Nghịch lý giá thịt
Một ki lô gam lợn hơi mua tại trang trại với giá 80.000 đồng/kg, sau khi qua các khâu giết mổ, pha lọc, bán buôn, bán lẻ, thịt lợn tới tay người tiêu dùng phải mua với giá 160.000 – 200.000 đồng/kg (tăng 45 – 50%).
Với thịt gia cầm, mức chênh lệch giữa giá mua tại trang trại và bán còn "khủng" hơn, giá gà công nghiệp mua tại chuồng chỉ 9.000 đồng/kg, sau khi giết mổ, giá chỉ 18.500 đồng/kg, vậy mà người tiêu dùng đang phải mua với mức 50.000 đồng/kg thậm chí 60.000 đồng/kg, mức chênh lệch lên tới gấp 3 lần.
Giá thịt lợn nhập khẩu từ Nga, Ba Lan và Canada đang được bán theo thùng, trực tiếp từ nhà nhập khẩu (mỗi thùng nặng từ 10-20kg), thịt chân giò chỉ từ 51.000 -60.000 đồng/kg, nạc vai 77.000 đồng/kg, cốt lết 78.000 đồng/kg, nạc đùi 80.000 đồng/kg, sườn non 85.000 đồng/kg, sườn non giá 149.000,đ...
Trong khi đó, tại các siêu thị, thịt chân giò vẫn ở mức 128.000 đồng/kg, thịt vai 139.000 đồng/kg, thịt đùi 140.000 đồng/kg, cốt lết 138.000 đồng/kg, ba rọi 179.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn 250.000 đồng/kg, sườn non 280.000 đồng/kg, sườn non 280.000 đồng/kg…
Như vậy, so với thịt lợn nhập khẩu, thịt lợn trong nước sản xuất vẫn đắt hơn từ 30 - 80%, tùy vào sản phẩm.
Người chăn nuôi mất 4-5 tháng mới nuôi được con lợn nặng 1 tạ, nếu bán giá 80.000 đồng/kg, họ lãi khoảng 2,2 triệu đồng/con. Nhưng thương lái mua lợn về giết mổ rồi đưa ra bán lẻ đã lãi ngay 5,1 triệu đồng/con.
Tương tự, trong khi người chăn nuôi gia cầm phải cần tới từ 42 - 70 ngày để nuôi một con gà xuất chuồng và chỉ thu được lãi bình quân từ 2 - 3 nghìn đồng/con, thì người thu mua, giết mổ rồi bán lẻ thịt gia cầm chỉ cần từ 6 - 8 tiếng đồng hồ, họ có thể thu lãi từ 10 - 14 nghìn đồng/con.
Chuỗi liên kết, giải pháp khả thi
Theo nghiên cứu của chuyên gia Trần Duy Khánh, hiện nay có tới 95% lượng sản phẩm chăn nuôi phải tiêu thụ thông qua khâu trung gian (hệ thống thương lái). Trong các hình thức tổ chức tiêu thụ sản phẩm thịt lợn và gia cầm, hiện có hai kênh tiêu thụ cơ bản và phải qua 4-5 khâu trung gian mới đến tay người tiêu dùng. Cụ thể:
Kênh tiêu thụ thứ nhất: Từ trang trại chăn nuôi -> người thu mua -> cơ sở giết mổ -> người bán buôn -> người bán lẻ tại các chợ – > người tiêu dùng.
Ở kênh tiêu thụ này, người chăn nuôi gia cầm chỉ nhận được trung bình từ 4,5 - 8,5 % tổng lợi nhuận ròng sinh ra trong cả quá trình. Trong khi đó, thương lái nhận được từ 19 - 21% lợi nhuận; cơ sở giết mổ nhận từ 5,8 - 6,3%; người bán sỉ hưởng tới 37 - 40% và người bán lẻ hưởng từ 26 - 30% lợi nhuận.
Kênh tiêu thụ thứ hai: Từ trang trại chăn nuôi -> cơ sở giết mổ -> người bán buôn -> người bán lẻ tại các chợ -> người tiêu dùng.
Ở kênh tiêu thụ này, người giết mổ đồng thời cũng là thương lái thu mua, trong khi đó người bán buôn đồng thời nhận tiêu thụ gia công cho cơ sở giết mổ. Ở hình thức này, người chăn nuôi gia cầm chỉ nhận được trung bình từ 5,2 - 8,5% lợi nhuận ròng; cơ sở giết mổ hưởng tới 52 - 56% lợi nhuận ròng; người bán lẻ hưởng từ 24 - 30% và người bán sỉ lĩnh từ 6,4 - 6,7% tổng lợi nhuận.
Nhìn vào cả hai kênh phân phối phổ biến trên, có thể thấy mặc dù không phải là người đầu tư hạ tầng, đất đai, chuồng trại, kỹ thuật, vốn lớn và không phải chịu rủi ro dịch bệnh... nhưng khâu trung gian (như người thua mua, lò mổ, bán buôn và đặc biệt là người bán lẻ tại các chợ) đang được hưởng lợi rất lớn, họ đã đẩy giá gấp đôi, gấp ba lần so với giá thịt lợn, gia cầm tại các trang trại.
Trong khi đó, người chăn nuôi phải chịu nhiều sức ép, đầu tư vốn lớn, dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi thường xuyên tăng, sức ép từ thương lái ép giá và thường xuyên chịu lỗ vốn hoặc có lợi nhuận rất ít ỏi…
Dù các bộ, ngành đã lỗ lực để kéo giá thịt bán lẻ trên thị trường gần với giá xuất chuồng, nhưng mọi giải pháp đưa ra đều chưa giảm được khoảng cách của giá bán buôn và bán lẻ, mới chỉ dừng lại ở mức kêu gọi giảm giá hoặc "giải cứu" khi giá giá lợn, gia cầm (và nhiều nông sản khác) quá cao hoặc quá thấp.
Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn tiếp tục phải mua thịt lợn, thịt gia cầm với giá quá đắt (phi lý) và người chăn nuôi vẫn tiếp tục chịu thua lỗ.
Vậy, nguyên nhân của tình trạng trên là ở đâu? Theo chuyên gia, có mấy nguyên nhân chính:
Thứ nhất, việc "thả nổi thị trường" thịt lợn, thịt gia cầm trong nhiều năm qua đã tạo cơ hội để thương lái (trung gian) thu lãi "khủng". Việc ‘thả nổi thị trường” đã dẫn tới hậu quả giá thịt lợn, gia cầm bị đẩy lên cao, làm cho sức mua giảm, cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều bị thiệt hại…
Thứ hai, hệ thống dự báo thị trường nông sản từ tỉnh đến trung ương (Bộ, ngành) còn rất yếu, không kịp thời, thiếu chính xác và không được phổ biến rộng rãi đến người chăn nuôi (dự báo thị trường trong nước và quốc tế).
Thứ ba, công tác thống kê còn nhiều bất cập, số liệu thống kê đàn gia súc, gia cầm thiếu chính xác. Cụ thể, vòng quay chăn nuôi lợn thịt trung bình 02 lứa/năm (trừ lợn nái), vòng quay chăn nuôi gia cầm từ 3 - 4 lứa/năm, nhưng số liệu thống kê chỉ tại một thời điểm, dẫn tới số liệu tổng đàn gia súc gia cầm và số liệu tổng sản lượng thịt gia súc gia cầm hàng năm không chính xác… gây khó khăn trong chỉ đạo điều hành.
Thứ tư, công tác tổ chức sản xuất còn nhiều lúng túng (chăn nuôi theo chuỗi, từ sản xuất tới tiêu thụ), nặng tính hô hào, phong trào, chưa có giải pháp thiết thực, cụ thể, còn phó mặc người chăn nuôi và thị trường.
Thứ năm, vai trò quản lý nhà nước về mặt hàng tạm nhập - tái xuất là phụ phẩm thịt lợn, thịt gia cầm (chân gà, lòng lợn, đùi gà, cánh gà…) còn nhiều kẽ hở, đãn tới bị tư thương lợi dụng tiêu thụ ở Việt Nam gây rối loạn thị trường, nhưng không ai chịu trách nhiệm?.
Chẳng hạn tại thời điểm điều tra, để sản xuất ra một con gà xuất chuồng, nếu không có rủi ro thì chỉ có mức lãi 2.000 - 3.000 đ/con, còn lại hầu như lỗ khiến hàng loạt trang trại gia cầm đóng cửa. Trong khi đó, qua 4 - 5 khâu trung gian, giá thịt gà công nghiệp đến tay người tiêu dùng thường phải 60.000 - 70.000 đ/kg, đội lên từ 50 - 80% so với giá bán ở trang trại.
Người chăn nuôi chỉ nhận được trung bình từ 4,5-8,5 % tổng lợi nhuận ròng sinh ra trong cả quá trình sản xuất. Ngược lại các cơ sở tự thu mua gia cầm từ trang trại về trực tiếp giết mổ, đồng thời bán ngay tại các hệ thống cửa hàng do họ tự đầu tư, mức lợi nhuận mà họ thu được lên tới 10.000 - 15.000 đ/kg.
Đây là thực tế buồn, đòi hỏi các Bộ, ngành phải vào cuộc quyết liệt, phải có ngay giải pháp tổ chức chuỗi liên kết sản xuất tới tiêu thụ.
Giải quyết được vấn đề này, chúng ta sẽ giải quyết được cơ bản cho việc hạ giá sản phẩm chăn nuôi khi đến tay người tiêu dùng để giữ được thị trường trong nước, tăng lợi nhuận, tăng cạnh tranh cho người chăn nuôi, nhất là trong bối cảnh ngành chăn nuôi Việt Nam đang đứng trước bài toán cạnh tranh, hội nhập.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp