Trước hết vẫn là chuyện thưởng Tết. Dù không quy định trong Luật Lao động nhưng việc thưởng Tết vẫn được nhiều DN, cơ quan, đơn vị thực hiện hàng năm, không nhiều thì ít. Đây được coi là cách tri ân, giữ chân NLĐ đã gắn bó với công ty, cơ quan, đơn vị sau một năm làm việc vất vả. Người lao động (NLĐ) mong ngóng thưởng Tết để có thể mua sắm cho gia đình có cái Tết vui vẻ, đủ đầy, mua vé tàu xe để về quê đoàn tụ với gia đình.
Thu hút sự chú ý của dư luận những ngày này là đề xuất của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh về việc thành phố chi ngân sách thưởng Tết cho mỗi nhân viên y tế 1,5 triệu đồng. “Nếu được thông qua, đây sẽ là một tin vui cho nhân viên ngành y tế chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh nói.
Nhiều người “luận bàn” sôi nổi rằng, nếu một địa phương nào đó có nguồn lực đề xuất tiền thưởng Tết cho nhân viên y tế có nguồn chi từ ngân sách chắc cũng không ai phản đối. Hơn 2 năm tiến hành cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nhân viên ngành y tế đã lao vào các điểm nóng, chịu nhiều áp lực, hiểm nguy để phục vụ cộng đồng. 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có 2 điều dưỡng và 1 bác sĩ ra đi mãi mãi. Không ít y, bác sĩ bị sang chấn tâm lý, bị trầm cảm, trở thành bệnh nhân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã rất công tâm khi đánh giá “Không thể ghi hết những gian lao, vất vả, hy sinh của lực lượng tuyến đầu để bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân”. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện, bảo đảm các điều kiện thuận lợi kể cả về vật chất và tinh thần để các lực lượng tuyến đầu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ cao cả của mình; động viên, khen thưởng, tôn vinh kịp thời các tấm gương tiêu biểu, phổ biến nhân rộng các cách làm hay, mô hình tốt trong phòng chống dịch. Với ý nghĩ đó, thưởng Tết cho nhân viên y tế tuyến đầu là việc nên làm.
Dẫn lại chuyện này để thấy rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chuyện thưởng Tết năm nay với nhiều cơ quan, đơn vị, DN là rất khó khăn. Vậy nên, nếu như mức thưởng ở công ty, cơ quan đơn vị có thấp hơn năm ngoái thì NLĐ cũng đừng lấy đó làm buồn. Cũng đừng nhìn quanh mà so đo, đặt vấn đề thưởng nhiều hay ít. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người cho rằng, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, việc thưởng Tết năm nay nên theo phương châm “hài hòa lợi ích”. Nghĩa là DN, cơ quan đơn vị cố gắng có mức thưởng Tết cao nhất trong khả năng xoay xở được; còn NLĐ thì cần thấu hiểu, chia sẻ khó khăn cùng DN, cơ quan, đơn vị mình để chờ đón năm 2022 với niềm tin kinh tế sớm phục hồi, khởi sắc và năm tới, mọi người đều có thưởng Tết. Nuôi dưỡng tinh thần lạc quan là cách để chúng ta vượt qua những thách thức trong cuộc sống.
Thưởng Tết, lo Tết là chuyện về sự thấu hiểu, sẻ chia. Dịch COVID-19 kéo dài hơn 2 năm qua đã khiến cho một bộ phận người dân rơi vào cảnh khốn khó, nhiều khả năng không có Tết. Đó là những hộ nghèo, các gia đình có người thân, trẻ em có cha mẹ mất do dịch COVID-19… Để bảo đảm một cái Tết an vui, đầm ấm nhất có thể đến với từng người, từng nhà, các cấp ủy Đảng, Chính quyền, MTTQ các cấp, các tổ chức, đoàn thể đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Cùng nhau trao yêu thương, thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn cho người nghèo, yếu thế là thông điệp của những chương trình “Xuân yêu thương - Tết sẻ chia”, “Tết vì người nghèo” đã và đang lan tỏa trong những ngày này. Hàng ngàn phần quà Tết được chuẩn bị chu đáo, trao tặng kịp thời đã khiến người nghèo, neo đơn, lang thang cơ nhỡ cảm thấy ấm lòng.
COVID-19 còn đó với những khó khăn, thách thức bủa vây khiến chúng ta phải đón “một cái Tết chưa từng có”: Thu nhập, lương thưởng bị giảm sút, thậm chí không có. Nhưng nó cũng là động lực giúp mọi người hướng về nhau, chăm lo cho nhau với tinh thần sẻ chia, thấu hiểu.
Cây mùa xuân vẫn nảy lộc đâm chồi. Mọi người, mọi nhà đều có Tết./.