Với thanh toán không tiếp xúc, người tiêu dùng có thể chạm để thanh toán mà không cần đưa thẻ cho nhân viên thu ngân, giúp an toàn hơn vì thẻ không bao giờ rời khỏi tay chủ thẻ và việc thanh toán được thực hiện chưa đến nửa giây. Khách hàng thậm chí có thể sử dụng điện thoại di động, nhập mã PIN, mật khẩu hoặc sinh trắc học để tăng cường bảo mật.
Hình thức thanh toán này đã được triển khai tại nhiều đơn vị chấp nhận thẻ như cửa hàng tiện lợi, nhà hàng và các siêu thị, trung tâm mua sắm… như KFC, CGV, Circle K, Co.opmart. Để sử dụng thẻ, khách hàng chỉ cần chạm nhẹ thẻ lên biểu tượng thanh toán chạm và giữ thẻ ở khoảng cách gần (dưới 4cm). Giao dịch thành công thì màn hình sẽ hiển thị "Approved" và thiết bị đọc thẻ có thể phát ra tiếng bíp/nháy đèn xanh.
Hiện, Việt Nam có hơn 40 ngân hàng phát hành thẻ không tiếp xúc. Theo thống kê từ Công ty Thanh toán điện tử Visa, giao dịch không tiếp xúc trong những tháng đầu năm 2020 tại Việt Nam đã tăng kỷ lục, ở mức hơn 500% so với những tháng đầu năm 2019. Số liệu từ Khảo sát thái độ thanh toán người tiêu dùng Việt Nam gần đây do Visa thực hiện cho thấy hiện tại có 37% người tiêu dùng đang sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc. Trong đó có 85% người cho rằng họ thường xuyên sử dụng phương thức thanh toán này ít nhất một lần/tuần.
Thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc trong sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt” diễn ra ngày 31-10-2020 tại Hà Nội. Ảnh: Hà Nội mới
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thẻ chip khác thẻ từ là thông tin nằm trong chip được mã hóa, được khóa, chỉ có ngân hàng phát hành mới đọc được. Vì không đọc được dữ liệu trong thẻ nên không thể làm thẻ giả được. Đặc biệt, thẻ chip không tiếp xúc (contactless) sẽ tiện dụng hơn so với thanh toán tiền mặt ở tốc độ giao dịch nhanh chỉ 0,2-0,3 giây là xử lý xong giao dịch...
Chỉ tính riêng trong chuỗi sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam (ngày 7 và 8-11-2020), có thêm 10.000 thẻ không tiếp xúc được các ngân hàng phát hành miễn phí để tặng cho khách hàng. Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) chia sẻ: “Thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi thẻ chip nội địa, phát triển các ứng dụng thanh toán mới trên nền tảng công nghệ chip, sản phẩm thẻ chip nội địa trả trước do các ngân hàng thương mại phát hành có tính năng thanh toán nhanh, thuận tiện, an toàn phù hợp với các giao dịch giá trị nhỏ và có thể nạp tiền nhiều lần”.
Với nhiều người sử dụng, nếu thẻ ngân hàng thông thường đã mang lại sự tiện lợi không nhỏ thì đến thẻ không tiếp xúc, người tiêu dùng cảm thấy yên tâm hơn. Chị Đỗ Khánh Linh (quận Long Biên), một chủ thẻ Visa Platinum Cashback của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ: “Sử dụng loại thẻ này giúp tôi hạn chế tối đa việc tiếp xúc nơi công cộng khi mua sắm hàng hóa dịch vụ. Với thẻ không tiếp xúc, tôi không phải cầm tiền mặt, tiền thừa, không phải ký tên trên hóa đơn dưới 1 triệu đồng, các giao dịch cũng diễn ra nhanh và chuẩn xác”.
Rõ ràng, thẻ không tiếp xúc là phương tiện thanh toán hiện đại có thể thay thế những phương thức thanh toán thẻ khác trong tương lai bởi tính tiện lợi và an toàn cho người sử dụng. Các chuyên gia cũng dự báo, trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, với việc nhận thức của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao, thẻ không tiếp xúc sẽ phát triển nhanh chóng và trở thành xu hướng thanh toán được ưa chuộng trong thời gian tới./.
Theo Hà Nội mới