Có thể nhận thấy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã như được thổi luồng gió mới trở nên tươi sáng hơn.
Hầu hết các hợp tác xã đã dần chuyển đổi theo mô hình kiểu mới với cách làm hay, ứng dụng sáng tạo và nhất là đưa sức trẻ cùng khoa học công nghệ vào thực tiễn nhằm thay đổi cách nhìn về khu vực kinh tế này vốn manh mún lạc hậu theo kiểu “đánh kẻng, chấm công” như thời những năm 1970.
Tuy nhiên, những đóng góp to lớn của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức, chưa kể nhiều người vẫn ngộ nhận và lầm tưởng hợp tác xã kiểu mới là doanh nghiệp. Không những thế, nhìn vào những con số khô khốc từ các báo cáo, khu vực hợp tác xã đã nhận được không ít đánh giá khập khiễng khi so sánh với kinh tế tư nhân.
Tại không ít cuộc họp hay hội thảo luận bàn về khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhiều ý kiến đã nêu ra việc sau 10 năm Luật Hợp tác xã thực thi đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, lạc hậu, thậm chí gây mâu thuẫn và chồng chéo. Điều này dẫn đến việc cản trở sự phát triển của hợp tác xã, nhất là khi đất nước đang bước vào guồng quay của hội nhập và chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển mới về chất lượng, khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài và ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng để phát triển. Việc chuyển đổi, tổ chức lại các hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã cơ bản được hoàn thành.
Thống kê cho thấy, tính đến 31/12/2021, cả nước có hơn 27 nghìn hợp tác xã, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2001, khu vực hợp tác xã thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Đáng lưu ý, Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 và qua 10 năm, việc xây dựng, ban hành, phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã, tuyên truyền về mô hình hợp tác xã kiểu mới được thực hiện khá đầy đủ từ Trung ương đến địa phương và đạt được những kết quả nhất định.
Thế nhưng, theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn một số tồn tại như tốc độ tăng trưởng còn thấp; bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể còn chưa đạt yêu cầu; khung pháp lý, chính sách về hợp tác xã còn nhiều rào cản…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2013-2020, đóng góp của khu vực kinh tế tập thể gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, không bao gồm cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) của cả nước trung bình chỉ khoảng 3,84%/năm.
Điều đáng nói là số liệu thống kê còn nêu rõ tốc độ tăng trưởng đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế tập thể có xu hướng giảm từ 4,03% năm 2013 xuống 3,62% năm 2020.
Hơn nữa, bất cập ngay từ dữ liệu thống kê đã được thể hiện rõ khi GDP khu vực kinh tế tập thể hiện nay không tính đến phần đóng góp vào khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình. Trong khi đó, số lượng thành viên là cá nhân, hộ gia đình chiếm trên 99% tổng số thành viên hợp tác xã bằng 31% tổng số hộ cá thể, cá nhân của cả nước.
Theo nhận định từ các chuyên gia, một điểm nữa được cho là chưa thoả đáng với khu vực hợp tác xã là so sánh đóng góp GDP của khu vực kinh tế tập thể với khu vực kinh tế tư nhân cũng cho thấy không thể tách bạch như vậy.
Bởi nếu như năm 2020 đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế tập thể đã giảm chỉ còn là 3,6% so với 8% hồi năm 2001. Nhưng nếu số hợp tác xã được nhân lên 30 lần để ngang với con số của khu vực kinh tế tư nhân thì chưa thể khẳng định được là khu vực nào sẽ đóng góp nhiều hơn vào GDP.
Nhìn nhận xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng cần thống kê, đánh giá cả giá trị gia tăng của khu vực này do sự liên kết, hợp tác của khu vực hợp tác xã chưa được đánh giá.
Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng kiến nghị việc cần ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với tình hình mới. Bởi kinh tế tập thể, hợp tác xã là thành phần quan trọng của nền kinh tế quốc dân, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế bền vững và phát triển kinh tế tuần hoàn xanh cũng như phát huy tối đa lợi thế của địa phương.
Bàn về việc sửa đổi Luật Hợp tác xã, nhiều ý kiến cho rằng thông qua việc sửa Luật cần tìm kiếm động lực mạnh mẽ hơn để phát triển; không cần có nhiều thành viên mới là hợp tác xã mà quan trọng tổ chức theo hướng theo đuổi giá trị của hợp tác xã.
Giới phân tích cũng tán đồng việc chú trọng việc nâng giá trị cho khu vực hợp tác xã mà ở nhiều quốc gia phát triển mạnh về kinh tế hợp tác xã cũng đã và đang làm, với một hành lang pháp lý thật sự thông thoáng, cởi mở.
Chia sẻ những thành công trong phát triển hợp tác xã tại CHLB Đức, ông Helmut Pabst- chuyên gia của Liên đoàn Hợp tác xã Raiffeisen CHLB Đức khẳng định: Để làm nên thành công này là nhờ chính môi trường kinh doanh, nhất là môi trường pháp lý đầy đủ, phù hợp và tạo ra sân chơi bình đẳng.
Bên cạnh đó là ở sự tự quản lý, tự chịu trách nhiệm, dân chủ, đồng nhất và gắn bó trong sử dụng dịch vụ của hợp tác xã. Đặc biệt, hợp tác xã cũng giống như một doanh nghiệp và dù không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu nhưng phải hoạt động có lãi.
Theo các chuyên gia, để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển mạnh và bền vững, việc xây dựng chính sách phát triển hợp tác xã cần phải gắn với yêu cầu thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, cũng như chính quyền các cấp cần dành sự quan tâm đặc biệt cho khu vực này.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp diễn biến mới, thực tiễn Việt Nam.
Mặt khác, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần xem trọng việc thống kê, xây dựng dữ liệu lớn bởi trong hệ thống thống kê hiện nay còn thiếu dữ liệu khu vực kinh tế tập thể và là thực tế cần nhìn ra.
Về định hướng sửa đổi Luật Hợp tác xã, Thủ tướng yêu cầu mục tiêu là xóa bỏ rào cản, điểm nghẽn, tạo môi trường thể chế thuận lợi cho khu vực hợp tác xã phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Do vậy, có thể khẳng định rằng, để tiếp tục tạo nên sự thành công cho khu vực kinh tế tập thể ở Việt Nam, trong thời gian tới các nhà hoạch định chính sách nhằm tạo ra hành lang pháp lý linh hoạt để nâng tầm khu vực hợp tác xã.
Điều này sẽ góp phần tạo ra sự công bằng, bình đẳng giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp trong các hành lang pháp lý, tránh lặp lại chuyện “bỏ quên” khu vực hợp tác xã vốn đang từng bước trở thành nhân tố mới, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Nguồn TTXVN