Là một trong những điển hình tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020, người thầy dân tộc Dao là tấm gương sáng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vai trò của người giáo viên “cõng con chữ lên non” ngày nay.
Thầy giáo Sằm Văn Tuấn, giáo viên Trường Tiểu học xã Đổng Xá, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo thuần nông. Bằng sự cố gắng nỗ lực vượt khó học tập của mình, chàng trai người dân tộc Dao Sằm Văn Tuấn đã thi đỗ vào Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội chuyên ngành tiếng Anh.
Tốt nghiệp đại học, trở về quê hương, xác định rõ việc dạy và học tiếng Anh là nhu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay, Sằm Văn Tuấn trăn trở nghĩ suy tìm cách cho trẻ em vùng cao của huyện Na Rì được tiếp cận sớm với môn tiếng Anh.
Cần phải làm gì để học sinh tiểu học khu vực miền núi khó khăn có thể học tiếng Anh một cách tốt nhất, hiệu quả nhất, để mỗi giờ học tiếng Anh luôn vui vẻ, hấp dẫn và học sinh có thể vận dụng kiến thức tốt nhất trong giao tiếp? Những câu hỏi đó luôn khiến Sằm Văn Tuấn băn khoăn, trăn trở.
Thầy giáo Sằm Văn Tuấn, giáo viên Trường Tiểu học xã Đổng Xá, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: VGP |
Từ năm 2008, khi mới bắt đầu tham gia giảng dạy, Tuấn gặp không ít khó khăn vất vả khi dạy dỗ tiếng Anh khi quan niệm của học sinh và phụ huynh nơi vùng cao cho rằng "Tiếng Việt còn chưa biết, học Tiếng Anh làm gì?", nên rất ít quan tâm đến việc học môn này.
100% học sinh Trường Tiểu học Đổng Xá nơi Tuấn công tác là con em đồng bào dân tộc. Hầu hết học sinh miền núi học tiếng Anh theo cách nghe để phát âm lại chứ không thể tự nắm kiến thức. Nhiều em còn chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt dẫn đến việc học tiếng Anh gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều em sẽ quên ngay vào tiết học hôm sau, đa số học sinh thụ động, đối phó trong quá trình học.
Nhà trường thì thiếu cơ sở vật chất, phương tiện, đồ dùng, trang thiết bị dạy học, thiếu giáo viên, không có phòng học riêng…
Đặc thù miền núi các trường đều có phân trường, như Trường Đổng Xá của thầy Tuấn đang công tác có 8 lớp nhưng ở 4 địa điểm. Các điểm trường đều cách xa nhau, xa nhất là điểm trường Khuổi Cáy cách trường chính 12 km. Đường xá đi rất khó khăn, thường xuyên sạt lở, lầy lội vào mùa mưa, nhiều đoạn không thể đi xe mà chỉ có thể đi bộ mới tới được trường.
Tuy nhiên, mọi thử thách chỉ càng làm cho người giáo viên trẻ quyết tâm vượt qua với lòng yêu nghề, yêu trẻ.
Trước đây ở các điểm trường Đổng Xá học sinh không được học tiếng Anh, nhưng từ khi lên công tác anh đã đề xuất với Ban giám hiệu tự nguyện đến các điểm trường để dạy Tiếng Anh cho các em học sinh và số tiết dạy mỗi tuần vượt 12 tiết so với quy định nhưng Tuấn hoàn toàn không đề nghị thanh toán tiền vượt tiết.
Hiểu được đặc điểm tâm lý lứa tuổi của trẻ, thầy Sằm Văn Tuấn luôn cố gắng xây dựng một không gian học tiếng Anh vui vẻ, hòa đồng cùng các em học sinh trong mọi lúc, mọi nơi và luôn coi mình như một người bạn của các em.
Trong mỗi giờ học, thầy không ngừng sáng tạo để có những phần vào bài ấn tượng nhất, hiệu quả nhất, tạo cho học sinh cảm giác thoải mái, hưng phấn để tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả.
Thầy Tuấn quan niệm, học tốt tiếng Anh nghĩa là phải nói tiếng Anh tốt. Chính vì vậy, thầy rất chú trọng phần thực hành nói tiếng Anh. Thầy luôn tạo môi trường tốt nhất có thể trong từng giờ học để học sinh không còn e ngại khi nói tiếng Anh.
Thầy thường tổ chức những hoạt động để tất cả các học sinh trong lớp đều có cơ hội được nói tiếng Anh cùng nhau dưới dạng trò chơi phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của các em.
Thầy quan niệm, muốn có những giờ học hay, đạt hiệu quả cao thì người thầy phải không ngừng học hỏi, tìm tòi, sáng tạo. Những kiến thức lĩnh hội được trong các đợt tập huấn được thầy áp dụng một cách linh hoạt để tạo ra những giờ học hay, thú vị cho học sinh.
Thầy cũng dành thời gian nhiều lần đến gia đình các em học sinh, chỉ ra được tầm quan trọng của môn Tiếng Anh, nên đã nhận được sự hợp tác tích cực từ phía phụ huynh. Từ đó khiến học sinh hào hứng hơn với môn tiếng Anh, thành tích học tập của các em cũng được nâng cao hơn.
Ngoài những giờ lên lớp, thầy Tuấn thường tổ chức dạy miễn phí, ôn luyện, phụ đạo cho những em học sinh yếu, kém, bồi dưỡng cho các em học sinh khá giỏi. Đặc biệt, trong các tiết dạy thầy thường phải sử dụng 3 ngôn ngữ, bởi có nhiều từ ngữ nói tiếng phổ thông học sinh không hiểu, phải dịch sang tiếng Tày, Nùng, Dao tùy đối tượng học sinh sau đó mới dịch sang tiếng Anh.
Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất khó khăn nhưng thầy Sằm Văn Tuấn luôn cố gắng tìm tòi nghiên cứu, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy nên các học sinh của anh đã đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi tiếng Anh trên mạng internet.
Năm học 2016-2017, một học sinh của thầy Sằm Văn Tuấn đạt giải nhì kỳ thi Olympic tiếng Anh trên internet cấp huyện. Năm học 2017-2018, một học sinh đạt giải nhì, một học sinh đạt giải ba Giao lưu tiếng Anh học sinh tiểu học cấp huyện. Thầy Tuấn nhận nhiệm vụ huấn luyện đoàn học sinh tham gia Giao lưu tiếng Anh cho học sinh tiểu học cấp tỉnh do Sở GD&ĐT Bắc Kạn tổ chức và đã đạt giải ba toàn đoàn.
Thầy Sằm Văn Tuấn chia sẻ tâm huyết, mong muốn các trường thuộc khu vực miền núi sẽ được đầu tư phòng chức năng phục vụ giảng dạy môn tiếng Anh một cách bài bản. Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức cho học sinh và phụ huynh học sinh về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của tiếng Anh trong cuộc sống, học tập, công tác trong thời kỳ hội nhập.
Khi có những người thầy say mê truyền đạt kiến thức, xoá nhoà mọi khó khăn như thầy giáo Sằm Văn Tuấn, chắc chắn khoảng cách về năng lực giao tiếp tiếng Anh giữa học sinh miền núi và học sinh thành phố sẽ được rút ngắn, để miền núi tiến kịp miền xuôi theo đúng mong muốn, lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
Nguồn Chinhphu.vn