Phát huy truyền thống
Hà Nội luôn tự hào về nguồn lực văn hóa, nguồn lực sáng tạo được hun đúc, phát triển từ ngàn năm lịch sử với 1.350 làng nghề thủ công; 5.922 di tích; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; 42 bảo tàng; 83 thư viện; 48 trường đại học; 18 nhà hát; 43 rạp chiếu phim. Với nguồn lực bề dày truyền thống, ngày 30/10/2019, UNESCO chính thức công bố Hà Nội gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế.
Giải thích về việc lựa chọn lĩnh vực thiết kế, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (một trong những người đã viết hồ sơ Thành phố sáng tạo cho Hà Nội đệ trình UNESCO) chia sẻ: “Có nhiều tranh luận khi thực hiện hồ sơ xem Hà Nội sẽ là TP sáng tạo về lĩnh vực gì. Hà Nội có tiềm năng về ẩm thực. Hà Nội cũng có tiềm năng rất lớn là hệ thống làng nghề. Tuy nhiên, chúng tôi đã chọn làm hồ sơ theo hướng TP sáng tạo về thiết kế vì sáng tạo bao trùm các lĩnh vực kia”.
Bên cạnh đó, theo thống kê, Hà Nội là một TP có cơ cấu dân số vàng (51,7% dân số trẻ). Vì vậy, Thủ đô có một cộng đồng sáng tạo mới mẻ, phong phú gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà đổi mới khoa học công nghệ và các không gian sáng tạo. Lĩnh vực thiết kế của Hà Nội không chỉ có bề dày hình thành và phát triển mà hơn thế còn có sự giao thoa, sáng tạo của nhiều nền văn hóa khác nhau. Hoàng thành Thăng Long là một trong những minh chứng thuyết phục nhất.
Lễ hội đường phố trên không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Kinh tế và Đô thị
Di sản văn hóa thế giới này không chỉ là công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời mà đây còn là kinh thành lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, khảo cổ học cũng như giá trị văn hóa của TP Hà Nội. Đồng thời, TP Hà Nội cũng đang lưu giữ nhiều công trình kiến trúc có dấu ấn sáng tạo về kiến trúc đa dạng của phong cách Đông - Tây, của kiến trúc bản địa và văn minh thế giới, chen lẫn giữa kiến trúc cổ điển và đương đại như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cầu Long Biên, cầu Nhật Tân. Việc Hà Nội tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là vinh dự lớn, nhưng cũng đặt ra thách thức để tận dụng cơ hội này.
Định hướng sáng tạo trong tương lai
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, quá trình tham vấn trong nước và quốc tế đã chỉ ra và nhấn mạnh những lợi thế về truyền thống, nguồn lực, động lực trong thiết kế sáng tạo của Hà Nội. Song song với việc xác định các nguồn nội lực, các đối tác cho rằng Hà Nội không thể bỏ qua việc xác lập vị trí tiên phong trong khu vực và các nền tảng có tính toàn cầu để định vị chiến lược phát triển của Thủ đô…
Sau khi được gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo, mặc dù bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn sự phát triển kinh tế và xã hội, Hà Nội vẫn tích cực thể hiện cam kết của mình qua nhiều hoạt động phong phú. Trong đó có thể kể đến một số hoạt động như: Công bố chính thức trên trang web của UNESCO về việc gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo; tổ chức thành công cuộc thi tiết kế Km0; ký hợp tác chiến lược với tập đoàn Sovico về dự án phát huy nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên vì Hà Nội - Thủ đô sáng tạo; thành lập Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội; chuỗi chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội. Cùng với đó, TP Hà Nội cam kết thực hiện 3 dự án mang cấp độ quốc tế gồm: Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội; Chương trình Tuần lễ thiết kế sáng tạo Hà Nội; hình thành mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ.
Phố Sách Hà Nội. Ảnh: Kinh tế và Đô thị
Bên cạnh đó, các nhà sáng lập các không gian sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, tạo ra sức sống mới mẻ cho đời sống văn hóa Thủ đô. Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, trong năm 2020, không gian sáng tạo “Ơ Kìa Hà Nội!” đã tổ chức hơn 200 hoạt động. Ở Hà Nội, các không gian sáng tạo, như Heritage Space, Hanoi Creative City, Toong, Phòng hỗ trợ khởi nghiệp Lotte, VICAS Art Studio hoạt động sôi nổi. Đơn cử, VICAS Art Studio là trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Không gian sáng tạo này tổ chức trưng bày nghệ thuật theo các chủ đề khác nhau như: “Rác Xuân”, “Qua miền Tây Bắc”, “Hư hư thực thực”, “Mãi yêu”, “Vòng xoáy của sự im lặng”… mang ý nghĩa xã hội, giúp xây dựng thương hiệu cho nghệ sĩ, kết nối nghệ sĩ với thị trường và khán giả. Tất cả có một điểm chung là truyền cảm hứng sáng tạo và sự chia sẻ tình cảm trong cộng đồng.
Không gian sáng tạo có nhiều các giá trị đối với sự phát triển của đô thị. Tuy nhiên, việc phát triển các không gian sáng tạo ở Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết những khó khăn này theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn cần thực hiện các giải pháp gồm: Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của các không gian sáng tạo trong việc phát triển Thủ đô; hoàn thiện hệ thống chính sách để tạo điều kiện phát triển các không gian sáng tạo của TP và huy động nguồn lực cho các không gian sáng tạo.
Có thể thấy, với việc tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội có cơ hội đưa sự sáng tạo thành động lực cho sự phát triển bền vững của Thủ đô và tất cả các kế hoạch phát triển của mình trong những thập kỷ tới. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có sự chung tay của mọi công dân, tổ chức và bạn bè quốc tế để xây dựng mối quan hệ đối tác hiệu quả. Trong đó, di sản phong phú của TP phản ánh quá khứ đầy sáng tạo của Hà Nội, sẽ là phương tiện phát triển trong tương lai, để hướng tới mục tiêu trở thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.
"Tôi đã tham gia 2 sự kiện về sáng tạo. Sự kiện thứ nhất được tổ chức bởi Đại sứ quán Italia về vai trò của các bảo tàng trong thế kỷ XXI. Sự kiện thứ hai là của Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam công bố cuộc thi thiết kế về không gian sáng tạo cho Hà Nội -TP sáng tạo. Qua đó, có thể thấy được năng lượng và sự nhiệt huyết hướng đến Thành phố sáng tạo có ở khắp mọi nơi. Các sự kiện liên tục diễn ra đều hướng đến việc truyền cảm hứng về mô hình Thành phố sáng tạo tới đông đảo người dân." - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft/.
Theo Kinh tế và Đô thị