Về hình thức dạy học, người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định: "Trực tiếp vẫn là quan trọng nhất nên phải tận dụng "thời gian vàng" để dạy trực tiếp". Bộ cũng như các địa phương đã có nhiều văn bản, hướng dẫn, xác lập các tiêu chí để học sinh đi học trở lại.
Màu xanh cũng đã hiện diện rõ nét trên bản đồ cấp độ dịch của cả nước. Vậy sao cổng trường vẫn khép, để "thời gian vàng" lặng lẽ trôi qua?
Phải đến lần thứ ba học sinh một số cấp học ở Thạnh An, Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) mới chính thức được bước chân vào cổng trường, trở thành những học sinh đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh đi học trở lại kể từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát.
Lần thứ nhất là ngày 4.10, dự kiến học sinh xã đảo này đi học trở lại, nhưng không thành. Lần thứ hai dự kiến ngày 11.10 và cuối cùng, sự mong chờ của học sinh, phụ huynh mới thành sự thật vào ngày 20.10.
Ở Hà Nội, hàng triệu học sinh các huyện ngoại thành, có nơi có tới vài tháng liền được đánh giá là "xanh rờn", không phát hiện F0, vẫn phải chịu cảnh học trực tuyến.
Cử tri mong ngóng, người đứng đầu ngành giáo dục - cũng là đại biểu Quốc hội của Hà Nội, trong lần tiếp xúc cử tri mới đây cũng lên tiếng cần xem xét cho mở lại cửa trường ở một số huyện ngoại thành an toàn. Thế nhưng tới nay, hơn 2 triệu học sinh Thủ đô vẫn ở nhà vật vã với việc học trực tuyến!
Có thể hiểu và chia sẻ với sự thận trọng của các địa phương trong việc mở lại cổng trường, khi yếu tố an toàn cho học sinh luôn được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, sau khi một số nơi thực hiện dạy học trực tiếp gần đây đã phải quay trở lại trực tuyến do phát hiện các ca F0.
Nhưng cũng cần xác lập một thái độ mà người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: "Rất khó khăn để đạt zero COVID mà phải thích ứng an toàn".
Rõ ràng, các trường không thể chờ tới một trạng thái thật sự an toàn mới mở cửa mà phải xây dựng ngay kế hoạch để học sinh đến trường an toàn, trên cơ sở hướng dẫn của bộ và địa phương.
Một thái độ nữa cần có đó là sự linh hoạt, thích ứng. Tình hình dịch an toàn, thuận lợi thì thực hiện ngay việc dạy học trực tiếp, có dịch thì chuyển ngay sang trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến - trực tiếp.
Tinh thần này không chỉ cần thiết với nhà trường mà cần được lan tỏa tới phụ huynh, học sinh, coi đó là "phương thức tác chiến" thường xuyên không chỉ ở hiện tại mà cả trong tương lai, được dự báo là còn nhiều biến động, thay đổi.
"Giáo dục không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống. Giáo dục chính là cuộc sống". Câu nói này của nhà giáo dục người Mỹ John Dewey mở đường cho một nền giáo dục khai phóng, khi học sinh đi học chính là "đi sống".
Việc học của trẻ không chỉ giới hạn ở sách vở, chữ nghĩa, kiến thức; cũng không phải chỉ được thực hiện ở mối quan hệ thầy trò. Mà trẻ còn cần được sống, được học trong sự tương tác, trong mối quan hệ với bạn bè, xã hội và tự nhiên.
Hoạt động giáo dục nếu chỉ gói gọn trong chiếc điện thoại, máy tính và khép kín trong một không gian không giao tiếp thực sự chắc chắn sẽ khó đạt tới kết quả mong muốn./.
Theo Báo Hải Dương