Theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất là phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Có thể thấy, quan điểm này hết sức đúng đắn, nhân văn theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, phù hợp lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi.
Tuy nhiên, góp ý về vấn đề này, nhiều người đề nghị xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định; việc tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường phân tích: “Lần này, nghị quyết nói rằng: Việc thu hồi đất phải bảo đảm đời sống của người bị thu hồi đất phải tốt hơn hoặc ít nhất là bằng trước khi bị thu hồi đất. Đó là cả vấn đề lớn”.
GS.TS Đặng Hùng Võ nêu rõ, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dành cho người bị thu hồi đất thời gian qua từng bước hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người có đất bị thu hồi, ổn định đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc hỗ trợ, tái định cư của người có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Đồng tình với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước khi quyết định thu hồi đất; đồng thời bảo đảm điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ với người bị thu hồi đất, tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đề nghị dự thảo luật cần thể chế hóa các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, chỉ ra các tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ” như thế nào?
Một vấn đề trong lần sửa đổi này đó là việc giải quyết tái định cư cho người dân. Theo đó, khu tái định cư phải bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật như: đường giao thông bảo đảm kết nối giao thông liên kết với khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường. Hạ tầng xã hội phải bảo đảm trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, khu thương mại - dịch vụ. Với những người dân khi nhường đất để nhà nước thực hiện các dự án họ mong muốn bảo đảm các điều kiện cụ thể hỗ trợ tái định cư.
Nghị quyết số 18 đã nhấn mạnh vai trò của MTTQ Việt Nam trong xây dựng, thực hiện và giám sát chính sách pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chủ yếu quy định về vai trò vận động, thuyết phục khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… mà còn thiếu vắng quy định về vai trò giám sát, phản biện xã hội. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị: Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi UBND cùng cấp phê duyệt.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng: “Chúng tôi phản biện và đề nghị phải có quy định về mức sống tối thiểu ở nơi tái định cư đến. Ví dụ, anh phải có một cái nhà ở đạt được bình quân mỗi người bao nhiêu mét vuông và anh phải có thu nhập ổn định là bằng mức như thế nào để người ta thực hiện được quan điểm của Đảng là bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng khi thể chế hóa thì phải có tiêu chí thì mới giám sát được, nếu không thì không giám sát được”.
Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, giữ vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của người dân. Vấn đề dung hòa lợi ích của nhà nước, người bị thu hồi đất và chủ đầu tư thực hiện dự án là vấn đề cần được ưu tiên, vừa giải quyết quỹ đất cho mục tiêu phát triển đất nước đồng thời giải quyết vấn đề liên quan đến đời sống, sản xuất của người bị thu hồi đất, giữ ổn định và công bằng xã hội.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều, được lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân từ ngày 3.1 - 15.3.2023. |
Theo Báo Hải Dương