Ngày 14/10, chị Vũ Thị Huệ, chủ 2 quán heo mẹt mang thương hiệu Tây Bắc tại TP. Bà Rịa và TP. Vũng Tàu đã cho nhân viên lau dọn cơ sở, bàn ghế và vật dụng để chuẩn bị mở cửa hoạt động, sau khi hay tin quán chuẩn bị được bán mang về, thay vì chỉ bán qua ứng dụng trực tuyến và giao hàng qua shipper như thời gian trước đó.
Gần 3 tháng đóng cửa để thực hiện Chỉ thị 16, chị đã được người cho thuê mặt bằng hỗ trợ giảm giá một phần. Đồng thời, chị và nhân viên của quán đã được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ nên cũng vơi bớt phần nào khó khăn và quan trọng hơn là cảm thấy ấm lòng khi nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ nhà nước. Từ 23/9, khi tỉnh áp dụng Chỉ thị 15, quán được mở bán trở lại qua hình thức đặt hàng trực tuyến, giao hàng thông qua shipper, nhưng sức mua yếu, vì không phải khách hàng nào cũng có thể đặt mua qua ứng dụng. Chị mở bán chủ yếu là để duy trì mối và bán cho khách quen. “Hay tin hàng quán được bán trực tiếp cho khách mang về, chúng tôi mừng lắm. Hy vọng lượng khách sẽ nhiều hơn so với bán qua các ứng dụng đặt hàng. Tôi và nhân viên đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng tôi vẫn yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm quy tắc 5K để bảo vệ mình và khách hàng”, chị Huệ phấn khởi nói.
Niềm vui của chị Huệ cũng là niềm vui chung của hàng chục ngàn người bán hàng, quán và hàng triệu người dân BR-VT, khi tỉnh dần nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch. Họ vui không chỉ vì sản xuất, kinh doanh và các sinh hoạt đời thường từng bước được cho phép hoạt động trở lại mà còn vì dịch bệnh trên toàn tỉnh đã được kiểm soát tốt.
Những nhu cầu không kém phần thiết yếu như cắt tóc, sửa xe có liên quan thiết thân đến đời sống người dân, nay chuẩn bị được hoạt động trở lại đã khiến nhiều người vui mừng. “Nhiều khách than tóc dài quá gây ngứa ngáy khó chịu. Tôi mong nhanh chóng được mở cửa để phục vụ khách vì không chỉ khách khó chịu mà mình cũng thấy nóng ruột”, ông Lê Sự, chủ tiệm hớt tóc T. trên đường Lý Thường Kiệt, TP. Vũng Tàu chia sẻ.
Trên thực tế, từ ngày 23/9, khi tỉnh áp dụng Chỉ thị 15, hàng quán được phép bán trực tuyến hoặc qua tổ đi chợ hộ, nhưng vẫn có tình trạng một số cơ sở chưa chấp hành nghiêm, đã bán trực tiếp cho khách mua về; một số dịch vụ chưa được mở cửa nhưng vẫn lén lút phục vụ khách; người dân ra đường tập thể dục, dạo chơi… Những hoạt động đó diễn ra trong trạng thái nơm nớp lo bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt bất cứ lúc nào.
Thời gian thực hiện Chỉ thị 15 như bước khởi động để một số hoạt động thiết yếu dần khôi phục. Và nay, khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, sẽ có thêm nhiều hoạt động khác dần được phép mở cửa trở lại với những điều kiện ràng buộc nhất định. Các hoạt động kinh tế, thể thao dần được khôi phục. Sức sống sau những ngày giãn cách để phòng, chống dịch dần trở lại.
Nhưng trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số tỉnh, thành lân cận; nguy cơ lây nhiễm dịch từ bên ngoài vào tỉnh trong bối cảnh mở cửa còn cao, thì việc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch vẫn rất cần thiết. Có những biện pháp không phải là mệnh lệnh hành chính bắt buộc mà chỉ là khuyến cáo, đòi hỏi mỗi người dân cần tự nêu cao ý thức bảo vệ thành quả chống dịch, giữ gìn không gian an toàn, thoải mái; không chủ quan, lơ là. Có như vậy, kết quả phòng, chống dịch mới bền vững, lâu dài, tạo điều kiện và cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội, tiến tới đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường. Nếu chủ quan, lơ là, chúng ta sẽ lại phải gánh chịu những hậu quả nặng nề và đây hẳn là điều không ai mong muốn!
Theo Báo BRVT