Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 517/CĐ-TTg về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới, trong đó giao cho Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ ngày 01/01/2021 đến ngày 01/6/2023, ngày 09/6, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Đoàn thanh tra chuyên ngành về điện nhằm triển khai cụ thể những yêu cầu, nội dung và thời gian thanh tra, và công tác thanh tra sẽ chính thức thực hiện từ ngày 10/6.
Công tác thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện tại EVN sẽ được tiến hành từ 10/6 - Ảnh minh họa: ITN
Thống kê cho thấy, hệ thống điện của Việt Nam tới cuối tháng 12/2022 có khoảng 360 nhà máy đang vận hành (không kể các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ) với tổng công suất lắp đặt 80.704MW, chưa kể nguồn nhập khẩu. Các nhà máy điện gió và điện mặt trời đã, đang xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư chủ yếu là của tư nhân.
Với công suất lắp đặt như trên mà công suất khả dụng (công suất tối đa mà máy phát có thể phát được an toàn và liên tục) chỉ có tầm 46.000MW, có nhiều nguyên nhân; trong đó có câu chuyện El Nino, nắng nóng cực đoan diễn ra gây áp lực rất lớn cho cung ứng điện phục vụ sản xuất và đời sống người dân tại khu vực phía Bắc.
Báo cáo mới nhất ngày 8/6 của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cũng cho thấy, có 9 hồ thủy điện đang ở mực nước chết gồm Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An; trong đó, mực nước tại hồ thủy điện Thác Bà đã dưới mực nước chết từ ngày 01/6.
Bên cạnh đó còn có 11 nhà máy thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước về hồ không đảm bảo như Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong. Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và chỉ có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12-13/6 tới.
Các nguồn điện khác cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, tiến độ hàng loạt các dự án nguồn điện khu vực phía Bắc đưa vào chậm so với quy hoạch điện đã được phê duyệt trước đó đã gây áp lực đến cung cấp điện...
Theo chuyên gia, bên cạnh các lý do về thời tiết, biến đổi khí hậu thì nguyên nhân của hiện trạng mất điện thời gian qua xuất phát từ vướng mắc chính sách - Ảnh minh họa: ITN
Từ các vấn đề đã nêu, thời gian qua, tình trạng thiếu điện cục bộ đã và đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, mà hoạt động sản xuất cũng bị đe dọa, ảnh hưởng nghiêm trọng khiến không ít các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã lên tiếng.
Trước hiện trạng này, đại diện Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã có những lý giải về nguyên nhân thiếu điện thời gian qua, tuy nhiên, bên cạnh các lý giải của hai đơn vị này, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các lý do khách quan về thời tiết, biến đổi khí hậu thì nguyên nhân còn xuất phát từ vướng mắc chính sách.
Thông tin với báo Thanh Niên, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, thiếu điện sẽ không còn là nỗi lo của năm nay mà là vấn đề của những năm sau nữa. Nguồn điện không còn công suất dự phòng đã được cảnh báo từ lâu, nhưng việc chậm ban hành Quy hoạch Điện VIII khiến mọi thứ “chôn chân”. Nhiều năm qua, ở phía bắc hầu như không có thêm dự án điện nào được đầu tư mới trong khi theo tính toán, hệ thống điện mỗi năm cần bổ sung từ 3.000 - 4.500 MW mới.
“Một số dự án nhiệt điện trong Quy hoạch Điện VII sửa đổi đã không được triển khai vì nhiều lý do khác nhau, nhiều địa phương không chấp nhận dự án nhiệt điện vào tỉnh mình, một số dự án lại bị khó khăn về vốn. Cả chục dự án khí LNG đã được bổ sung trong Quy hoạch Điện VII tới nay vẫn chưa thể xong bước chuẩn bị đầu tư. Đáng nói hơn, các dự án điện gió ngoài khơi được kỳ vọng sẽ lắp tới công suất rất lớn, kế hoạch đến 7.000 MW vào năm 2030 cũng chưa được triển khai do vướng chính sách”, ông Ngãi dẫn chứng
Đồng thời cho biết, Quy hoạch Điện VIII đã chậm ban hành, song ban hành rồi vẫn chưa hướng dẫn, nên việc đầu tư triển khai 500 dự án truyền tải điện cũng đang bế tắc.
Đồng quan điểm đã nêu, TS Trần Văn Bình - chuyên gia năng lượng cũng phân tích, Quy hoạch Điện VIII đưa ra mục tiêu đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải trong 10 năm (từ 2021 - 2030), nay chỉ còn 7 năm, phải có 1,5 tỷ USD mỗi năm để đầu tư. Tức mỗi năm cần 40.000 tỷ đồng, trong thực tế, giải ngân năm 2022 chưa bằng nửa số đó, chỉ khoảng 16.500 tỷ đồng.
Thứ hai, ai cũng cho rằng, hãy để tư nhân làm truyền tải, nếu mở thì có nhà đầu tư làm ngay. Luật Điện lực sửa đổi có hiệu lực từ tháng 03/2022 cho phép điều này, nhưng luật có hơn 1 năm, đến nay vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn. Chưa kể sau Nghị định còn Thông tư, vậy bao giờ nhà đầu tư tư nhân mới tham gia đầu tư không bị vướng trước, vướng sau? Hiện nhà đầu tư tư nhân làm đường truyền tải điện chủ yếu phục vụ tải điện từ nhà máy của họ tới điểm đấu nối của EVN (vốn không có trong quy hoạch điện, nên chưa biết bao giờ mới được đầu tư) để bán điện là chủ yếu.
“Quy hoạch Điện VIII lại có quy định EVN sẽ chỉ thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải theo nhiệm vụ được giao. Nhưng ai giao và giao thế nào đến nay cũng không rõ. Quy hoạch có đến 500 dự án truyền tải điện, nhưng không hướng dẫn dự án nào buộc nhà nước đầu tư, dự án nào cho tư nhân tham gia, nên mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ. Giả sử sau khi đã được phân việc, kêu gọi đầu tư rồi, thời gian để lập dự án, xin giấy phép lại kéo dài nhiều năm nữa. Thế nên, điện thiếu không phải là câu chuyện của 3 tháng nắng nóng mà nguy cơ kéo dài khi các chính sách triển khai quá nguội”, TS. Trần Văn Bình bày tỏ.
Còn theo TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thiếu điện hiện nay cần phải phân biệt 2 chuyện. Một là liên quan đến chuyện trời đất. Tức là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến thủy điện khô hạn. Đó là khó khăn khách quan. Ta phải nhìn vào đó để nhìn nhận rõ nguyên nhân, trách nhiệm.
Tuy nhiên, khía cạnh thứ 2, với vai trò điều hành ở góc độ chiến lược, thì tình trạng thiếu điện như hiện nay quả là câu chuyện không đáng có. Thậm chí, nếu chúng ta làm tốt thì hoàn toàn có thể còn xuất khẩu được điện. Mà khi xuất khẩu điện được thì đến lúc thủy điện giảm đi, chúng ta vẫn có thể xử lý được.
“Ngành điện là ngành cần hệ thống thì vấn đề tầm nhìn đang rất thiếu hệ thống. Chúng ta đang có cơ hội, mà như Thủ tướng nói là cơ hội trời cho về nắng, gió. Chúng ta cũng đã có cách tiếp cận để tận dụng cơ hội đó. Nhưng do cách làm kiểu nông dân, lỗ mỗ không có hệ thống nên khi mở cửa được một chút chính sách cho ngành điện thì hệ thống truyền tải rất kém, gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực, lãng phí tài nguyên và hậu quả rất nghiêm trọng như bây giờ”, TS. Trần Đình Thiên bày tỏ.