Trong số các thương, bệnh binh, người có công với cách mạnh trên, đã có những người luôn luôn cố gắng tìm ra hướng đi phù hợp khả năng, trình độ, sức khỏe và thị trường.
HTX Vận tải Tân Phú không ngừng đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, từ đó thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX cả nước phát triển. Ảnh: VNBusiness
Sau ba lần bị thương, thương binh (mất 81% sức khỏe) Nguyễn Đức Điểm được về phục viên tại quê nhà Thái Nguyên. Dù có tiền lương hàng tháng nhưng với sự năng động, sáng tạo, thương binh Nguyễn Đức Điểm đã lãnh đạo HTX Vận tải Tân Phú ngày càng phát triển.
Đặc biệt, HTX đã hợp tác với các tập đoàn sản xuất trong nước như Nhà máy thép Hòa Phát ở Hải Dương, Nhà máy thép ở Cao Bằng hay hợp tác với Tập đoàn Samsung xây dựng khu công nghệ cao thông qua việc lắp ráp máy móc siêu trường, siêu trọng…
Đến nay, Tân Phú là mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu ở Thái Nguyên khi không chỉ tạo việc làm cho các thương, bệnh binh và con em của họ mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học…
Thực tế hiện nay cho thấy, các mô hình HTX, tổ hợp tác (THT) do các thương, bệnh binh, người có công với cách mạng tham gia quản lý đã góp phần, tạo việc làm cho chính các thương, bệnh binh, người có công với cách mạng thông qua việc phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo.
Thông qua việc hợp tác làm kinh tế, các HTX, THT này đã phát huy tài nguyên bản địa, giữ gìn bản sắc văn hóa, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho hàng trăm nghìn người lao động và làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước trong thời bình.
Thương binh Trương Văn Lê, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (Quảng Bình) cho biết, với đặc thù là một mô hình kinh tế tập thể của thương binh, HTX luôn chú trọng đến việc tìm ra hướng đi phù hợp khả năng, trình độ, sức khỏe của thành viên và từng bước thích ứng với thị trường … Từ đó giúp HTX phát triển và bảo toàn vốn, hỗ trợ đời sống thành viên.
Theo các chuyên gia, mô hình HTX do thương, bệnh binh, Anh hùng lực lượng vũ trang… làm lãnh đạo hầu hết đều phát triển và có sự quản lý chặt chẽ. Doanh thu, lợi nhuận từ các HTX này không hề thua kém mà thậm chí còn hiệu quả hơn nhiều so với các HTX khác.
Tuy nhiên, không ít HTX do các thương, bệnh binh, người có công với cách mạng quản lý đang gặp khó khăn nhất định. Cụ thể như do tuổi cao, sức khỏe bị ảnh hưởng bởi chiến tranh nên việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh còn khó khăn.
Cũng giống như nhiều HTX khác, HTX do thương bệnh binh làm chủ cũng gặp những rào cản về vốn do thiếu tài sản đảm bảo, hay khó thuê đất để phát triển sản xuất kinh doanh.
Không ít thương bệnh binh, người có công với cách mạng đang tham gia mô hình kinh tế tập thể và đạt được những kết quả khả quan. Ảnh: VNBusiness
Ông Hoàng Ngọc Sơn, Giám đốc HTX cựu chiến binh Vạn Xuân Trường (Nam Định) cho biết, HTX mong muốn có mặt bằng để xây dựng cửa hàng nông sản sạch nhưng rất khó vì theo quy định hiện hành, HTX không được giao đất mà chỉ được thuê đất. Đặc biệt, những văn bản hướng dẫn cụ thể để cho HTX thực hiện thuê đất cũng chưa có.
Nếu so sánh với một số nước có mô hình HTX phát triển trên thế giới hiện nay như Đức, Canada, Hà Lan… có thể thấy, các nước này đều đã sớm có các chính sách hỗ trợ và các khung pháp lý về lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX. Đặc biệt là có những chính sách cụ thể và phù hợp với bộ phận người dân khu vực nông thôn, phụ nữ và các đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình phát triển của đất nước như các thương bệnh binh…
Hiện nay, dù đã hình thành và phát triển tại nhiều địa phương nhưng các HTX do thương, bệnh binh làm lãnh đạo chưa tạo được sự liên kết vùng, miền để hình thành chuỗi giá trị. Từ đó, chưa tận dụng thế mạnh của những người có kinh nghiệm trong sản xuất, chiến đấu để tạo ra các mô hình kinh tế tập thể có bản sắc riêng, thu hút sự quan tâm của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước liên kết.
Chính vì vậy, ngoài tuyên truyền về các mô hình HTX do thương, bệnh binh, người có công với cách mạnh làm lãnh đạo, các chuyên gia cho rằng cần tập trung tư vấn, hỗ trợ và phối hợp với các đơn vị, bộ ngành khác để xây dựng mô hình điểm tại các địa phương. Bên cạnh đó là hỗ trợ các HTX này tiếp cận thị trường bằng cách lồng ghép vào các chương trình kinh tế xã hội triển khai tại các địa phương, từ đó thu hút sự tham gia liên kết của các doanh nghiệp.
Thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và nhận thấy vai trò to lớn của các HTX do thương bệnh binh, người có công với cách mạng làm chủ trong việc thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, những năm qua, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam luôn cố gắng thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, trách nhiệm và tình nghĩa.
Đặc biệt, với chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo đến cán bộ, thành viên, người lao động trong khu vực kinh tế tập thể, HTX cũng như các thương binh, bệnh binh, bị nhiễm chất độc hóa học, là con liệt sĩ, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng thuộc hệ thống Liên minh HTX Việt Nam. Đây là chính là liệu pháp tinh thần lớn giúp các HTX vượt qua khó khăn, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.
“Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam luôn động viên họ với ý chí tự lực, tự cường vượt lên trên hoàn cảnh, thương tật, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực và trí tuệ trong lao động, sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, HTX, xây dựng quê hương, đất nước, là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), Liên minh HTX Việt Nam đã có Thư tri ân gửi tới các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công và thân nhân người có công với Cách mạng trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, HTX, liên hiệp HTX cũng như trên cả nước lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe và lòng biết ơn sâu sắc./.