Tháp Chàm là tên gọi chung ngày nay về một loại hình kiến trúc tôn giáo của người Chăm. Người Chăm gọi tháp là Kalan có nghĩa là đền thờ, được coi là biểu tượng hài hoà về văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần.
Tháp chính (Kalan) lớn nhất trong cụm tháp Bánh Ít với độ cao khoảng 29,6 m, nằm trên đỉnh đồi. Cấu trúc tháp hình vuông, mỗi cạnh dài 12 m, cùng vòm mái hình mũi nhọn hướng lên trời. Đây là nơi để thờ phụng các vị thần trong Ấn Độ giáo hoặc thờ Phật tùy triều đại. Ảnh: vnexpress
Tháp Chàm là đặc trưng đại diện cho văn hóa của người Chăm. Về công năng, tháp là đền thờ các vị thần tôn giáo Ấn Độ mà đa phần là thờ thần Siva, vị thần được coi là chúa tể của các vị thần. Cũng có người cho rằng tháp được xây dựng để thờ và là nơi an nghỉ, lăng mộ của các vị vua hay hoàng tộc Chăm, một sự liên kết giữa vương quyền và thần quyền trong xã hội Chăm xưa.
Tháp Chàm được xây theo biểu tượng núi Mêru, một vùng núi thiêng của Bà-la-môn giáo. Núi Mêru là tên gọi một dãy núi huyền thoại, có nhiều đỉnh cao thấp khác nhau, mỗi vị thần ngự trị trên một đỉnh núi, vị thần tối cao chiếm vị trí đỉnh núi cao nhất, các vị thần tuỳ theo đẳng cấp mà ngự trị trên các đỉnh cao, thấp khác nhau. Trong biểu tượng kiến trúc theo Bà-la-môn giáo, núi Mêru được thể hiện thành kiến trúc Srikhara (đền-núi). Tháp Chàm được xây dựng theo biểu tượng và nguyên tắc này. Tháp có đỉnh nhô cao, xung quanh là hệ thống tháp góc nhiều lớp cao thấp khác nhau nhô lên. Tháp Chàm có thể được xây dựng chỉ có một tháp thờ (Kalam) là vật liệu bền vững, các kiến trúc khác là vật liệu nhẹ. Bên trong lòng tháp được thể hiện đơn giản, tường xây thẳng đứng, mặt xây phẳng nhẵn, phía trên thu nhỏ dần vào tạo nên vòm khám thờ. Chính giữa lòng tháp là bệ thờ, thường các tháp thờ Linga - Yoni - biểu tượng của thần Siva. Người Chăm xây dựng khá nhiều tháp, trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Có nơi, các tháp được xây dựng thành một quần thể gồm nhiều tháp như Mỹ Sơn, Đồng Dương (Quảng Nam); Bánh Ít (Bình Định); Ponaga (Khánh Hoà); PoKllong Gia Lai (Ninh Thuận); PoDam (Bình Thuận)… Vẻ đẹp của các tháp thể hiện qua ngôn ngữ hình khối với những thành phần kiến trúc phức tạp, các hoạ tiết trang trí cầu kỳ, hoa văn sắc sảo thể hiện trình độ thẩm mỹ cao, kỹ thuật điêu luyện. Các Tháp Chàm dọc miền Trung toạ lạc trên những đỉnh đồi cao, chung quanh có phong cảnh đẹp đẽ. Toàn cảnh Tháp Chàm toát lên vẻ đẹp thanh thoát, tĩnh lặng.
Tháp Chàm là những di tích có giá trị đặc biệt về lịch sử, nghệ thuật, kĩ thuật xây dựng, văn hoá tín ngưỡng, lễ hội, về ý nghĩa triết lý và thờ tự. Mặt khác, giữa truyền thuyết Tháp Chàm và các lễ hội trên các Tháp Chàm có mối quan hệ chặt chẽ. Nhờ truyền thuyết, lễ hội trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm linh con người. Truyền thuyết chính là cầu nối giữa niềm tin, cảm xúc của cộng đồng với tín ngưỡng, phong tục, tập quán. Niềm tin trong truyền thuyết lại được hiện thực hoá, lưu giữ và lan tỏa rộng rãi trong lễ hội.
Tháp Chàm là nơi cầu đảo thần linh. Người Chăm quan niệm vạn vật hữu linh. Vì vậy, tất cả của cải vật chất, con người, tên đất, tên vùng đều mang tên thần thánh. Ngay cả biên giới người Chăm cũng là biên giới tâm linh – biên giới của thần. Người Chăm xây tháp để thần linh trú ngụ che chở cho muôn loài. Nếu không có chỗ để thần linh trú ngụ thì mọi tai hoạ, dịch bệnh, mất mùa sẽ ập đến. Được coi là nơi trú ngụ thiêng liêng cho các vị thần linh, Tháp Chàm chính là trung tâm rực rỡ nhất cho mọi sinh hoạt của một vùng, một tiểu bang của vương quốc xưa.
Tháp Dương Long (xã Tây Bình và Bình Hòa, huyện Tây Sơn) cách trung tâm TP. Quy Nhơn gần 40km, trên cùng trục đường đi qua tháp Bánh Ít. Đây được coi là cụm tháp gạch cao nhất Việt Nam, với độ cao ngôi tháp chính giữa là 39 m, hai tháp còn lại cao khoảng 32 m. Không như hầu hết công trình tháp Chàm ở Việt Nam được xây bằng gạch, tháp Dương Long lại có sự kết hợp nhiều chi tiết bằng đá, mang vẻ đẹp khác lạ. Ảnh: vnexpress
Đồng thời, Tháp Chàm là nơi để tôn thờ nhân vật anh hùng, những người có công, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Người Chăm gọi các Tháp Chàm là Kalan có nghĩa là đền lăng, và những cụm tháp thờ thần linh được kết hợp với lăng mộ thờ vua chúa. Như tháp Po Dam ở Bình Thuận thờ vua Pô Tầm, tháp Po Rome và tháp Po Klaung Garai ở Ninh Thuận thờ vua Po Romeo và vua Po Klaung. Như vậy, các Tháp Chàm không chỉ là nơi cầu đảo, thờ thần linh mà còn là nơi thờ phụng vua chúa, hay chính là thờ phụng tổ tiên. Trong lòng mỗi ngôi tháp, bên cạnh bệ thờ Linga là tượng các vua chúa Chăm, thậm chí như tượng mặt vua Po Klaung Garai , Po Rome được gắn vào cây Linga (gọi là Mukhalinga). Từ đây hình thành nên tín ngưỡng thờ cúng vua – thần gắn với thờ biểu tượng Siva giáo trên các Tháp Chàm. Tất cả tạo nên một sắc thái văn hoá Chăm phong phú, đa dạng.
Bên cạnh đó, Tháp Chàm là trung tâm hành lễ tôn giáo. Ăn sâu trong đời sống tâm linh người Chăm và hiện diện trong đời sống sinh hoạt xã hội Chăm qua các nghi lễ, lễ hội, Tháp Chàm là chốn linh thiêng, là nơi cầu đảo thần linh và thực hành các nghi thức, tế lễ tôn giáo của cư dân Chăm trong vùng. Người Chăm chịu ảnh hưởng kiến trúc tôn giáo Ấn Độ giáo. Tháp Chàm thường có 3 phần. Đế tháp gọi là Bhurloka tượng trưng cho thế giới trần tục. Thân tháp gọi là Bhuwarloka tượng trưng cho thế giới tâm linh nơi con người tự thanh tịnh chính mình để có thể tiếp xúc với tổ tiên, hoà nhập vào thế giới thần linh. Mái tháp gọi là Swarloka tượng trưng cho thế giới thần linh, nơi chư thần tụ tập. Sắc thái Ấn Độ được biểu trưng qua các đền tháp mang tư tưởng và tinh thần của Bà-la-môn giáo. Bà-la-môn giáo giữ vai trò đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Chăm. Tôn giáo này đi tìm chân lý đưa đến sự giải thoát, là sự gặp gỡ giữa linh hồn cá thể (Atma) với linh hồn vũ trụ (Brahma). Linh hồn vũ trụ có ý nghĩa là Đại hồn, là nguồn gốc của vũ trụ, là chúa tể của các vị thần, là đấng Tuyệt Đối. Brahma có quyền năng tối cao, hiện thân trong một thể gồm 3 ngôi: Thần Sáng Tạo (Bhama), Thần Bảo Tồn (Visnu) và Thần Phá Huỷ (Siva). Con người được giải thoát khi linh hồn cá thể tìm được Đại Hồn, tức là đã nhập thân vào linh hồn vũ trụ. Đó là không gian thiêng để con người từ biệt cõi trần, đi vào thế giới của đấng toàn năng.
Hiện nay, các cụm đền Tháp Chàm ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn duy trì các lễ hội truyền thống Kate của đồng bào dân tộc Chăm. Những ngôi đền tháp này vẫn sống trong nền văn hoá đã sinh ra nó tuy rằng văn hoá nguyên thể đã có những biến đổi nhất định.
Có thể nói, các đền Tháp Chàm phản ánh đầy đủ và chân thực hoàn cảnh văn hoá Chăm từ những giai đoạn thích nghi, tiếp biến và trỗi dậy mạnh mẽ yếu tố bản địa và sự giao lưu thường xuyên về mặt văn hoá bên cạnh yếu tố kinh tế-chính trị với các dân tộc khác. Tháp Chàm gắn với đời sống nông, ngư nghiệp và đời sống tâm linh của người Chăm, là nơi gắn kết cộng đồng Chăm với thần linh, nơi tổ chức các sự kiện quan trọng như tế lễ, thăng quan tiến chức của người Chăm xưa. Ngày nay, tháp Chăm là nơi hội tụ những giá trị tinh hoa văn hoá Chăm qua các lễ hội, lớn nhất là lễ hội Katê, dịp tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, thần linh, vua chúa và những nhân vật có công lớn với đất nước.
Được coi là kho tàng giá trị lịch sử văn hóa phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của nền văn minh Chăm cổ, những kiến trúc đền Tháp Chàm chính là những bằng chứng lịch sử cho sự tồn tại và phát triển hưng thịnh của vương quốc Chăm cổ, đồng thời góp phần làm phong phú, đa dạng bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tháp Chàm đã đóng góp vào kho báu nghệ thuật Việt Nam những nét độc đáo về kiến trúc và điêu khắc, với hệ thống tháp và tượng đã trở thành minh chứng cho nền văn hóa nghệ thuật cổ lớn nhất, có giá trị nhất của khu vực Đông Nam Á, xứng đáng là di sản văn hóa thế giới.
ĐTT