“Tiến quân ca” từ lâu đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, là tiếng lòng của cả dân tộc trong những thời khắc lịch sử trọng đại. Bài hát ra đời trong bối cảnh đất nước sục sôi khí thế cách mạng, đã đồng hành cùng dân tộc qua những chặng đường đấu tranh gian khổ và hào hùng, đặc biệt là trong sự kiện Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946. “Tiến quân ca” đã trở thành Quốc ca, một phần không thể tách rời của lịch sử và văn hóa Việt Nam.
"Lá cờ đỏ sao vàng tung bay ở đâu, lời Quốc ca vang lên đến đó" . Ảnh: laodongthudo.vn
Từ lời hiệu triệu đến khúc Quốc ca
Năm 1944, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc dâng cao. Trong bối cảnh ấy, nhạc sĩ Văn Cao, một trí thức yêu nước, đã nhận nhiệm vụ thiêng liêng: sáng tác một bài hát cổ vũ tinh thần chiến đấu. Trước thời khắc quyết định của vận mệnh dân tộc, “Tiến quân ca” ra đời như một lời hiệu triệu từ trái tim, thôi thúc tinh thần quật cường của quân và dân ta.
“Tiến quân ca” là một tác phẩm nghệ thuật lay động lòng người. Giai điệu hùng tráng, mạnh mẽ, với nhịp điệu hành khúc thôi thúc, đã khắc họa một cách sống động khí thế tiến công, quyết tâm giải phóng dân tộc. Ca từ của bài hát cũng ngắn gọn, súc tích, giàu hình ảnh, sử dụng nhiều động từ mạnh, thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu kiên cường và khát vọng cháy bỏng về một dân tộc hoàn toàn được giải phóng. Những câu hát như “Đoàn quân Việt Nam đi”, “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”, “Vì nhân dân chiến đấu không ngừng” đã trở thành những khẩu hiệu, lời hiệu triệu mạnh mẽ, vang vọng trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
“Tiến quân ca” và ngày hội non sông
Ngày 6/1/1946, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, đã đi vào lịch sử như một dấu mốc trọng đại, đánh dấu bước ngoặt trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ của Việt Nam. “Tiến quân ca” đã đồng hành cùng sự kiện lịch sử này, trở thành tiếng nói chung của toàn thể nhân dân, thể hiện khát vọng độc lập, tự do và ý chí giải phóng dân tộc. Bài hát đã góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử, khẳng định quyền làm chủ của nhân dân và mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước. Trong ngày hội non sông ấy, “Tiến quân ca” đã vang lên như một khúc ca khải hoàn, thôi thúc toàn dân đoàn kết, xây dựng chế độ mới, xóa bỏ mọi áp bức, bất công. Trước và trong ngày Tổng tuyển cử, bài hát được phổ biến rộng rãi, như một công cụ tuyên truyền, vận động mạnh mẽ, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và kêu gọi toàn dân tham gia bầu cử, kiến thiết đất nước. Sau Cách mạng tháng Tám, “Tiến quân ca” đã được chọn làm nhạc chính thức trong các nghi lễ của Nhà nước. Và sau ngày Tổng tuyển cử lịch sử, Quốc hội đầu tiên đã chính thức công nhận “Tiến quân ca” là Quốc ca, khẳng định vị thế đặc biệt, thiêng liêng của nó trong lòng dân tộc.
Tiếng nói từ lịch sử, vang vọng đến hôm nay
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị to lớn đã được khẳng định, “Tiến quân ca” cũng từng vấp phải một số ý kiến trái chiều, cho rằng bài hát mang nặng màu sắc chiến tranh, không phù hợp với bối cảnh hòa bình hiện nay. Họ tập trung vào những ca từ mạnh mẽ, giàu tính hình tượng như “Đường vinh quang xây xác quân thù”, “Tiến mau ra sa trường” và cho rằng chúng thể hiện tinh thần bạo lực, cổ xúy chiến tranh. Nhưng cần phải nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và toàn diện, đặt bài hát trong bối cảnh lịch sử cụ thể mà nó ra đời. “Tiến quân ca” được sáng tác trong giai đoạn đất nước đang bị nô dịch, vận mệnh dân tộc ngàn cân treo sợi tóc. Lời kêu gọi “Tiến mau ra sa trường” không phải là lời kêu gọi xâm lược hay gây hấn với bất kỳ quốc gia nào, mà là lời kêu gọi toàn dân đứng lên đấu tranh giải phóng thân phận nô lệ lầm than. Đó là tinh thần quật cường, bất khuất của một dân tộc kiên cường, không chịu khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào. Hơn nữa, “Đường vinh quang xây xác quân thù” là một hình ảnh biểu tượng, tượng trưng cho sự thất bại hoàn toàn của kẻ thù, sự tan rã của chế độ áp bức, câu hát phản ánh một sự thật lịch sử về những hy sinh to lớn mà dân tộc Việt Nam đã phải trải qua để giành và giữ vững độc lập, tự do. Đồng thời, đó cũng là lời cảnh báo đanh thép về cái giá phải trả cho bất cứ hành động xâm lược nào, thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc đến cùng của nhân dân Việt Nam. Trong thời bình, “Tiến quân ca” vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa sâu sắc của nó. Giai điệu hùng tráng, lời ca mạnh mẽ của bài hát tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và ý chí vươn lên của mỗi người dân Việt Nam. “Tiến quân ca” trong thời bình chính là tiến lên trên con đường xây dựng và phát triển đất nước, tiến lên vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
“Tiến quân ca” không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, mà còn là chứng nhân lịch sử, ghi dấu những thời khắc quan trọng của đất nước. Nó đã, đang và sẽ mãi là khúc tráng ca hùng tráng, là biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, vang vọng trong lòng mỗi người dân và trong suốt chiều dài lịch sử. Trong bối cảnh ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, “Tiến quân ca” đã khẳng định vai trò là tiếng gọi non sông, thôi thúc toàn dân đoàn kết, xây dựng một kỷ nguyên mới cho dân tộc.
Giang Bình