địa phương nơi mình sống, sinh hoạt để ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Thứ năm, khi đọc phải những bài viết mà chính bản thân thanh niên, thế hệ trẻ chưa phân biệt được đúng sai, thật giả. Thì hãy xem đó như là một bài viết để mình biết được thông tin, chớ vội để lại quan điểm của mình, đừng vội chia sẻ thông tin này với những người khác. Thông tin, tin tức đúng hay sai, thật hay giả sẽ được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý, phân định. Hãy là người sử dụng mạng xã hội, là một đọc giả thông thái.
Thứ sáu, trước khi đăng tải, chia sẻ một bài viết, một hình ảnh, một quan điểm nào đó, thanh niên cần phải hiểu nội dung bài viết, hình ảnh, quan điểm đó có đúng với chính sách, pháp luật không, có phù hợp với thuần phong, mỹ tục, văn hoá Việt Nam không. Đừng vội đăng bài để bắt kịp xu hướng, “trend” rồi tự biến mình thành người vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Không gian mạng là nơi để thế hệ trẻ tìm hiểu nhiều nguồn thông tin về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội một cách nhanh chóng và hoàn toàn miễn phí. Và đây cũng chính là nơi để thế hệ trẻ thể hiện quan điểm cá nhân, thể hiện cá tính, cái tôi của mình. Vì vậy, thanh niên cần nhận diện, phát hiện và góp phần ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, kích động, chống phá trên internet, mạng xã hội. Tiếp nối truyền thống dân tộc, thế hệ thanh niên ngày nay đã và đang góp phần bảo tồn, xây dựng và phát huy lý tưởng cách mạng anh hùng của cha ông, truyền thống văn hoá con rồng cháu tiên hoà nhịp cùng với đạo đức, lối sống văn minh, lành mạnh, trẻ trung, hiện đại và hoà nhập./.
PV