Sau hơn 10 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (2013) đến nay, công tác phòng chống tham nhũng tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam đã đạt được kết quả rất quan trọng, được dư luận trong nước và thế giới đánh giá cao. Nhận thức của Đảng về lý luận đã có sự phát triển, mở rộng, từ chỗ chủ yếu tập trung vào công tác phòng, chống tham nhũng thì nay đã mở rộng sang phòng, chống tiêu cực mà trước hết là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Từ chỗ chủ yếu tập trung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khu vực nhà nước thì nay đã mở rộng trọng tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sang cả khu vực ngoài nhà nước. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả lãnh đạo cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị các cơ quan thực thi pháp luật xử lý ở các mức độ khác nhau đã làm thay đổi thái độ, hành vi của cả xã hội nói chung, đội ngũ cán bộ nhà nước các cấp nói riêng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu “bốn không” là “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực thì Đảng và Nhà nước ta cần thực hiện nhiều giải pháp, quyết liệt, đồng bộ.
Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Tiêu cực, so với tham nhũng, có ý nghĩa rộng hơn nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với tham nhũng. Tiêu cực trước hết là sự “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là biểu hiện cụ thể của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tiêu cực là môi trường thuận lợi để tham nhũng nảy sinh. Tiêu cực, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống có thể biểu hiện ở nhiều hành vi khác nhau mà Đảng đã chỉ ra như chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, làm không đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chạy theo thành tích, ngại va chạm, lười học lý luận, hủ hóa… và tất cả là nguyên nhân trực tiếp của hành vi tham nhũng.
Thể chế nào để cán bộ “không thể, không cần” tham nhũng?
Vậy để đạt được mục tiêu “bốn không” nêu ở trên thì Đảng, Nhà nước cần hoàn thiện những quy định nào?
Các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trực tiếp liên quan đến phòng chống tham nhũng hiện nay tương đối đầy đủ để cán bộ lãnh đạo quản lý “không dám” tham nhũng, tiêu cực. Kể từ năm 2013 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có Luật phòng chống, tham nhũng.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hơn 10 năm qua với hàng nghìn vụ việc được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo; hàng trăm vụ án với hàng nghìn bị cáo, trong đó có nhiều cán bộ, nguyên cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị điều tra, xét xử, hàng chục ngàn tỷ đồng tài sản tham nhũng được thu hồi đã cho thấy mức “răn đe” là rất lớn. Vì thế, có thể nói, thể chế để cán bộ “không dám” tham nhũng tiêu cực đã khá hoàn chỉnh, vấn đề còn lại là khâu tổ chức thực thi trên thực tế một cách nghiêm minh, hiệu quả.
Tuy nhiên, thể chế để “không thể”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng có vẻ như còn nhiều việc phải làm. Để cán bộ “không thể” tham nhũng, đòi hỏi hệ thống pháp luật ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, chứ không chỉ là những quy định pháp luật trực tiếp liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, phải chặt chẽ, không có “kẽ hở” cho những cán bộ suy thoái, biến chất lợi dụng.
Hệ thống pháp luật càng nhiều “kẽ hở” thì hiện tượng tham nhũng, tiêu cực càng phổ biến. Thực tế cho thấy, không có quốc gia nào trên thế giới có được hệ thống pháp luật hoàn hảo, không có “kẽ hở”. Bởi hệ thống pháp luật là những quy định cứng nhắc, trong khi cuộc sống lại muôn màu, muôn vẻ. Những cán bộ có chức, có quyền bị suy thoái đạo đức, lối sống luôn tìm tòi “kẽ hở” trong hệ thống pháp luật để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực của mình. Vì thế, cũng như tất cả các quốc gia trên thế giới, hệ thống pháp luật Việt Nam cần và chỉ có thể hướng tới việc hạn chế tối đa những “kẽ hở”.
Thực tế những năm qua Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, Quốc hội đã ban hành, sửa đổi rất nhiều quy định pháp luật, nhưng hiện tượng tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra. Đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trước hết là Quốc hội. Hệ thống pháp luật phải rõ ràng, dễ thực hiện, phù hợp với cuộc sống, phù hợp với diễn biến của thực tế. Tuy nhiên, do thực tiễn thường biến động nhanh, khó dự báo nên các quy định pháp luật rất dễ bị lạc hậu. Điều này có thể gây khó khăn cho cán bộ trong thực hiện một số quy định. Vì thế, để hoàn thành nhiệm vụ, đôi khi họ đã tìm đến giải pháp “lách luật”, làm sai. Một số cán bộ có chức, có quyền đã lợi dụng điều này để “lách luật”, làm sai, tiêu cực.
Để cán bộ “không cần” tham nhũng thì điều quan trọng nhất là chế độ tiền lương, thưởng, đãi ngộ phải bảo đảm mức sống cho cán bộ nói riêng, người lao động nói chung. Các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực xảy ra vừa qua không hoàn toàn xuất phát từ nguyên nhân thu nhập thấp, nhưng rõ ràng là hệ thống lương, thưởng, đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công hiện nay của Việt Nam còn thấp, lạc hậu, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội đất nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã nhiều lần chỉ đạo và triển khai thực hiện cải cách tiền lương, nhưng đây vẫn là lĩnh vực cần tiếp tục đổi mới, cải cách mà trả lương theo vị trị việc làm là định hướng đúng, cần sớm được triển khai.
Hơn 10 năm thực hiện kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, đến nay chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng, nhất là trong việc bảo đảm “không dám” tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế để cán bộ lãnh đạo, quản lý “không thể”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực. Hy vọng, với nhận thức ngày càng rõ ràng, sâu sắc của Đảng và Nhà nước, trong năm Giáp Thìn, 2024, cũng như những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tiến bước thành công trong cuộc đấu tranh cam go, khắc nghiệt, lâu dài này.
PGS.TS. Lê Văn Chiến Viện trưởng Viện lãnh đạo học và chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (VOV.vn)