Hiện đại hóa bán lẻ truyền thống bằng mô hình nhượng quyền “win – win”
Kênh bán lẻ truyền thống hiện đang chiếm 90% thị phần mảng bán lẻ tiêu dùng ở Việt Nam. Bán lẻ hiện đại chỉ chiếm thị phần khiêm tốn khoảng 8%. Tuy nhiên, tỷ trọng này được dự báo sẽ thay đổi nhanh chóng trong tương lai khi bán lẻ hiện đại đang “nở rộ” mạnh mẽ. Các nhà bán lẻ nội địa đã tạo được bước tiến dài khi kết quả kinh doanh liên tục được cải thiện.
Sự tham gia của kênh bán lẻ hiện đại đã thu hẹp đáng kể khoảng cách về lợi nhuận gộp giữa các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ. Thực tế này đã diễn ra tại nhiều quốc gia như Mỹ và Thái Lan. Trong thập kỷ tới, lợi nhuận gộp cũng như khả năng chi phối người tiêu dùng sẽ dịch chuyển mạnh mẽ từ các nhà sản xuất sang các nhà bán lẻ.
Giá trị sẽ dịch chuyển từ các nhà sản xuất FMCG sang nhà bán lẻ khi kênh MT ngày càng được ưa chuộng. Ảnh: Internet
“Tương lai của ngành hàng tiêu dùng nằm trong tay các nhà bán lẻ hiện đại” là phát biểu của ông Danny Le – Tổng giám đốc Masan Group tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2021 của Tập đoàn này.
Lý giải nhận định này, ông Danny Le cho biết, hiện nay, kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang chiếm 90% thị phần của mảng tiêu dùng bán lẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, con số này sẽ sụt giảm nhanh chóng thương lai. Nguyên nhân, đặc trưng của kênh bán lẻ truyền thống là quy mô nhỏ, phân tán và tiêu chuẩn dịch vụ còn nhiều hạn chế. Đồng nghĩa với việc người tiêu dùng hiện đang chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thiết yếu hàng ngày trong phân khúc nhu yếu phẩm.
Ông Danny Le cho biết, The CrownX – Công ty điều hành mảng tiêu dùng (MasanConsumerHoldings) và bán lẻ (VinCommerce) của Masan sẽ tập trung đẩy mạnh thương mại tích hợp từ offline đến online. Masan đặt mục tiêu phục vụ đầy đủ các nhu cầu thiết yếu trên cùng một nền tảng, hướng đến phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng vào năm 2025. Thông qua đó, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm chi phí cho hàng hóa thiết yếu, nhà sản xuất và các đối tác gia tăng lợi nhuận.
Kế hoạch chuyển đổi chi tiết nhằm xây dựng mô hình kết hợp xuyên suốt tích hợp từ offline đến online của Masan bao gồm 3 mục tiêu quan trọng: xây dựng mô hình bán lẻ nhu yếu phẩm đạt lợi nhuận (đã hoàn thành trong năm 2020); mở rộng quy mô mảng bán lẻ bằng việc vận hành 10.000 cửa hàng bán lẻ tự sở hữu đạt mục tiêu lợi nhuận và 20.000 cửa hàng nhượng quyền (năm 2025) thông qua hiện đại hóa kênh thương mại truyền thống; chuyển đổi các cửa hàng bán lẻ trở thành các “Point of Life” bằng cách kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, giải trí số, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
VinCommerce đang trên đà đạt lợi nhuận dương trong năm 2021. Ảnh: internet
Trong năm 2021, Masan sẽ thử nghiệm mô hình nhượng quyền bán lẻ bằng việc kết hợp với các nhà bán lẻ truyền thống. “Lợi thế của chúng tôi hiện nay là hàng ngàn nhân viên bán hàng của Masan đã có mối quan hệ tốt với các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Chúng tôi có chiến lược về hàng hóa, có quy mô lớn để có thể đàm phán mua được hàng từ nhà cung cấp với giá tốt hơn, có sản phẩm tự sản xuất, có sự tinh gọn trong mô hình bán lẻ. Đây là mô hình “win – win” khi nhà bán lẻ có thể bán hàng tốt hơn, người mua hàng có trải nghiệm tốt hơn” – Ông Danny Le cho biết.
Hợp tác cùng các sàn thương mại điện tử và siêu ứng dụng để đẩy mạnh kinh doanh online
Sau 1 năm tiếp quản VinCommerce – đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam về số lượng điểm bán, có vẻ như Masan chưa tập trung nhiều cho mảng online.
Lý giải điều này, có thể thấy năm 2020, Masan tập trung vào việc tái cấu trúc mạnh mẽ chuỗi bán lẻ này để hoàn thành mục tiêu đưa VinCommerce về mô hình hòa vốn vào năm 2020. Quý 4-2020, VinCommerce đã có quý đầu tiên đạt lợi nhuận 16 tỷ đồng, hướng tới mục tiêu EBITDA dương trong cả năm 2021.
“Khi có chuỗi cung ứng hàng hóa offline tốt, chúng tôi tích hợp bán hàng trên siêu ứng dụng và các sàn thương mại điện tử. Hiện nay, VinMart đang có mặt trên ứng dụng VinID với 9 triệu người dùng, Techcombank với 5 triệu người dùng và nhiều ứng dụng mua sắm khác. Bên cạnh đó, từ năm 2020, chúng tôi đã thử nghiệm bán hàng thiết yếu trên sàn thương mại điện tử Lazada với hơn 30 triệu người dùng – Ông Danny Le phân tích.
Cũng theo ông Danny Le, thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay chưa tập trung vào các nhu cầu thiết yếu, có tần suất mua sắm mỗi ngày của người tiêu dùng như thực phẩm và đồ uống. Nền tảng này chỉ đang phục vụ cho các nhu cầu không thiết yếu, giá trị cao như mỹ phẩm, quần áo, du lịch… Thúc đẩy việc mua sắm online trở thành thói quen hằng ngày của người tiêu dùng cần phải tập trung vào phục vụ nhu cầu thiết yếu của họ. Đây là điều Masan đang hướng đến và bắt đầu đẩy mạnh từ năm 2021./.
Nguồn SGGP