Xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Chính vì vậy, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân đến Việt Nam từ ngày 12 - 13/12, được kỳ vọng về một định vị mới trong quan hệ thương mại hai nước theo hướng cân bằng, phát triển và bền vững.
Thống kê cho thấy, kể từ năm 2008 trở lại đây, kim ngạch thương mại song phương tăng 9 lần, từ mức 20 tỷ USD tăng lên gần 180 tỷ USD vào năm 2022. Trong số đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt khoảng 58 tỷ USD và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt gần 120 tỷ USD.
Đáng lưu ý, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn, gây tác động mạnh mẽ tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khả quan.
Tính đến hết tháng 10/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt gần 140 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt xấp xỉ 50 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 17% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Trong khi đó, năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ tư trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Nhận định về thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và đường thủy. Chiều dài biên giới đường bộ lên tới gần 400 km, đi qua địa phận 7 tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Đặc điểm này đã mang lại cho hai nước lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc cuối năm 2022, đã có rất nhiều sự thay đổi trong quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước. Đặc biệt, phía Trung Quốc đã gỡ bỏ biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nên hoạt động về kinh tế, thương mại nói chung và hoạt động biên giới sôi động trở lại.
Bên cạnh đó, một số cửa khẩu đã ứng dụng công nghệ, tần suất thông quan và thúc đẩy thương mại biên giới tốt hơn. Hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương truyền thống giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc được khôi phục với nhiều hình thức đa dạng.
Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc có mức bổ trợ rất cao và tiềm năng lớn. Hai bên đang đẩy nhanh mở cửa thị trường cho nhiều loại nông thủy sản, hoa quả Việt Nam, ngược lại, Việt Nam cũng nhanh chóng xem xét mở cửa thị trường cho sản phẩm nông sản thực phẩm của Trung Quốc.
Cùng đó, hai bên còn thúc đẩy ký kết Nghị định thư với các loại nông sản có hoạt động thương mại truyền thống; phối hợp tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng hóa, xử lý vướng mắc về cơ chế, chính sách..., mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng về đầu tư, thương mại hai bên.
Mới đây, 2 container sản phẩm yến sào của Công ty cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa xuất khẩu sang Trung Quốc gồm tổ yến và sản phẩm nước yến; trong đó, tổ yến lần đầu xuất khẩu chính ngạch và nước yến là lô hàng thứ 2 được giao cho đối tác tại Trung Quốc. Trước đó, Công ty đã xuất khẩu thành công lô nước yến đầu tiên vào ngày 16/10.
Bà Trịnh Thị Hồng Vân - Phó Tổng giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa cho biết, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, cơ hội lớn để doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Công ty sẽ hợp tác hiệu quả với đối tác để bao phủ dòng sản phẩm tổ yến, sản phẩm sau chế biến tại siêu thị, nhà phân phối Trung Quốc với mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, doanh thu và tăng thu nộp ngân sách cho tỉnh.
Là doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, ông Vũ Văn Đồng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Đại Dương chia sẻ, Trung Quốc đang mở cửa cho sản phẩm gạo của Việt Nam, do vậy xuất khẩu gạo sang quốc gia 1,4 tỷ dân trong cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ tiếp tục khả quan.
Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, tại cuộc khảo sát thị trường Trung Quốc gần đây, Đoàn công tác của Việt Nam đã đề xuất và đạt được sự ủng hộ từ phía Trung Quốc về tăng cường hỗ trợ giao thương, thiết lập kênh trao đổi thông tin, phối hợp kịp thời trong giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp.
Đồng thời, phía Trung Quốc sẽ xem xét ký kết biên bản ghi nhớ về thúc đẩy xuất khẩu, xúc tiến thương mại giữa hai nước; hỗ trợ đưa sản phẩm gạo Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường bán lẻ truyền thống, kênh thương mại điện tử của Trung Quốc. Việc này góp phần duy trì thị phần, gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/05/2023.
Ông Lò Xuân Quyết - Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc) cho biết, Việt Nam xếp thứ 10 trong số các quốc gia xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc. Đến nay, Việt Nam có 11 loại trái cây được phép xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc gồm thanh long, dưa hấu, chuối, vải, nhãn, chôm chôm, mít, xoài, măng cụt, sầu riêng và chanh dây.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang có xu hướng quy chuẩn hóa quy định và hệ thống quản lý, giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu; chú trọng xây dựng thương hiệu. Hơn nữa, doanh nghiệp cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường.
Nhận định về thị trường Trung Quốc, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, triển vọng và tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế hai nước có tính bổ sung lẫn nhau và xu thế phát triển kinh tế thế giới hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Bởi vậy, doanh nghiệp cần tận dụng và nắm bắt cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh doanh ổn định và bền vững, góp phần đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc phát triển lên tầm cao mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, đặc biệt giữa các địa phương của hai nước có chung đường biên giới đã khởi sắc, quan hệ hợp tác và phối hợp cộng tác tiếp tục được củng cố, mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Tuy nhiên, trao đổi thương mại chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu; xuất khẩu nông thủy sản chủ yếu vẫn là tiểu ngạch, số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định.
Hơn nữa, hạ tầng biên giới còn hạn chế; việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại; việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hoạt động cửa khẩu chỉ mang tính thí điểm, chưa phổ biến. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương của Lãnh đạo hai nước về hợp tác toàn diện, hiệu quả, nhất là lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, kinh tế thương mại biên giới.
Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đánh giá, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với Trung Quốc nói chung, hợp tác kinh tế -thương mại khu vực biên giới nói riêng. Qua đó, tạo thuận lợi hóa thương mại, đầu tư giữa hai nước; rà soát Quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất, chế biến theo Đề án xuất khẩu chính ngạch... để đáp ứng yêu cầu của thị trường và thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Nguồn TTXVN