Nhưng, ông cũng nói thêm, để doanh nghiệp thực sự được tiếp sức vượt qua giai đoạn khó khăn này - ít nhất là hết quý 2, thậm chí có thể kéo dài sang năm sau - thì còn rất nhiều việc phải làm.
Với mục tiêu tổng quát là hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…, bản nghị quyết đã nêu rõ nhiều mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025. Chẳng hạn, cả nước sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp (trong đó có từ 8.000-10.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp); khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, khoảng 30-35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; khoảng 35-40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tối thiểu 30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số…
So sánh với những số liệu cập nhật mới nhất và dự báo khoảng thời gian hơn 2 năm tới, có thể thấy, đây là những mục tiêu phấn đấu khá cao. Đơn cử, theo số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có khoảng 860.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trước những khó khăn gần đây, cả số lượng và quy mô doanh nghiệp đều chịu những tác động bất lợi. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2023 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Rõ ràng, nhiệm vụ tăng gần gấp đôi số doanh nghiệp hiện có trong bối cảnh hiện nay đã là một thách thức lớn.
Ghi nhận nghị quyết mới đã nhận diện rõ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp lâu nay và đưa ra những chỉ đạo khá sâu sát, có ý nghĩa động viên, khuyến khích doanh nghiệp, song TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ băn khoăn về những giải pháp kèm theo để đạt được mục tiêu phấn đấu đó. Ông Nguyễn Đình Cung lưu ý, mục tiêu trước đây đề ra là đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 đã không thành hiện thực; đề xuất chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp không được các hộ kinh doanh hưởng ứng vì nhiều lý do khác nhau. “Những giải pháp táo bạo nào sẽ có trong thời gian tới để xoay chuyển tình thế?”, ông Nguyễn Đình Cung đặt câu hỏi.
“Tỷ lệ 35%-40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng là một mục tiêu phải nỗ lực vượt bậc, trong khi “nhiều doanh nghiệp chia sẻ với tôi rằng họ rất… cô đơn”, TS Nguyễn Đình Cung cho biết. Để đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ, doanh nghiệp phải có tiềm lực mạnh, tích lũy lớn, đầu tư dài hạn và phải chấp nhận tỷ lệ rủi ro khá cao, trong khi họ chưa thật sự yên tâm việc được đảm bảo về tài sản, uy tín của doanh nghiệp và cá nhân chủ đầu tư, về sự hỗ trợ của chính quyền và sự ủng hộ của người tiêu dùng.
Làm sao để doanh nghiệp mới, các công ty khởi nghiệp phát triển tốt, để có thêm nhiều cá nhân, hộ gia đình tự động đăng ký lập doanh nghiệp? Làm sao để mọi doanh nghiệp được tiếp cận nguồn lực (như mặt bằng sản xuất, nguồn vốn, nhân lực, môi trường kinh doanh thuận lợi…)? Đó là những câu hỏi rất bức thiết, không mới, nhưng chưa bao giờ cũ.
Nguồn SGGP