Sợ sai, ngại đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế và thuốc là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu trang thiết bị y tế và thuốc hiện nay. Ảnh: baochinhphu.vn
Bắt mạch điểm nghẽn
Sợ sai, ngại đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế và thuốc là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu trang thiết bị y tế và thuốc hiện nay. Vấn đề được các đại biểu chỉ ra tại tọa đàm “Rà soát – Kiến nghị các quy định pháp luật, thủ tục hành chính liên quan đến nhập khẩu, mua sắm và đấu thầu trang thiết bị y tế và thuốc tân dược”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 8-7-2022.
Luật sư Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty Luật TNHH Cường & Cộng sự, cho rằng việc hàng loạt cán bộ y tế bị khởi tố, bắt giam trong thời gian qua chắc chắn tác động đến tâm lý của nhiều người thi hành công vụ. Vấn đề lợi ích nhóm, quan hệ tiêu cực là có, dưới hình thức này hay hình thức khác, là một phần cản trở.
Ngoài nguyên nhân chủ quan từ con người, tình trạng thiếu trang thiết bị y tế hiện nay còn do nhiều nguyên nhân khách quan từ quy trình nhập khẩu và đấu thầu trang thiết bị y tế, theo Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành. Những bất cập bắt đầu từ yêu cầu danh mục hồ sơ, tình hình phân loại trang thiết bị y tế, thủ tục cấp số lưu hành, cho đến thời gian giải quyết các thủ tục.
Đấu thầu giá cao hơn thực tế
Trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, công tác đấu thầu đóng vai trò then chốt quyết định, theo ông Hứa Phú Doãn, Phó chủ tịch Hội Thiết bị y tế TPHCM. Đấu thầu cần phải thực hiện đúng đắn, có tính cạnh tranh cao về kỹ thuật cũng như giá thành thì mua sắm mới hiệu quả.
VCCI kiến nghị Bộ Y tế nên bổ sung thêm quy trình xem xét, kiểm tra và đánh giá chất lượng, giá thành của các trang thiết bị y tế trước khi công bố trên Cổng Công khai giá trang thiết bị y tế.
Ông Doãn cho hay, hiện nay, giá trúng thầu trang thiết bị y tế “luôn cao hơn giá thực tế”. Đấu thầu trang thiết bị y tế còn một số vấn đề có khả năng gây ra việc hạn chế tính cạnh tranh, khiến mua sắm chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Thứ nhất, các yêu cầu về kỹ thuật của hợp đồng tương tự dẫn tới tình trạng ràng buộc quá mức, giảm tính cạnh tranh.
Ông Doãn phân tích, hầu hết trong các hồ sơ mời thầu đều đòi hỏi các nhà thầu phải có ít nhất từ hai đến ba hợp đồng tương tự với những ràng buộc rất chi tiết như: phải có hợp đồng tương tự đúng chủng loại với thiết bị mời thầu. Ví dụ, đấu thầu máy X – quang di động thì nhà thầu phải có hai hợp đồng là máy X – quang di động, nếu nhà thầu chỉ có hợp đồng tương tự về máy siêu âm hay các thiết bị chẩn đoán hình ảnh khác thì đều không đáp ứng được hồ sơ mời thầu.
Từ đó dẫn đến những đơn vị nào đã trúng thầu máy X – quang thì sẽ tiếp tục trúng thầu máy X – quang, trúng thầu máy siêu âm sẽ tiếp tục trúng thầu máy siêu âm.
Thứ hai, các yêu cầu về tài chính của hợp đồng tương tự đòi hỏi giá trị lớn không cần thiết, tới hơn 70% giá trị mời thầu. Theo ông Doãn, điều này không cần thiết vì năng lực tài chính của nhà thầu đã được thể hiện qua các báo cáo tài chính. Do đó các yêu cầu này sẽ làm hạn chế số nhà thầu tham dự mà lợi ích đem lại cho chủ đầu tư không đáng kể.
Thứ ba, các yêu cầu về giấy ủy quyền – được xem như là tấm thẻ để tham gia vào quá trình đấu thầu đang gây hạn chế số lượng tham gia. Nếu nhà thầu nào không có giấy ủy quyền của hãng hoặc đại diện hãng thì không thể tham dự thầu vào vòng trong được. Mà thông thường các cấu hình đều được thiết lập cho một hãng tham gia. Do đó, chỉ có một nhà thầu duy nhất đại diện cho hãng có thể tham dự gói thầu dẫn đến việc hạn chế tính cạnh tranh và đẩy giá thầu lên cao.
Thứ tư, các yêu cầu về cấu hình, thông số kỹ thuật dẫn đến việc hạn chế các nhà thầu tham dự, làm giảm tính cạnh tranh. Các đơn vị tư vấn đấu thầu thường copy nguyên bản thông số kỹ thuật của một hãng vào trong hồ sơ mời thầu, điều này dẫn đến rất khó có thể cho hãng khác đáp ứng đầy đủ các thông số yêu cầu.
Thứ năm, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn đấu thầu, tư vấn giám sát thường chung một ekip. Do giá trị các gói thầu tư vấn thường dưới 500 triệu đồng mặc dù nó quyết định những số tiền rất lớn hàng trăm tỉ đồng, nên nó thường được các chủ đầu tư chỉ định thầu.
Việc này sẽ dẫn đến chủ đầu tư lựa chọn những nhà thầu tư vấn thân quen để hình thành một êkip trong công tác mua sắm. Khi nói đến việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế của một tỉnh, thành phố nào đó, người ta luôn thấy đồng hành một ekip tham gia chung từ năm này qua năm khác.
Đại diện Hội Thiết bị y tế TPHCM đề xuất cần phải thay đổi luân chuyển các đơn vị tư vấn đối với một chủ đầu tư hoặc tổ chức đấu thầu tư vấn dù giá trị dưới 500 triệu đồng, hoặc nếu có chỉ định thầu tư vấn thì nên để tổ chức thứ ba khác thực hiện việc chỉ định, không nên để chủ đầu tư chỉ định các đơn vị tư vấn.
Vấn đề của nhập khẩu trang thiết bị
Với việc nhập khẩu trang thiết bị y tế, quy trình xin phép nhập khẩu trang thiết bị là một điểm nghẽn quan trọng. Ông Đỗ Thanh Phong, Trưởng phòng Giám sát quản lý hải quan Bình Dương, chỉ ra hiện chưa có quy định rõ đối với việc nhập khẩu trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành, doanh nghiệp cần làm gì để được phép nhập khẩu. Trường hợp thiết bị y tế chưa có đăng ký số lưu hành, doanh nghiệp phải xin cấp phép số đăng ký lưu hành trước rồi mới được nhập khẩu hay vẫn được nhập khẩu, thông quan, mang về kho rồi xin cấp phép lưu hành? Đây là một trong những điểm vướng mắc khi chưa có quy định rõ ràng.
Thứ hai, theo ông Phong, tổ chức, cá nhân nước ngoài biếu, tặng cho cá nhân hoặc tổ chức trong nước có phải xin phép nhập khẩu hay không, chưa có quy định rõ ràng.
Thứ ba, Nghị định 98/NĐ-CP không có quy định Danh mục hàng thiết bị y tế gồm những loại nào với tên gọi, công dụng, mã HS để làm cơ sở cho cơ quan hải quan kiểm tra, quản lý chuyên ngành đúng theo quy định.
Trong vấn đề nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc hiện nay chỉ được nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế, ông Phong cho rằng đây cũng là một bất cập gây chậm trễ đối với các doanh nghiệp trong các khu chế xuất tại Bình Dương.
Tổng hợp phản ánh của các doanh nghiệp, VCCI cho biết các nguyên tắc phân loại hiện nay chưa cụ thể, còn quy định chung chung dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc phân loại trang thiết bị y tế.
Đại diện VCCI cho rằng Bộ Y tế cần có văn bản hướng dẫn dễ hiểu, dễ áp dụng. Việt Nam có thể thừa nhận kết quả phân loại trang thiết bị y tế của các nước xuất khẩu vì người sản xuất sẽ là người hiểu rõ nhất về trang thiết bị này. Danh mục này phải thường xuyên được cập nhật, vừa bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Với công tác đấu thầu, VCCI kiến nghị Bộ Y tế nên bổ sung thêm quy trình xem xét, kiểm tra và đánh giá chất lượng, giá thành của các trang thiết bị y tế trước khi công bố trên Cổng Công khai giá trang thiết bị y tế. Đây có thể trở thành kênh thông tin chính xác, đảm bảo việc đấu thầu mua sắm trở nên minh bạch hơn.
Theo KTSG