Theo thống kê từ Bộ Công Thương, trong tổng mức hơn 5 triệu tỷ đồng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 3,9 triệu tỷ đồng (chiếm 79% và tăng 6,8% so cùng kỳ năm trước). Điều này cho thấy thị trường bán lẻ đầy tiềm năng với nhiều dư địa phát triển, song cạnh tranh cũng vô cùng khốc liệt.
Thực tế, thị phần ngành bán lẻ trong những năm qua đã có sự thay đổi đáng kể. Nếu thời điểm năm 2016, dư luận giật mình trước con số thống kê hơn 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam đã về tay doanh nghiệp ngoại và dự báo một tương lai không xa của ngành bán lẻ Việt Nam với nhiều gam màu tối. Thì chỉ sau gần 5 năm, số lượng doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã có sự vượt trội về số điểm bán khi các doanh nghiệp này liên tục mở rộng độ phủ và đang dần chiếm ưu thế trên thị trường bán lẻ.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay chúng ta có khoảng 1.085 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang chiếm khoảng 70% đến 80% số điểm bán trên cả nước. Việc mở rộng độ phủ cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ trong nước không chịu khuất phục, vẫn âm thầm mở rộng quy mô, đảo ngược tình thế để làm chủ "sân nhà" bằng năng lực của mình. Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã thể hiện sự khôn khéo khi vừa củng cố thị phần tại các tỉnh, thành phố lớn, vừa nhắm đến các thị trường ngách, nông thôn. Đây là một lựa chọn thông minh để đáp ứng tốt xu hướng mua hàng nhanh chóng, tiện lợi của người tiêu dùng.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đầy tiềm năng với nhiều dư địa phát triển. Ảnh: Internet
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn yếu về vốn, quy mô nhỏ, khả năng quản trị thiếu chuyên nghiệp khiến cho sức cạnh tranh đã yếu lại càng yếu hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ phải biết tận dụng thời cơ, chớp lấy cơ hội ngay lúc này để tăng tốc bứt phá, chiếm lĩnh thị trường bằng nhiều cách. Phải biết đón đầu xu hướng bán lẻ mới, tạo sự khác biệt và mang lại nhiều giá trị cộng thêm cho khách hàng. Nếu các doanh nghiệp bán lẻ không tiếp tục đổi mới, khách hàng sẽ chuyển sang chỗ khác khi nó đáp ứng tốt hơn nhu cầu trải nghiệm mua sắm.
Đồng thời, các doanh nghiệp bán lẻ cần phải tích hợp bán hàng đa kênh, cả trực tiếp và trực tuyến để đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì vậy, đây đang là thời điểm, cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tạo sự đột phá, tận dụng sự phát triển của công nghệ, đi tắt đón đầu, cạnh tranh thành công với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.
Theo Tổ chức khảo sát, nghiên cứu và công bố dữ liệu kinh tế thương mại toàn cầu Trading Economics, doanh số bán lẻ của Việt Nam dự báo tăng 11% trong năm 2021 vượt xa nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.
Với đà tăng trưởng hiện tại của ngành bán lẻ, Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường và Tư vấn đầu tư bất động sản Colliers International Việt Nam chỉ ra rằng, sẽ có nhiều trung tâm bán lẻ tiếp tục được phát triển, phân bố đa dạng hơn ở vùng ven đô thị lớn hay nhiều tỉnh, thành.
Theo VietQ