Thực trạng ngành y tế và các bệnh viện công có thể tóm tắt qua ý kiến của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM) hôm 27-10: “Đến nay cả ba chân kiềng của ngành y tế từ y tế cơ sở, y tế điều trị đều đối mặt với nhiều vấn đề, thiếu từ nhân lực, thuốc và trang thiết bị hiện đại. Nhân viên y tế muốn được tập trung vào chuyên môn, để khám chữa bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất chứ không phải là hằng ngày đối phó với các quy trình mua sắm, thanh toán và nguy cơ bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự.
Vấn đề vướng quy trình mà vị nữ đại biểu Quốc hội cũng nguyên là lãnh đạo Sở Y tế TPHCM này nói, được minh họa rõ nét hơn qua phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trong phiên họp hôm 31-10.
Dẫn vướng mắc trong Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết trong Luật Đầu tư công quy định: “Dự án đầu tư phải được phê duyệt trước ngày 30-10 thì mới được bố trí vốn đầu tư công”. Luật Đầu tư công cũng quy định phải bố trí vốn thì mới lập được dự án và thiết kế. Mà chưa có vốn thì không lập được dự án, không lập được dự án lại đòi hỏi có dự án mới được vay vốn.
Chính cái vòng lẩn quẩn “con gà có trước hay quả trứng có trước” này đã tác động đến tại sao giải ngân chậm, chậm tiến độ, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, hay các vấn đề liên quan. Ông Phớc lý giải thêm, tiền sửa chữa các công trình như nhà ở, đường sá, xe cộ, thiết bị… đều phải được ghi vào vốn của đầu tư công mới được triển khai. “Vậy gần như các cơ quan, đơn vị rất bế tắc. Khi nhà bị hỏng, bị sập, hàng rào sập cần phải xây lại, không có vốn thì rất bí. Muốn thay một bóng đèn của thiết bị bệnh viện cũng phải lập dự án”, Bộ trưởng Tài chính nêu dẫn chứng minh hoạ.
Một trong những quy trình gây khó khăn khác mà đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhắc tới trong phát biểu tại nghị trường là quy trình, thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan hiện nay các bệnh viện bị “ép “giảm chi từ giá dịch vụ y tế cho đến giá thuốc, vật tư y tế. Ngoài việc bị Bảo hiểm xã hội Việt Nam buộc phải áp dụng các mức chi phí không đúng theo giá trị thực tế mà phải chọn càng rẻ càng tốt, các bệnh viên còn đối mặt thường xuyên với những khó khăn trong thanh toán bảo hiểm y tế.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận có những vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế và Nghị định 146/2018/NĐ-CP còn chưa thống nhất. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện liên quan đến việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo phương thức giá dịch vụ y tế đang bị vướng mắc liên quan đến việc áp dụng tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Chính do những vướng mắc liên quan quy định tổng mức thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) trong khám chữa bệnh khiến các bệnh viện đang bị “treo” hơn 4.000 tỉ đồng chưa được chi trả, chỉ tính riêng trong năm 2021.
Tuy nhiên, khi lý giải về khoản tiền bị treo chưa thanh toán cho các bệnh viện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lại cho rằng là do bác sĩ chỉ định điều trị không phù hợp khiến tăng mức thanh toán bảo hiểm y tế. Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam dẫn chứng, có bệnh nhân viêm ruột thừa được chụp CT, chữa bệnh tiểu đường có nơi 500.000 đồng có nơi 1,5 triệu đồng.
Lý giải này của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã bị giới bác sĩ phản ứng mạnh vì không chính xác về chuyên môn. Kết luận của đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam bộc lộ rất rõ nguyên nhân vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế: dưới lăng kính của họ, toàn bộ bệnh nhân phải giống hệt nhau, bất chấp tình trạng bệnh lý trong thực tế ra sao.
CT bụng là phương pháp chẩn đoán viêm ruột thừa giai đoạn sớm khi khám lâm sàng không rõ ràng, siêu âm bụng không thấy. Kỹ thuật này đang được áp dụng phổ biến trong y tế các nước khác từ hàng chục năm qua. Không có bác sĩ nào đã thấy rõ viêm ruột thừa qua siêu âm mà còn chỉ định chụp CT bụng cả.
Tương tự, với bệnh tiểu đường, nếu người mới mắc thì toa thuốc có thể chỉ tốn vài trăm ngàn đồng, nhưng nếu bệnh nhân có kèm theo rối loạn đạm, mỡ hay các nguy cơ, biến chứng như tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh lý thận do tiểu đường…. thì toa thuốc phải lên đến vài triệu đồng. Với các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường lâu năm thì biến chứng đi kèm càng nhiều, toa thuốc điều trị càng nhiều tiền hơn.
Như vậy, các nguyên nhân chính khiến ngành y bị trói ”cả tay lẫn chân” và người bệnh bị hành đã thấy khá rõ qua kỳ họp Quốc hội lần này. Người dân mong các vị đại diện của mình quyết liệt trong hành động để những bất hợp lý này phải được sửa tận gốc, không để kéo dài thêm. Các đại biểu hãy dùng quyền lập pháp của mình để sớm sửa đổi những điểm quá bất hợp lý trong những quy định pháp luật hiện nay.
Song Nghi (theo TBKTSG)