Phát huy lợi thế
Quảng Ninh có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế toàn diện. Năm 2020, Quảng Ninh nằm trong số 15 địa phương tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng năm 2021 của Quảng Ninh tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo, GRDP cả năm 2021 của tỉnh sẽ đạt 2 con số.
Tính đến giữa tháng 9/2021, theo Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh, tổng nguồn vốn thu hút đầu tư vào địa bàn khu công nghiệp (KCN), KKT tỉnh đạt gần 300.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI chiếm đa số.
Quảng Ninh hiện có 16 KCN, tổng diện tích trên 378ha. Ngoài ra, 3 KKT cửa khẩu gồm Hoành Mô - Đồng Văn (huyện Bình Liêu), Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà), Móng Cái đang được tỉnh khai thác hợp lý, phát huy được những tiềm năng, thế mạnh khu vực cửa khẩu.
Đây là những điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh phát huy lợi thế về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nói chung, kinh tế khu vực biên giới nói riêng.
KKT cửa khẩu là KKT hình thành ở khu vực biên giới đất liền và địa bàn lân cận khu vực biên giới đất liền có cửa khẩu quốc tế hoặc cửa khẩu chính và được thành lập theo quy định của luật pháp.
Không chỉ thu hút đầu tư, hình thành doanh nghiệp và tạo việc làm mới, tạo ra quá trình chuyển giao công nghệ và kỹ năng bên trong KKT, KKT cửa khẩu còn thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, củng cố quan hệ ngoại giao cũng như tạo ra tính hợp lực, mạng lưới kết nối và lan tỏa tri thức ra bên ngoài phạm vi khu kinh tế.
KKT Cửa khẩu Móng Cái hiện có diện tích lớn nhất trong số các KKT cửa khẩu tại Việt Nam. Đây là khu vực động lực, trọng tâm, được trung ương và tỉnh xác định là một trong 2 mũi nhọn đột phá chiến lược của Quảng Ninh, là KKT cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ.
Đến nay, KKT Cửa khẩu Móng Cái đã thu hút được 128 dự án, tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD và gần 24.000 tỷ VND. Các nhà đầu tư lớn như Vingroup, Sun Group, FLC, Amata, Công ty T&T,… cũng đã có mặt tại KKT này.
Thời gian qua, KKT Cửa khẩu Móng Cái đã tận dụng tốt lợi thế về vị trí, với nhiều phương thức kết nối với Trung Quốc thông qua hệ thống cửa khẩu, cầu bắc qua sông, cảng bến, thương mại biên giới, xu hướng càng ngày càng phát triển.
Theo số liệu thống kê mới nhất, 9 tháng năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, tổng lượng hàng hóa lưu thông qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái ước đạt trên 1,4 triệu tấn, tăng 73,56% so với cùng kỳ 2020.
Với KKT cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu), để đáp ứng nhu cầu về kho bãi, hiện tỉnh đang tích cực xây dựng, hoàn thiện dự án Khu kho bãi hàng hóa với tổng quy mô diện tích hơn 75.000m2, quy mô công suất dự kiến tiếp nhận 5-10 triệu tấn hàng hóa/năm, tổng vốn đầu tư 103,2 tỷ đồng; dự kiến được hoàn thành và đưa vào hoạt động từ tháng 1/2023.
Theo tính toán của nhà đầu tư, dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 50-100 lao động địa phương với mức lương bình quân từ 5-10 triệu đồng/tháng. Hằng năm, dự án đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 5,1-5,8 tỷ đồng thông qua các khoản thuế, phí.
Là 1 trong 3 KKT cửa khẩu của Quảng Ninh, KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Hải Hà) đóng vai trò quan trọng trong giao thương kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như trong chiến lược hai hành lang một vành đai kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc gồm: Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Nam Ninh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 10,6 triệu USD, tăng 257% so với cùng kỳ năm 2020; thu ngân sách Nhà nước tại Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh đạt hơn 13,3 tỷ đồng, tăng 421% so với cùng kỳ năm 2020.
Cần thêm nhiều nỗ lực
Thương mại biên giới phát triển sẽ kéo theo các lĩnh vực khác như khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi, du lịch, những hoạt động phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, các dịch vụ phụ trợ... phát triển. Thu nhập của người dân khu vực biên giới từ đó cũng tăng lên.
Để khai thác lợi thế, tiềm năng, phát triển kinh tế, xã hội khu vực biên giới, Quảng Ninh luôn chú trọng xây dựng những kịch bản phát triển mang tính lâu dài.
Tháng 8/2021, tại Hội nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Bộ Công Thương ủng hộ, hỗ trợ và chấp thuận một số nội dung còn vướng mắc, để có thể hiện thực hóa các định hướng phát triển kinh tế tại biên giới trên địa bàn tỉnh theo mục tiêu đã đề ra.
Cụ thể, tỉnh đề nghị Bộ quan tâm, ủng hộ chủ trương cho thực hiện thí điểm Khu hợp tác biên giới Móng Cái - Đông Hưng, sau khi chính phủ hai nước Việt Nam, Trung Quốc phê duyệt Đề án Khu hợp tác qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Được biết, Quảng Ninh đã dành quỹ đất khoảng 1.360ha dự kiến để xây dựng; đang xây dựng cao tốc Móng Cái - Vân Đồn để kết nối hạ tầng.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tiếp tục tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại biên giới phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; nghiên cứu đề xuất và ban hành các chính sách hấp dẫn, đồng bộ, khả thi để tiếp tục thu hút đầu tư vào khu vực biên giới.
Bên cạnh đó, tỉnh xác định tận dụng tốt quan hệ qua biên giới và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các nước để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Cũng tại hội nghị trên, đại diện Quảng Ninh đề nghị Bộ Công Thương ủng hộ, hỗ trợ về chủ trương cho tỉnh được triển khai thực hiện thí điểm Khu hợp tác biên giới Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc); ủng hộ tỉnh phát triển cụm công nghiệp tại khu vực biên giới.
Là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, ngay trong tháng 10 này, Quảng Ninh khởi công 4 dự án có tổng mức đầu tư hơn 280.000 tỷ đồng, gồm dự án: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; Sân golf Đông Triều; Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh và Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1).
Dự kiến, trước ngày 31/12 năm nay, tỉnh sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng 3 công trình động lực trọng điểm của tỉnh gồm Đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, đường ven biển Hạ Long-Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, tổng mức đầu tư trên 17.000 tỷ đồng; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu công nghiệp cảng biển Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc, cảng biển Hải Hà, đường ra cảng và cảng Vạn Ninh; thu hút các nhà đầu tư chiến lược về đầu tư hạ tầng cảng biển gắn với các dịch vụ hỗ trợ logistics tại cảng Hòn Nét-Con Ong (Cẩm Phả).
Với sự góp sức từ các KKT cửa khẩu và sự nỗ lực của các lĩnh vực, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng 2 con số, góp phần bù đắp cùng cả nước những thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch bệnh./.