Xuất hiện dự án quy mô lớn
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý I-2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, đáng chú ý có một số dự án quy mô lớn, như dự án Nhà máy Điện khí hóa lỏng Long An I và II (Singapore), với tổng vốn đăng ký 3,1 tỷ USD và dự án Nhà máy Điện Ô Môn (Nhật Bản) có tổng vốn đầu tư 1,31 tỷ USD. Ngoài ra, một số dự án khác có quy mô từ 300 triệu USD đến hơn 700 triệu USD đã tạo nên bức tranh đầu tư nước ngoài khá sáng.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng nhận xét, việc có thêm một số dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thuộc những lĩnh vực quan trọng là năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo là minh chứng cho sự ổn định và uy tín của Việt Nam trong hoạt động thu hút đầu tư. Hơn nữa, khu vực đầu tư nước ngoài đã giải ngân 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh, lượng vốn mới thu hút tăng trong bối cảnh hoạt động đầu tư toàn cầu bị ảnh hưởng và thu hẹp là chỉ dấu tích cực. Sức cạnh tranh của Việt Nam trên đà củng cố và cải thiện liên tục, mang lại hiệu quả thiết thực đã thuyết phục được nhiều nhà đầu tư. “Gần đây, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội triển khai dự án tăng, là tiền đề cho những dự án được đăng ký, thực hiện trong tương lai gần”, ông Nguyễn Văn Toàn nhìn nhận.
Nhận định trên cũng tương đồng với Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố. Theo đó, yếu tố ổn định về chính trị của Việt Nam luôn được doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá cao, với tỷ lệ hơn 90%. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá rủi ro bất ổn chính sách thấp cũng tăng lên 82%...
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số vấn đề mà doanh nghiệp đầu tư nước ngoài quan ngại, như thủ tục, quy định, cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ công nếu so sánh với một số nước trong khu vực. Trong đó, chỉ có 32% doanh nghiệp cho rằng hệ thống thủ tục hoặc cơ sở hạ tầng của Việt Nam tốt hơn; 42% doanh nghiệp nhận định chất lượng dịch vụ công ở Việt Nam tốt hơn.
Chủ động cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, tuy còn một số “điểm trừ” nhưng nhìn chung tình hình chủ yếu đang diễn biến theo hướng tích cực, thuận lợi nhiều hơn bất lợi. Giới đầu tư đã nhìn thấy những tiềm năng, lợi thế nổi trội như thị trường đông người tiêu dùng, vị trí địa lý thuận lợi, cơ hội cạnh tranh về sản phẩm xuất khẩu nhờ được hưởng thuế suất thấp hoặc 0% nếu có chứng nhận xuất xứ tại Việt Nam. Đặc biệt, khả năng kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả thời gian qua cũng trở thành thương hiệu của Việt Nam.
Là một trong những nhà đầu tư lớn, Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Samsung Vina (Hàn Quốc) Kevin Lee cho biết, Việt Nam là thị trường quan trọng và năm 2021 doanh nghiệp này tiếp tục theo đuổi mục đích mở rộng quy mô kinh doanh, hướng tới cộng đồng người tiêu dùng ngày càng năng động... Hiện, Samsung đang triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) ở Hà Nội để ứng dụng những phát minh, sáng tạo mới nhất nhằm sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Một số mô hình tương tự của các tập đoàn quốc tế cũng đang hình thành, hứa hẹn sẽ khởi đầu bước phát triển mới, với những sản phẩm công nghệ mang dấu ấn Việt Nam. Chắc chắn kết quả xuất khẩu của nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ còn tăng lên, đạt mức cao hơn tỷ trọng gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hiện nay.
Về những giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn thông tin, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kỳ vọng Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan, thuế, bảo hiểm; nâng cao chất lượng dịch vụ công và nâng cấp mạnh mẽ hạ tầng. Ở góc độ địa phương, mỗi tỉnh, thành phố cũng cần chủ động lựa chọn dự án phù hợp với tiềm năng, định hướng của mình. Song, “mẫu số chung” mang tính nguyên tắc là ưu tiên những dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Theo nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng, những tập đoàn đa quốc gia có thế mạnh về vốn và công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận, nhận chuyển giao công nghệ, hợp tác và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là đích đến quan trọng cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đang tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác; khai thác thời cơ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chủ động đón dòng vốn dịch chuyển. Thu hút đầu tư nước ngoài là chủ trương nhất quán, lâu dài của Việt Nam, trong đó yêu cầu gia tăng về vốn và nâng cao chất lượng các dự án luôn là mục tiêu song hành.
Theo Hanoimoi.com.vn