Tiêu chí cơ bản để xác định trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức gồm:
Thứ nhất, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quá trình thực thi công vụ. Cán bộ, công chức không chỉ có nghĩa vụ chấp hành chủ trương, chính sách chung của Đảng và pháp luật của Nhà nước, mà trong quá trình thực thi công vụ phải nghiên cứu kỹ các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực công tác của cá nhân để có thể áp dụng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Thứ hai, thực hiện đúng bổn phận, trách nhiệm của cán bộ, công chức. Bổn phận, trách nhiệm của cán bộ, công chức đã được quy định tương đối cụ thể trong Luật Cán bộ, công chức. Thực hiện đúng bổn phận, trách nhiệm của cán bộ, công chức có mối liên hệ mật thiết với kết quả hoạt động công vụ. Trách nhiệm, bổn phận thực thi công vụ của cán bộ, công chức là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, kết quả hoạt động công vụ. Trong quá trình thực thi công vụ, nếu cán bộ, công chức không thực hiện đúng bổn phận, trách nhiệm của mình thì không những hiệu quả của hoạt động công vụ không đạt được, mà còn có thể gây tác động tiêu cực đến cơ quan và của cả nền công vụ.
Thứ ba, tuân thủ các quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp là một loại đạo đức xã hội đặc thù, liên quan đến hoạt động của các loại nghề nghiệp khác nhau, có quan hệ chặt chẽ với đạo đức cá nhân trong hoạt động nghề nghiệp, là ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với hành vi của mình trong quan hệ nghề nghiệp với người khác, với xã hội. Việc tuân thủ đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp sẽ giúp cho cán bộ, công chức ý thức rõ trách nhiệm của mình, tránh tình trạng lạm quyền, đảm bảo sự công tâm, minh bạch, không vụ lợi trong quá trình thực thi công vụ.
Thứ tư, tôn trọng tổ chức, công dân trong quá trình giải quyết công việc. Phải lắng nghe ý kiến của tổ chức, công dân; trong quá trình giao tiếp, làm việc với tổ chức, công dân phải thể hiện thái độ đúng mực, có tinh thần cầu thị; sẵn sàng chịu sự giám sát của tổ chức, công dân. Thông qua đó, góp phần tạo dựng uy tín, hình ảnh của cơ quan nhà nước với công dân và tổ chức; tôn trọng công dân và tổ chức trong quá trình thực thi công vụ là biểu hiện cụ thể của mục tiêu cuối cùng của nền công vụ là phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân./.
Minh Quang