Do tác động của dịch Covid-19, ngành du lịch là ngành kinh tế chịu thiệt hại nặng nề, đặc biệt là trong 2 năm 2020 và 2021.
Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế năm 2020 chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019. Khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.
Lượng doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành trên 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trong đó nhiều doanh nghiệp đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động. Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch (chiếm 46% cơ cấu doanh thu của ngành) đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách, trừ các cơ sở đón khách cách ly.
Những tín hiệu tích cực
Trong khó khăn, thách thức muôn trùng, các doanh nghiệp du lịch vẫn đang nỗ lực từng ngày để tồn tại và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để vươn lên khi điều kiện cho phép.
Thời điểm này, sau hơn 5 tháng hoành hành, làn sóng Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam đang từng bước được kiểm soát. Chính phủ và các địa phương đang nỗ lực xây dựng các giải pháp để vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa đưa hoạt động sản xuất kinh doanh thích nghi với điều kiện bình thường mới.
Nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục kiểm soát tốt tình hình, các điểm nóng như tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội… đang có những chuyển biến tích cực trong kết quả phòng chống dịch. Độ phủ vaccine ngừa Covid-19 đã và đang được mở rộng, là một trong những cơ sở, điều kiện để các địa phương bắt đầu thực hiện mở cửa trở lại và từng bước phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngày 12/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, với 4 cấp độ dịch bệnh, tương ứng với các hoạt động kinh tế - xã hội được phép triển khai.
Ngày 13/10, Hà Nội đã ban hành Công điện số 21/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới. Theo đó, riêng lĩnh vực du lịch, các khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50% công suất, đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định và hướng dẫn của ngành Du lịch.
Cũng theo quy định của Cục Hàng không, trong thời gian từ 10-19/10/2021, các chuyến bay sẽ thực hiện giãn cách ghế ngồi để đảm bảo an toàn tối đa cho hành khách. Đây được đánh giá là những động thái không chỉ cứu cánh ngành hàng không mà còn là động lực thúc đẩy cho du lịch hoạt động trở lại sau một thời gian dài bị đóng băng.
Tại cuộc làm việc ngày 14/10 với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án tái khởi động hoạt động du lịch trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu ngành du lịch khẩn trương khôi phục hoạt động an toàn, chắc chắn.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, kế hoạch kích cầu, phục hồi du lịch, lữ hành tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, gồm đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Hiện nay, bên cạnh Phú Quốc (Kiên Giang), một số địa phương khác như Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh đã có kế hoạch khôi phục lại hoạt động du lịch quốc tế.
Ngành du lịch đề xuất mở lại thị trường du lịch quốc tế theo lộ trình tháng 11/2021thí điểm đón khách đến Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; tháng 12/2021 mở rộng phạm vi đón khách du lịch di chuyển thông qua các chuyến bay quốc tế thường lệ mở rộng ra một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Dự kiến, quý 2 năm 2022 mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế với điều kiện đảm bảo các phương án phòng, chống dịch an toàn.
Trao đổi tại Chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả” ngày 14/10, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho hay, đã có những tín hiệu rõ nét để có thể mở cửa ngành du lịch Việt Nam như: số ca nhiễm mới giảm; tỷ lệ tiêm chủng vaccine của Việt Nam đã có nhiều tiến triển tốt; Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm và năng lực xử lý sự cố y tế: cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và nhân lực y tế; có khả năng cô lập vùng có nguy cơ nhanh chóng.
Nếu Việt Nam có thể duy trì tỷ lệ lây nhiễm thấp, ngành du lịch có thể phục hồi lại vào năm 2024, nhờ sự trở lại của du lịch trong nước, sau đó là du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, theo ông Chính, Nghị quyết 128 được ban hành ngày 11/10/2021 đã chuyển chiến lược sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đưa ra nhiều vấn đề mới: Thứ nhất, quy mô đánh giá đưa cấp đánh giá và khoanh vùng dập dịch đến cấp xã, phường; Thứ hai, tiêu chí đánh giá ca nhiễm đã chuyển từ theo ngày sang tuần. Thứ ba, đã có yếu tố về độ phủ tiêm vaccine tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở cửa.
"Hiện nay ngành du lịch vẫn đang chờ các hướng dẫn cụ thể từ các bộ ngành", ông Chính nhấn mạnh.
Cần tái định vị ngành du lịch
Tại Giao lưu trực tuyến “Mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả”, bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group) cho rằng, khi mở lại các hoạt động, cần tái định vị lại ngành du lịch theo những hướng sau.
Trước tiên, yếu tố an toàn và điều tiên quyết phải thực hiện.
Thứ hai, phải chú trọng thị trường du lịch nội địa, bởi đây là thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân, có nhiều dư địa để khai thác.
Thứ ba, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu.
Cuối cùng là việc nâng cấp sản phẩm cần được đầu tư, chú trọng nhiều hơn đến trải nghiệm, chú trọng đến thiên nhiên, cảnh đẹp.
“Ngoài ra, cần đầu tư nghiêm túc và không ngừng làm mới sản phẩm để thu hút du khách trở lại thêm nhiều lần nữa. Đơn cử, tại các Khu du lịch của Sun Group tại Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh,, Tây Ninh, Phú Quốc… mỗi năm đều có ít nhất một công trình hoặc sản phẩm mới để du khách cảm thấy luôn bị hấp dẫn.
Các điểm đến cần có những sản phẩm mới, giàu cảm xúc để nâng cao chất lượng và cung cấp cho khách hàng những dịch vụ xứng tầm, từ tâm, từ trái tim chạm đến trái tim”, bà Nguyện gợi ý.
Đối với thị trường quốc tế, theo bà Nguyện, ngành du lịch cũng cần định hướng lại các tập khách, dòng khách. Cần quan tâm đến những tập khách của mình để xây dựng sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhu cầu, thị hiếu. Đặc biệt, cần bỏ cách làm theo hướng Việt Nam là điểm đến giá rẻ, hãy định hướng Việt Nam là điểm du lịch thân thiện và đang ngày càng hưởng đến những trải nghiệm tốt cho du khách. Bởi, định hướng theo con đường giá rẻ sẽ không thể phát triển bền vững được.
Khi định vị lại ngành du lịch, cần nâng cao trải nghiệm cho du khách bằng sự liên kết. Ví dụ, tại mỗi điểm đến, chúng ta nên có sự liên kết theo hệ sinh thái của từng bên hoặc theo các bên với nhau. Bên cạnh đó còn có liên kết giữa hàng không với du lịch, khách sạn. Liên kết tại điểm đến của hệ thống ẩm thực, hệ thống khách sạn, hệ thống vui chơi,… để du khách có hành trình tốt nhất và thuận tiện nhất.
Để làm được những điều đó, cần có những kịch bản phục hồi của du lịch Việt Nam, góp phần tái định vị ngành kinh tế xanh.
Về khả năng áp dụng "thẻ xanh Covid-19", ông Hoàng Nhân Chính cho biết, nghiên cứu gần đây dựa trên kết quả khảo sát khách du lịch cho thấy khách sẽ không muốn đến nếu họ phải thực hiện cách ly, do đó, ngành du lịch cần sẵn sàng có các tour không yêu cầu cách ly.
Du lịch trong nước cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân đi du lịch từ vùng xanh đến vùng xanh và sử dụng thẻ xanh Covid-19. Về du lịch quốc tế, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các điểm đến xanh và có khả năng khống chế dịch sớm được mở cửa; lập danh sách các thị trường du lịch an toàn và công bố hàng tuần.
“Kế hoạch mở cửa cần phải được công bố công khai để các bên dễ dàng tiếp cận để tìm hiểu, đóng góp ý kiến và chuẩn bị thực hiện kế hoạch. Kế hoạch này cần được công bố bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Các thông tin được cập nhật thường xuyên hàng tuần hoặc vào thời điểm có diễn biến phức tạp của dịch Covid-19”, ông Chính đề xuất.
Ngoài ra, theo ông Chính, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế, sớm áp dụng thẻ xanh theo lộ trình để người dân có thể: Tham dự các sự kiện ngoài trời hoặc trong nhà, như: lễ hội, thể thao, nhà hàng… trong nội vùng; Đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng, đi công tác, du lịch trong nước; Đi công tác hoặc du lịch nước ngoài theo thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước.
Theo Thế giới và Việt Nam