Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều đổi mới trong quy định về thu hồi đất, bồi thường, tái định cư. Ảnh minh họa: PLO
Mở rộng đối tượng thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi liên quan đến vấn đề thu hồi đất. Theo đó, dự thảo bổ sung đối tượng thuộc diện Nhà nước thu hồi đất gồm có khu đô thị, nhà ở thương mại. Đây cũng là vấn đề “nóng” và nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nhìn lại quá trình soạn thảo, có thể thấy gần ba năm qua ban soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, bộ, ban ngành trung ương đến địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội cũng như đông đảo cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo. Trước khi Chính phủ trình Quốc hội (QH), dự thảo luật cũng đã vượt qua nhiều vòng thẩm tra của các cơ quan có thẩm quyền.
Đến thời điểm này, kỳ họp QH lần thứ tư khóa XV cũng đã diễn ra được hơn một nửa thời gian. Tại các buổi thảo luận tổ ở QH, nhiều vấn đề của đạo luật quan trọng này vẫn tiếp tục được các đại biểu (ĐB) QH thảo luận cho ý kiến góp ý, đặc biệt là đến vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Điều mà các ĐB quan tâm nhiều nhất vẫn là việc phải hết sức thận trọng khi thu hồi đất của dân. Thậm chí, nhiều ĐB đề nghị thu hẹp đối tượng thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để tránh tình trạng lợi dụng chính sách để thu hồi đất tràn lan. Bởi trong thực tế, chúng ta đã chứng kiến không ít câu chuyện đau lòng trong quá trình thu hồi đất.
Cũng từ thực tiễn cho thấy gần như hiếm khi người dân trong ranh dự án phản đối việc Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích chung. Chỉ khi chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa thỏa đáng mới dẫn đến việc người dân phản đối.
Người dân bức xúc, khiếu nại trong khi cơ quan chức năng cũng không thể làm gì khác ngoài quy định pháp luật đã khiến nhiều dự án phải bế tắc, chậm trễ tiến độ vì vướng ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bất cập này vừa dẫn đến việc lợi ích quốc gia, công cộng chậm được thực hiện mà đời sống của người dân cũng dang dở vì dự án đã có quyết định thu hồi đất, doanh nghiệp cũng chôn vốn sau một thời gian dài bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tại TP.HCM, trước Luật Đất đai 2003, một số dự án thương mại và nhà ở chủ đầu tư đã thương lượng bồi thường đến hơn 80%, thậm chí còn một tỉ lệ rất nhỏ nhưng không thể tiếp tục bồi thường. Lúc đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch và dự án, TP đã từng kiến nghị trung ương cho phép chuyển từ cơ chế thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa chủ đầu tư với người dân sang cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, kiến nghị này đã không được chấp thuận.
Đến nay, Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương cũng nêu quan điểm rất rõ ràng là: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”. Việc ban soạn thảo đưa cả trường hợp dự án nhà ở thương mại, khu đô thị vào diện Nhà nước thu hồi đất trong dự thảo luật cũng đã dấy lên không ít tranh cãi, băn khoăn và lo ngại. Điều này cũng dễ hiểu, bởi đằng sau một quyết định hành chính về thu hồi đất là cả biết bao cuộc đời, số phận, nhiều khi cả một cộng đồng bị ảnh hưởng.
Quay trở lại với quá trình soạn thảo luật, có thể thấy cơ quan soạn thảo cũng đã rất thận trọng, cầu thị, lắng nghe và sửa đổi rất nhiều nội dung trong dự thảo trước khi trình QH. Nếu suôn sẻ hết thì dự kiến ba kỳ họp nữa, Luật Đất đai mới sẽ được thông qua, tức là vào khoảng cuối năm 2023. Điều này cũng có nghĩa là vẫn còn thời gian để cơ quan soạn thảo tiếp tục lắng nghe nhiều hơn, thận trọng hơn và cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước những vấn đề nhạy cảm.
Lợi ích quốc gia, công cộng luôn phải đặt lên hàng đầu nhưng cũng không phải vì thế mà lợi ích của người dân cùng các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh bị xem nhẹ. Khi lợi ích ba bên Nhà nước - người dân - doanh nghiệp được giải quyết hài hòa thì mới tạo ra sự phát triển bền vững.
PLO