Ngồi tại nhà, bán xuyên quốc gia
Bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW cho biết, từ doanh thu 3.000 USD cho đơn hàng xuất khẩu đầu tiên qua sàn TMĐT Alibaba, sau một năm, con số này tăng lên 260.000 USD. Sản phẩm xuất khẩu qua sàn TMĐT của doanh nghiệp chủ yếu là nông sản chế biến sấy khô hoặc đông lạnh như thanh long, xoài, chanh dây, sầu riêng, nước táo...
Theo bà Yến Phi, các sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp đều đi theo con đường chính ngạch và vào các thị trường khó tính với những tiêu chuẩn cao về chất lượng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Singapore, Malaysia... Vì thế, doanh nghiệp luôn phải đảm bảo chất lượng sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn quốc tế như: truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, mã xuất khẩu…
Để có thể tham gia bán hàng xuyên biên giới của Alibaba DSW được hỗ trợ về phương pháp nắm bắt nhu cầu thị trường, thay đổi tư duy marketing cho sản phẩm, đặc biệt kênh tìm kiếm khách hàng của Alibaba không hạn chế một thị trường hay một quốc gia nào.
“Trong thời điểm dịch COVID-19, TMĐT xuyên biên giới đã đem lại cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu với doanh thu 260.000 USD. Tiếp đà tăng trưởng này, DSW đặt mục tiêu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 3,5 triệu USD. DSW cũng đặt mục tiêu tiếp tục thâm nhập vào thị trường EU và đã thành công với những đơn hàng lớn, được khách hàng đánh giá cao”, bà Yến Phi chia sẻ thêm.
Tương tự, Công ty CP Sản xuất và thương mại Kim Cương Xanh với thương hiệu Light Coffee đã truyền cảm hứng cho rất nhiều doanh nghiệp. Trong thời điểm cả xã hội thực hiện giãn cách, kinh doanh truyền thống không thực hiện được, TMĐT đã "cứu cánh" giúp Kim Cương Xanh “sống” và tiếp tục phát triển kinh doanh trên môi trường số. Hiện 60% doanh thu của doanh nghiệp đến từ kinh doanh online.
Câu chuyện của doanh nghiệp DSW và Kim Cương Xanh không phải là duy nhất, mà hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã thành công khi chuyển hướng bán hàng TMĐT xuyên biên giới. Nhiều chuyên gia nhận định, đây là xu hướng tất yếu trong tương lai, chỉ cần ngồi nhà là doanh nghiệp Việt có thể đẩy mạnh xuất khẩu đa quốc gia mà không cần nhiều thủ tục như trước.
Theo báo cáo “Người bán hàng địa phương, khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử tại Việt Nam” vừa được Amazon công bố, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,3 tỷ USD) trong năm 2021. Dự kiến, B2C của Việt Nam sẽ đạt 256,1 nghìn tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 2026. Báo cáo này nhận định, nếu coi “thương mại điện tử B2C” như là một ngành hàng xuất khẩu thì đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Ngoài ra, theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Statista, tỷ trọng TMĐT xuyên biên giới trung bình của Đông Nam Á tăng từ 74 tỷ USD năm 2020 lên 120 tỷ USD năm 2021. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu 27,4%/năm. Dự báo, doanh thu TMĐT năm 2025 tại khu vực Đông Nam Á dự kiến đạt 234 tỷ USD.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, những con số triển vọng trên đã chứng minh, các doanh nghiệp Việt ngày càng ý thức hơn về việc làm sao để bán được sản phẩm ra nước ngoài, đặc biệt là nông sản để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch. Nhất là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, việc bán hàng ra nước ngoài đã dễ dàng và thông thương hơn, tiết giảm nhiều thời gian và chi phí so với giai đoạn trước.
Ông Dương Công Tấn Phát, Giám đốc thu mua Droppii - đơn vị đang hỗ trợ nhiều địa phương bán các sản phẩm OCOP ra thị trường Campuchia, Thái Lan, cho hay: “Khách hàng quốc tế rất quan tâm đến đặc sản vùng miền của Việt Nam. Trong đó, bán lẻ nông sản ra quốc tế sẽ là xu hướng phát triển rất tốt trong tương lai”.
Tiếp sức hàng Việt xuất khẩu
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội phát triển, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường tiềm năng nhờ vào TMĐT xuyên biên giới vẫn tồn tại những bất cập đối với các doanh nghiệp Việt Nam như: thông tin, năng lực, chi phí, quy định...
Báo cáo của Amazon cho biết, 80% doanh nghiệp cho rằng thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; 85% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ gặp rào cản về năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu; 81% doanh nghiệp thừa nhận chưa được chuẩn bị để đáp ứng được sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài.
Để giúp các doanh nghiệp Việt có thể đẩy mạnh bán hàng TMĐT xuyên quốc gia, thời gian gần đây, nhiều sàn TMĐT đã đưa ra nhiều thông tin hỗ trợ, đào tạo và lộ trình kinh doanh cho các doanh nghiệp ngay trên ứng dụng.
Theo đại diện sàn TMĐT Shopee, chỉ cần thông qua 4 bước: ghi danh, nhận thông báo, tạo shop và đồng bộ, chuẩn bị kiến thức… là các doanh nghiệp Việt có thể tham gia bán TMĐT xuyên biên giới. Khi được tham gia bán hàng xuyên biên giới, doanh nghiệp có thể yên tâm vì các quy trình và quy định xử lý đơn hàng như trong nước, lại không phát sinh phí vận chuyển quốc tế.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các sàn TMĐT thì việc hỗ trợ của các doanh nghiệp logistics trong việc vận chuyển bán hàng xuyên biên giới cũng không kém phần quan trọng. Ông Phan Xuân Dũng, Giám đốc Kinh doanh của Ninja Van Việt Nam cho biết, với tiềm năng của ngành TMĐT, đơn vị sẽ tích cực thực hiện những bước hỗ trợ cần thiết đi cùng các hình thức dịch vụ tương ứng để hỗ trợ sâu sát nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ đẩy mạnh khả năng thích ứng với sự thay đổi của TMĐT. Từ đó, mang đến trải nghiệm giao nhận hàng hóa tốt nhất cho khách hàng trong việc kinh doanh thương mại xuyên biên giới trong khu vực Đông Nam Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Cụ thể, ngoài việc hỗ trợ cần thiết về công nghệ cho dịch vụ logistics sẵn có, Ninja Van Group hiện có thêm các dịch vụ giá trị gia tăng quản lý chuỗi cung ứng để hoàn thiện hệ sinh thái vận chuyển hàng hóa TMĐT xuyên biên giới như : Ninja Direct (xuất nhập khẩu hàng hóa), Ninja Fulfillment (dịch vụ hoàn tất đơn hàng), Ninja Retail (điểm tập hơp hàng hóa)…
Tương tự, tuyến vận chuyển quốc tế J&T International hỗ trợ doanh nghiệp/người bán vận chuyển đa dạng mặt hàng như quần áo, giày dép, thực phẩm, nông sản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, chứng từ, hồ sơ, tài liệu, hàng mẫu… tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhờ đó, người bán không chỉ được tạo điều kiện mở rộng phạm vi kinh doanh ra đa dạng thị trường mà còn có thể dễ dàng mua sắm trang thiết bị, phụ kiện từ nhiều nhà cung ứng khác trên thị trường quốc tế.
Ưu điểm của dịch vụ này còn nằm ở tốc độ giao nhận tiêu chuẩn quốc tế với độ an toàn cao, đảm bảo mọi tiêu chí khắt khe của một quy trình vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài, giúp khách hàng tiết kiệm tối đa thời gian, công sức mà vẫn an tâm khi giao nhận. Khách hàng chỉ cần kết nối internet là có thể kiểm tra xem hàng hóa đến đâu. Khi hàng đã đến nước sở tại, hệ thống sẽ hiển thị số điện thoại của shipper giao hàng đó cho khách.
Tuy nhiên, điểm khó khăn hiện nay của các đơn vị logistics là các quốc gia trên thế giới đều có tiêu chuẩn riêng cho việc đóng gói bao bì sản phẩm. “Ví dụ, khi gửi một mẫu vải đi, mình phải đóng gói làm sao để gọn nhẹ nhất có thể, không chiếm diện tích mà lúc mở ra vẫn không bị nhăn nhúm? Đó là bài toán mà phía chuyển phát có thể hỗ trợ, nhưng đương nhiên vẫn cần nhiều hơn sự am hiểu từ chính các đơn vị sản xuất”, ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express chia sẻ.
Theo ông Bình, nếu có được sự đồng thuận từ 2 bên, việc giao nhận, vận chuyển hàng mẫu xuyên biên giới đến hơn 200 quốc gia như J&T Express đang áp dụng cũng trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Khi hàng mẫu đã được chấp nhận rồi, những đơn hàng lớn hơn sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng: “Để góp phần mang hàng Việt xuất ngoại, cần sự hợp tác đồng bộ giữa các bên. Cụ thể, cần có các đơn vị trung gian giúp tìm hiểu thị trường, thủ tục và đặc điểm hàng hoá cần xuất khẩu, tư vấn bán hàng, quảng bá sản phẩm. Đơn vị vận chuyển hỗ trợ tư vấn về đóng gói, vận chuyển nhận hàng tận cửa người bán, giao hàng tận tay người nhận để giúp người bán, người mua an tâm về hàng hoá”.
Nguồn TTXVN