Nếu tình hình dịch bệnh không sớm được kiểm soát sẽ ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách trong những tháng tới. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế Hà Nội.
Quyết liệt thu-chi ngân sách, triệt để tiết kiệm
Chính phủ vừa gửi tới Quốc hội Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2020, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2021.
Tính chung giai đoạn 5 năm 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra (100,4%); tổng chi NSNN ước đạt khoảng 7,66 triệu tỷ đồng.
Tỷ trọng chi NSNN bình quân khoảng 28,8% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP). Cơ cấu chi NSNN tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2020 đạt trên 30% (mục tiêu là 25-26%), chi thường xuyên khoảng 63% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%).
Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,45% GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội.
Đánh giá tình hình nợ công, báo cáo của Chính phủ cho thấy nhiều tín hiệu sáng sủa hơn. Cụ thể, đến hết ngày 31/12/2020, dư nợ công bằng khoảng 55,3%GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 49,1%GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,3% GDP, thấp hơn trần quy định tại Nghị quyết số 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 (tương ứng là 65% GDP, 54% GDP và 50% GDP).
“Trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, có sự phối kết hợp và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, điều hành quyết liệt thu, chi ngân sách, triệt để tiết kiệm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách, nhiệm vụ NSNN năm 2020 đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra", Chính phủ đánh giá.
Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế
Trong năm 2020, thông qua chính sách tài chính - NSNN đã xử lý hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân 128,33 nghìn tỷ đồng để ứng phó với đại dịch Covid-19.
Trong đó, miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, các khoản phí, lệ phí 111,5 nghìn tỷ đồng; chi ra từ NSNN 16,83 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân; đảm bảo đủ nguồn đáp ứng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới hiện vẫn rất phức tạp, phụ thuộc lớn vào hiệu lực của vắc xin và khả năng phổ cập vắc xin. Có những đánh giá, dự báo cho rằng phải năm 2022 mới cơ bản chấm dứt được dịch bệnh. Hiện nhiều nước vẫn tiếp tục áp dụng những gói hỗ trợ lớn cho nền kinh tế.
Ở trong nước, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn vẫn là những khó khăn hiện hữu ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.
"Trong bối cảnh như vậy, việc tiếp tục thực hiện các giải pháp kinh tế, tiền tệ và tài chính - NSNN để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh là rất cần thiết", Chính phủ đánh giá.
Với quan điểm đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các chính sách, biện pháp hỗ trợ hiện tại; nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ mới giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, trình cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện.
Trong lĩnh vực tài chính - NSNN, Chính phủ đã chủ động trình và được Quốc hội cho phép tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, tổ chức đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, để động viên, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp nguồn lực vật chất và tài chính cho công tác phòng chống dịch; hiện đang khẩn trương xây dựng Nghị định hướng dẫn nội dung này.
Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Nghị định của Chính phủ về tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, trong đó dự kiến gia hạn 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng.
Gia hạn 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý 1, quý 2 kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 của doanh nghiệp; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân; tiếp tục rà soát, giảm mức thu các khoản phí, lệ phí để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
“Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 và quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép - vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân; trên cơ sở đó thực hiện điều chỉnh, ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân ứng phó với dịch bệnh, trong đó có các chính sách tài chính - NSNN cho phù hợp”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu NSNN thực hiện 2 tháng đầu năm nay ước đạt 286,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,3% dự toán, tăng 0,6% so cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 đạt 18,3% dự toán, tăng 9,3%). Trong điều kiện diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở một số địa phương còn hết sức phức tạp, việc duy trì được tiến độ thu đạt khá cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế và khả năng thích ứng của doanh nghiệp đã được cải thiện. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh không sớm được kiểm soát thì sẽ ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách trong những tháng tới. |
HQOL