Trả lời: Lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất là một trong 11 nhóm hành vi bị cấm được quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Đất đai 2024. Trước đó, nhóm hành vi này đã được quy định trong Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn.
1. Theo khoản 31 Điều 3 Luật Đất đai 2024, lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
Theo khoản 9 Điều 3 Luật Đất đai 2024, chiếm đất là việc sử dụng đất do Nhà nước đã quản lý mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc sử dụng đất của người sử dụng đất hợp pháp khác mà chưa được người đó cho phép.
Theo khoản 27 Điều 3 Luật Đất đai 2024, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Hủy hoại đất là hành vi vi phạm pháp luật đất đai và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và xã hội, gồm nhiều dạng thức khác nhau như: Đào bới, san lấp mặt bằng trái phép có thể làm biến dạng địa hình, gây xói mòn đất, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất. Sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp có thể làm ô nhiễm đất, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Xả rác thải bừa bãi thể gây ô nhiễm đất, nguồn nước và lây lan dịch bệnh. Khai thác khoáng sản trái phép, không tuân thủ quy định có thể làm hỏng kết cấu địa chất, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến nguồn nước.
Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai (thay thế Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, ngày 19/11/2019 của Chính phủ, hành vi hủy hoại đất đai bao gồm: a) Làm biến dạng địa hình trong các trường hợp: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản so với các thửa đất liền kề, trừ trường hợp cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận; b) Làm suy giảm chất lượng đất trong các trường hợp: làm mất hoặc giảm độ dầy tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn cát, sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây bạc màu, gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp; c) Gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hại cho cây trồng, vật nuôi, con người; d) Làm mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là trường hợp sau khi thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà dẫn đến không sử dụng đất được theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất; đ) Làm giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là trường hợp sau khi thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà dẫn đến việc sử dụng đất kém hiệu quả và phải đầu tư cải tạo đất để có thể sử dụng đất theo mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Hủy hoại đất có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, bao gồm: Gây thoái hóa đất, khiến đất mất đi khả năng sinh sản, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và an ninh lương thực. Gây ô nhiễm môi trường, có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, không khí và gây ra các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa,... Gây mất cân bằng sinh thái, dẫn đến mất đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường sống của các loài động thực vật. Gây thiệt hại về kinh tế do ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, du lịch và các ngành kinh tế khác.
2. Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai (thay thế Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, ngày 19/11/2019 của Chính phủ), hành vi chiếm đất có mức xử phạt hành chính cao nhất lên đến 1 tỷ đồng nếu chiếm đất trên 1ha. Trường hợp chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì mức phạt tiền cao nhất từ 50-100 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên. Trường hợp chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn thì mức phạt tiền cao nhất từ 50-100 triệu đồng đối với diện tích đất chiếm từ 01 héc ta trở lên. Trường hợp chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn thì mức phạt tiền cao nhất từ 100-200 triệu đồng đối với diện tích đất chiếm từ 02 héc ta trở lên. Trường hợp chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ, đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão; trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các lĩnh vực chuyên ngành khác.
Biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thuộc trường hợp phải thu hồi đất nhưng được tạm thời sử dụng đất cho đến khi nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 139 Luật Đất đai. Buộc thực hiện tiếp các thủ tục về giao đất, cho thuê đất theo quy định đối với trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chưa hoàn thành các thủ tục để được bàn giao đất trên thực địa; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Hành vi hủy hoại đất bị phạt cao nhất 150 triệu đồng. Với trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các biện pháp khắc phục hậu quả gồm: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp làm biến dạng địa hình để phù hợp với việc sử dụng sang mục đích khác thuộc trường hợp quy định tại Điều 14 và Điều 15 Nghị định này hoặc việc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm không có tính khả thi trên thực địa hoặc dẫn đến việc sử dụng đất không hiệu quả như tại thời điểm xử phạt và không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của thửa đất liền kề. Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đối với diện tích đất có thay đổi mục đích sử dụng đất./.
Quang Minh (tổng hợp)