Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, kinh tế biển xanh phát triển rất nhanh trong những năm gần đây; nếu không có sự quản lý và hợp tác hiệu quả giữa các đối tác sẽ đe dọa đến tính bền vững của hệ sinh thái biển cũng như làm gia tăng tốc độ suy thoái tài nguyên. Hiện nay, Việt Nam đã có cơ hội tiến tới lồng ghép chiến lược phát triển kinh tế biển xanh thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 tại Việt Nam. Bên cạnh đó, xu thế trên thế giới hiện nay là bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển phục vụ phát triển bền vững đang được thực hiện tại nhiều quốc gia. Đây đều là những yếu tố đóng góp thuận lợi cho sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế biển xanh tại Việt Nam. Nhu cầu hợp tác mạnh mẽ giữa các bên nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý và điều phối hiệu quả trong phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam trở thành vấn đề cấp bách và quan trọng.
Qua trao đổi giữa các bên, Chính phủ Việt Nam và các đối tác liên quan bày tỏ ủng hộ việc thiết lập quan hệ đối tác dưới hình thức khuôn khổ mở và linh hoạt, không cần cam kết ràng buộc về mặt pháp lý. Khuôn khổ đối tác sẽ hoạt động như một hình mẫu cho sự hợp tác và điều phối cho tất cả các bên liên quan sẵn sàng tham gia và đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế biển hiệu quả và tích cực ở Việt Nam.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng, Tổng cục đang tổ chức tham vấn ý kiến các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan về Báo cáo đề xuất thành lập Nhóm đối tác kinh tế biển xanh nhằm huy động sự tham gia của các bên liên quan, góp phần hướng tới quản lý hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế biển Việt Nam. Nhóm đối tác sẽ tăng cường điều phối và hợp tác giữa các đối tác tham gia phát triển kinh tế biển xanh tại Việt Nam, đồng thời góp phần tăng cường chia sẻ thông tin và liên lạc giữa các cơ quan chính phủ và các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, ngành, học viện, các tỉnh ven biển và các tổ chức phi chính phủ.
Nhóm đối tác sẽ đóng góp vào việc xây dựng, sửa đổi và thực hiện pháp luật về kinh tế biển xanh thông qua các cuộc đối thoại chính sách và các cuộc họp cấp cao. Cùng với đó, Nhóm đối tác kinh tế biển xanh của Việt Nam sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, kiến thức, các thực hành tốt; bài học kinh nghiệm thông qua cuộc họp, trang thông tin điện tử và các hoạt động dựa trên dự án cụ thể; đẩy mạnh huy động các nguồn lực kỹ thuật, vật chất, tài chính từ các nhà tài trợ, các học viện, cơ quan nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp.
Nguồn TTXVN