Ngoại giao văn hóa là nền tảng, động lực cho ngoại giao chính trị, kinh tế
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương), ngoại giao văn hóa có vai trò rất quan trọng trong hoạt động ngoại giao nói riêng và trong sự nghiệp phát triển đất nước nói chung.
Nói về hoạt động ngoại giao, chúng ta xác định có 3 trụ cột chính của ngoại giao là: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá. Có thể nói, đã có những lúc, ngoại giao văn hóa chưa được nhìn nhận đúng với vai trò và vị trí.
Nhưng trong thời gian gần đây, ngoại giao văn hóa càng ngày càng được coi trọng và càng ngày càng chứng minh được một cách thuyết phục vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước nói chung.
Theo đại biểu, chúng ta có thể hiểu một cách rất ngắn gọn về ngoại giao văn hóa đó là hoạt động ngoại giao được thực hiện qua văn hoá. Bằng việc giới thiệu những truyền thống, tinh hoa văn hóa của đất nước với bạn bè quốc tế, chúng ta sẽ đạt được kết quả là thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại với các quốc gia trên thế giới.
Khi các quốc gia "bị thuyết phục" "bị quyến rũ" bởi vẻ đẹp văn hóa độc đáo của Việt Nam thì Việt Nam sẽ có sức thu hút rất lớn với bạn bè quốc tế. Từ lòng yêu mến truyền thống, cốt cách văn hóa của một quốc gia, dân tộc, các quốc gia sẽ sẵn sàng cho nhiều cơ hội cùng hợp tác, hỗ trợ để cùng phát triển.
Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa cũng là cơ hội rất lớn để Việt Nam thu hút khách du lịch quốc tế. Du lịch vốn được các quốc gia coi là "ngành công nghiệp không khói" để phát triển kinh tế một cách ổn định và bền vững. Cho nên, ngoại giao văn hoá, suy cho cùng chính là nền tảng, là động lực cho hai trụ cột còn lại là ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế.
Nhấn mạnh việc chú trọng ngoại giao văn hóa qua việc xúc tiến Du lịch ở các thị trường tiềm năng trên thế giới, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, trong xúc tiến du lịch đã thể hiện rất rõ về ngoại giao văn hoá. Việt Nam đã được nhiều tổ chức về du lịch, nhiều tạp chí và du khách bình chọn là điểm đến văn hóa hấp dẫn của khu vực châu Á.
Với tài nguyên văn hóa đa dạng, phong phú gắn liền với các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, làng nghề..., chúng ta có thế mạnh khá nổi trội để phát triển du lịch văn hóa và trải nghiệm. Vậy thì việc xúc tiến du lịch ở thị trường quốc tế cũng cần được coi là một khía cạnh của ngoại giao văn hoá.
Đại biểu Việt Nga cho biết thêm, trong những năm gần đây, ngoại giao văn hóa ngày một được quan tâm và thu được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn những "khoảng trống" nhất định trong ngoại giao văn hoá.
Ví như việc tổ chức các hoạt động văn hóa ở nước ngoài, đại biểu cho rằng chúng ta vẫn đang thiếu những chiến lược dài hơi, thiếu những sự kiện tầm cỡ. Có thể lý giải do điều kiện kinh tế còn hạn hẹp nên chưa tổ chức được như mong muốn.
Theo đại biểu, nếu chúng ta nhìn nhận những hoạt động này ở góc độ thu hút đầu tư, làm nền tảng để phát triển kinh tế, thì việc chúng ta chưa bố trí kinh phí xứng đáng để tổ chức các hoạt động này lại là điều cần rút kinh nghiệm.
Một khía cạnh khác mà đại biểu đề cập đó là, ngoại giao văn hóa không chỉ tập trung ở các sự kiện, các hoạt động có quy mô tầm cỡ, mà phải được chú trọng từ những việc nhỏ nhất, từ những hành động tưởng đơn giản nhất của mỗi cá nhân khi đi ra nước ngoài.
"Ví dụ với đội ngũ học sinh, sinh viên đi du học, với những người đi lao động xuất khẩu, rất cần được tập huấn, dặn dò, nhắc nhở về tác phong, thái độ, lối sống... sao cho thể hiện tốt nhất truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam. Mỗi công dân Việt Nam đặt chân sang nước bạn đều phải là một đại sứ văn hoá, để bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc và yêu mến con người, văn hoá, truyền thống Việt Nam.
Những trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm lối sống đạo đức, văn minh ở nước bạn... đều làm xấu hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa của quốc gia. Vì vậy, ngoại giao văn hóa không phải là việc của riêng ngành Ngoại giao" - đại biểu nhấn mạnh.
Kết quả của công tác ngoại giao văn hóa có vai trò của rất nhiều thành phần
Chia sẻ về một số thành tựu của Bộ VHTTDL trong việc thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa, bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VHTTDL cho biết, lĩnh vực văn hóa đối ngoại năm 2023 được đánh giá là một điểm sáng trong các hoạt động của Bộ VHTTDL nói riêng và của công tác đối ngoại nói chung.
Trong các chuyến thăm và làm việc chính thức của lãnh đạo cấp cao, các hoạt động văn hóa nghệ thuật đã góp phần quảng bá, giới thiệu những giá trị của văn hóa Việt Nam đến các quốc gia. Ở chiều ngược lại, các hoạt động văn hóa cũng xuất hiện nổi bật khi chúng ta đón các đoàn cấp cao đến thăm Việt Nam.
"Một trong những kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại đó là tăng cường sự hiện diện của văn hóa Việt Nam thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngoại giao văn hóa đã góp phần làm sâu sắc quan hệ hợp tác song phương, đưa hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất, giúp tăng cường sự tin cậy giữa các quốc gia" - bà Nguyễn Phương Hòa cho hay.
Cũng theo Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Bộ VHTTDL, trong năm 2023, Bộ VHTTDL cũng đạt "kỷ lục" với số văn kiện hợp tác đã ký kết với nước ngoài. Thông thường mỗi năm Bộ chỉ ký từ 5-6 văn kiện, nhưng năm 2023 đã đàm phán, ký kết 15 điều ước, thỏa thuận quốc tế. Đặc biệt, có nhiều văn kiện hợp tác quốc tế đã được ký kết trong chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Những văn kiện hợp tác đó đã tạo khuôn khổ pháp lý để các cơ quan hai bên tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, mở rộng hợp tác, giao lưu về văn hóa trên nhiều lĩnh vực.
Điểm tiếp theo đó là, bên cạnh phục vụ các chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, năm 2023, Bộ VHTTDL đã chủ động xây dựng và triển khai có hiệu quả Kế hoạch triển khai Chỉ thị 25 của Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, Bộ đã tổ chức 6 Tuần văn hóa, Ngày Văn hóa Việt Nam, Lễ hội văn hóa du lịch văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Trong đó, ưu tiên cho các nước là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.
Cũng theo bà Nguyễn Phương Hòa, trong năm 2023, chúng ta có nhiều hoạt động kỷ niệm năm chẵn năm tròn về ngoại giao. Như Tuần Văn hóa du lịch Việt nam tại Pháp hết sức thành công, khép lại năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp; hay như chuỗi các chương trình Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Tokyo, Kanagawa (Nhật Bản) nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản; Những ngày Văn hóa Việt Nam tại UAE nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-UAE
Thông qua các sự kiện này giúp tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân các nước, giúp người dân các nước hiểu thêm về một hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, đổi mới, thân thiện, là điểm đến an toàn đối với du khách và nhà đầu tư quốc tế.
Điểm tiếp theo đó là trong năm qua, có thể nói văn hóa đối ngoại đã đạt được thành tựu rất đáng ghi nhận khi chủ động hội nhập sâu rộng vào các diễn đàn đa phương về văn hóa.
Cụ thể, đây là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong cơ chế hợp tác của UNESCO. Tháng 11/2023, chúng ta đã trúng cử vào thành viên Ủy ban Di sản thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã đảm nhận vị trí thành viên Ủy ban liên chính phủ ở cả 3 công ước: Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa (Công ước 2005); Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003); Công ước về bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972). Đồng thời, Việt Nam cũng là thành viên Hội đồng chấp hành, Phó chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42.
Một thành tựu nữa mà bà Phương Hòa nhấn mạnh đó là, cuối tháng 10/2023, Tổng Giám đốc UNESCO đã ký quyết định chính thức công nhận Đà Lạt, Hội An là 2 thành phố sáng tạo tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là kết quả hết sức tuyệt vời trong việc triển khai Đề án mà Chính phủ giao Bộ VHTTDL, và Cục Hợp tác quốc tế là đơn vị được giao triển khai Đề án này đến các địa phương.
Như vậy, sau khi Hà Nội được công nhận là thành phố sáng tạo đầu tiên về lĩnh vực thiết kế vào năm 2019, đến Hội An được công nhận là thành phố sáng tạo về thủ công, nghệ thuật dân gian, Đà Lạt là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc. Đến nay Việt Nam đã có 3 thành phố sáng tạo tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.
Kết quả tiếp theo đó là thông qua văn hóa đối ngoại, chúng ta cũng tiếp thu được các tinh hoa, giá trị văn hóa của thế giới để làm phong phú, giàu thêm nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của Việt Nam. Trong năm 2023, Bộ VHTTDL cùng với các Trung tâm văn hóa nước ngoài của Việt Nam và các cơ quan ngoại giao… đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật của nước ngoài.
Tiêu biểu như dự án công diễn vở Opera "Công nữ Anio", đây là kết quả của dự án hợp tác giữa các nghệ sĩ Việt Nam và nhà sáng tạo Nhật Bản trong một thời gian dài. Hay như Chương trình âm nhạc "Hoàng tử bé"; Live show "Huế the light" dùng công nghệ âm thanh ánh sáng kết hợp với âm nhạc…đã lan tỏa nét đẹp của nền văn hóa các nước đến người dân Việt Nam...
Ngoài ra, các hoạt động giao lưu văn hóa của các nước láng giềng cũng diễn ra hết sức nổi bật như Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam đã được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng; Hay Tuần văn hóa Lào tại Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, Ninh Bình…
Bà Phương Hòa cho rằng, đây không chỉ là các hoạt động văn hóa có ý nghĩa chính trị, mà còn thắt chặt tình hữu nghị, tăng cường giao lưu văn hóa giữa nhân dân các nước, lại sự hưởng thụ văn hóa cao hơn cho công chúng Việt Nam ở nhiều vùng miền.
Chia sẻ về nguyên nhân thành công trong ngoại giao văn hóa thời gian qua, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VHTTDL cho rằng, đầu tiên là Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách đúng đắn trong việc mở rộng các quan hệ đối ngoại thông qua ngoại giao văn hóa, xem ngoại giao văn hóa là một trong những trụ cột. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội về vai trò của văn hóa nói chung và văn hóa đối ngoại nói riêng cũng ngày càng được nâng cao.
"Chúng ta cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, bộ ngành, nhất là giữa Bộ VHTTDL và Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài. Cùng với đó là sự phối hợp thường xuyên của Bộ VHTTDL với Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội trong việc thực hiện chương trình giới thiệu văn hóa nghệ thuật Việt Nam thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước" - bà Phương Hòa nhấn mạnh.
Bà Phương Hòa cho biết thêm, khi công tác văn hóa đối ngoại đã là nhiệm vụ chung của toàn bộ hệ thống chính trị, của cả xã hội thì chúng ta cũng thấy được ở đó vai trò quan trọng của rất nhiều thành phần. Ở đây là từ các cấp các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, những nhà sáng tạo, người dân với vai trò là những đại sứ văn hóa để lan tỏa giá trị, hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam ra bạn bè thế giới.
Đồng thời, chúng ta cũng nhìn thấy những nỗ lực của các doanh nghiệp trong năm qua đã góp phần vào hiện thực hóa mục tiêu biến Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về văn hóa nghệ thuật của quốc tế./.
Theo Tổ quốc