Không khuyến khích tour giá rẻ
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trước đây, các đơn vị lữ hành thường chào bán tour du lịch nội địa giảm giá 10%-20% hay 30%-50%, thậm chí có những tour quốc tế giảm tới 70%. Tuy nhiên, việc giảm giá này khó kéo dài. Dù có ý kiến hô hào tiếp tục tung ra các tour kích cầu, giá rẻ để tiếp tục thu hút khách, nhưng Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp không ủng hộ đề xuất này.
Ông Vũ Thế Bình lý giải, du lịch có chất lượng, đảm bảo dịch vụ tốt nhất cho khách mới là quan trọng. Nếu kéo tất cả khách chạy theo du lịch giá rẻ sẽ lặp lại tình trạng du lịch “0 đồng” mà chúng ta đang cố gắng xóa bỏ. Do đó, mức khuyến mãi tùy thuộc các công ty lữ hành, tùy vào thời điểm. Năm 2024, Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ trương không đẩy mạnh tour giá rẻ, chương trình khuyến mãi mà thay vào đó là tập trung thu hút khách quốc tế, tăng cường giao lưu hợp tác và xây dựng du lịch Việt Nam bền vững. “Du lịch không cần số lượng đông mà cần khách có chất lượng”, ông Bình nhấn mạnh.
Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM 2024 sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 14-4 tới tại Hà Nội. Sự kiện được nhiều người yêu thích du lịch ví như cơ hội “vàng” để tìm các tour giá rẻ. Tuy nhiên, theo ban tổ chức, các tour du lịch nội địa khuyến mãi, giảm giá lên tới 40%-50% sẽ gần như biến mất. Các chuyên gia cho rằng, du lịch không khuyến khích giá rẻ mà luôn vận động các đơn vị nâng cấp chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm hấp dẫn, mới mẻ cho du khách. Những loại hình du lịch giá rẻ nhưng chất lượng thấp cần được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, thiếu công bằng.
Chuyển hướng, “né” giá vé máy bay
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc giá vé máy bay tăng cao cũng là một thách thức lớn trong việc phát triển du lịch nội địa. Các doanh nghiệp du lịch cho rằng, do chiếm 50%-60% cấu thành giá tour nên giá vé máy bay tăng cao lập tức đẩy giá tour lên theo, khiến nhiều đoàn chuyển hướng như chọn điểm đến gần, đi bằng đường bộ, bằng tàu hoặc phương tiện cá nhân. Cùng đó, nhiều du khách cũng chọn đi tour nước ngoài.
Bà Vũ Bích Huệ, đại diện truyền thông Flamingo Redtours, cho hay, giá tour Hà Nội - Buôn Ma Thuột tháng 3-2024 khoảng 6-7 triệu đồng/khách (4 ngày 3 đêm) thì sang tháng 4 lên tới 7,1 triệu đồng/khách. Trong khi đó, với số tiền này, khách đi đường bộ được trải nghiệm 2 nước Lào, Thái Lan, chi phí hết 7,4 triệu đồng/người cho hành trình 5 ngày; hoặc chỉ từ 9,44 triệu đồng, khách có thể đi du lịch Trung Quốc (5 ngày)…
Cũng do vé máy bay đắt đỏ, khan hiếm nên còn hơn 1 tháng nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, nhưng nhiều công ty lữ hành đã chào bán tour nội địa để giữ chỗ và đo lường sức mua. Việc “chốt” tour sớm sẽ khiến cho giá tour không bị tăng quá cao mà vẫn đảm bảo được chất lượng dịch vụ. Với khách đoàn, khách MICE (loại hình du lịch kết hợp với sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng), năm nay một số công ty du lịch phải “may đo” theo nhu cầu của khách…
Bà Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và truyền thông Saigontourist, cho biết, những tour đường bộ đang có sức tăng và rất nóng. Số liệu của Saigontourist hiện chưa thấy có sự hoán đổi nhiều giữa tour nội địa và nước ngoài, nhưng đến dịp hè sẽ có sự thay đổi. “Dịp lễ 30-4 năm nay, chúng tôi tập trung khai thác các sản phẩm combo. Bởi từ năm 2024, 30% sản phẩm du lịch trọn gói của Saigontourist có xu hướng được thay thế bằng các sản phẩm combo phù hợp nhu cầu mới của du khách và thị trường hiện nay”, đại diện Saigontourist nói.
Trong khi đó, một số công ty lữ hành đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt để du khách có được những chuyến du lịch giá hợp lý và chất lượng, như áp dụng ưu đãi mua tour sớm giảm giá nhiều hơn, triển khai bán song song cả tour tại điểm đến và tour trọn gói. Bà Thanh Trà nhận định, nếu không có sự điều chỉnh, chắc chắn giá tour sẽ tăng, dự kiến từ 10%-15%.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3-2024 đạt gần 1,6 triệu lượt, cao nhất kể từ đầu năm. Thị trường Trung Quốc tiếp tục phục hồi tích cực, đạt 352.000 lượt trong tháng 3, tăng 19% so với tháng trước. Tính chung quý 1, tổng số khách quốc tế đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019. Các thị trường phần lớn đã phục hồi hoàn toàn, thậm chí một số thị trường đã cao hơn mức năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19. Các thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương tăng trưởng mạnh, trong đó có Nhật Bản, Bỉ, Pháp, Italy…
Nguồn SGGP