Giá rẻ, ùn ứ trong thời gian dài
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh Hải Dương về khó khăn trong tiêu thụ nông sản, các tổ chức đoàn thể, người tiêu dùng trong cả nước chung tay giúp tiêu thụ hàng nghìn tấn rau củ quả. Tuy nhiên, giải cứu nông sản chưa phải giải pháp lâu dài, mới góp phần để nông sản không bị đổ bỏ chứ chưa thực sự đem lại lợi nhuận cho người nông dân, bởi giá bán quá rẻ. Ngoài ra, có nhiều đầu mối giải cứu, có nơi mới lần đầu làm việc này nên xảy ra nhiều rủi ro ngoài dự kiến, chỉ thực hiện được một vài chuyến hàng buộc phải dừng lại.
Nông sản còn bị ùn ứ do hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại cửa ngõ đều hạn chế xe hàng hoá ra vào Hải Dương trong hơn 1 tuần lễ, đúng thời điểm thu hoạch khiến vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn, ách tắc, gây thiệt hại về kinh tế, hoạt động kinh doanh và đời sống của người dân. Cụ thể, nông sản phải đổ bỏ. Vật nuôi, con giống đã quá hạn xuất chuồng nhưng không có thức ăn đến để tiếp tục duy trì nuôi sống đàn. Nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất không được đáp ứng. Hàng xuất khẩu đến hạn phải giao hàng nhưng không đưa xuống cảng được…
Ảnh minh họa
Ông Hoàng Trọng Thuỷ, chuyên gia nông nghiệp phân tích, các diện tích lớn hầu hết đã có đơn hàng, bán theo hợp đồng hoặc là đã có thị trường ổn định. Nông sản không tiêu thụ được là do bị nghẽn ở khâu vận chuyển. Mỗi một xét nghiệm mất 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng mà chỉ có giá trị trong 3 ngày. Như vậy chia cho một xe rau thì giá thành cao lên, nhiều doanh nghiệp không chịu được. Lái xe thì sau đó bị cách ly 14 ngày nên không muốn tham gia. Ngoài ra, vận chuyển hàng hóa bị đẩy sang đường 5 mới mà các "tư lệnh "ngành không can thiệp vào được. Vì nhiệm vụ chống dịch như chống giặc cho nên cấp địa phương có quyền khoanh vùng và đặt ra chính sách có lợi cho mình.
“Bộ Công Thương đề nghị Bộ NN & PTNT, Bộ NN & PTNT đề nghị Bộ Y tế. Không có tư lệnh đứng ra giải quyết khiến tình trạng tắc nghẽn ấy kéo dài hàng tuần” - ông Thuỷ cho biết thêm.
Nâng cao năng lực ứng phó
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ, ngày 28/1 Hải Dương có dịch, lãnh đạo chủ chốt không ở nhà nên ứng phó có phần mất chủ động. Tại thời điểm đó chủ quan nên không có kế sách gì và không có thông điệp nào được đưa ra. “Nông sản ùn ứ là do covid và do quản trị trong sản xuất tiêu dùng, nói thẳng là năng lực ứng phó với các tình huống xảy ra. Nó là trách nhiệm chung” - ông Hoàng Trọng Thuỷ nhận định.
Dù cả nước giải cứu nhưng vẫn có sự “vón hàng cục bộ” vì người giải cứu chỉ dám vào vùng ven của tỉnh Hải Dương. Vì thế khu sâu hơn hàng hoá bị ứ trệ lại. Nằm sâu trong nội tỉnh bị thiệt hại nặng. Khó khăn chồng chất khó khăn.
Ông Thuỷ đưa ra bài học kinh nghiệm: Thứ nhất, phải xây dựng vùng đệm của nông sản. Vùng đệm là nơi an toàn không có dịch để tập kết hàng hoá. Đây vừa là nguyên nhân vừa là giải pháp. Phải có chỗ kiểm soát được dịch bệnh từ lao động đến khử khuẩn. Điều này giúp hàng hoá đảm bảo khử khuẩn, vì vào tận ruộng mua hàng hoá không qua sơ chế dễ hư hỏng và nguồn vào mua hàng cũng dễ bị lây nhiễm, trở thành nguồn lây nhiễm. Vùng đệm có cách phòng chống bảo hộ thì người đến mua yên tâm, người mua yên tâm và lao động tại khu vực đó như bốc vác, lái xe sẽ không bị cách ly.
Thứ hai, thiết lập hành lang để vận chuyển nông sản. Khi nói đến hành lang phải nói đến quản trị về điều phối. Hoàn toàn dồn ứ vào đường 5 thì mới có kiểu ngăn sông cấm chợ. Thời gian đầu dịch mới xảy ra chủ yếu ở Cẩm Giàng, Chí Linh, phía đông Hải Dương. Khi mà Ninh Giang, Thanh Miện chưa bị dịch lẽ ra nên làm vùng đệm tai đấy và lấy tuyến đường sông Luộc để lưu thông.
Ông Thuỷ đặc biệt lưu tâm rằng, kết quả giải cứu nông sản của Hải Dương làm cho người nông dân nơi đây phấn khởi, nhưng mặt trái của nó làm cho vùng rau Hà Nội ùn ứ. Và ùn ứ của Hà Nội là do cung cầu. Nếu chia Hải Dương làm 3 khoảng thì khoảng đầu Hà Nội phải có tư duy ấy đến khi bắt đầu sóng vào Hà Nội là đợt giải cứu thì Hà Nội bắt nhịp cùng. Nhưng do tư duy Hải Dương là chuyện của Hải Dương, chuyện của tôi không phải lo, cho nên sinh ra ứ thừa.
Tiêu thụ nông sản là khâu khó nhất. Tiêu thụ cần 3 yếu tố: sản phẩm, hệ thống phân phối, nguồn nhân lực, thì nông sản của các địa phuong trong cả nước đang đang mắc ở khâu thiếu hệ thống. Các siêu thị không mua vì không đáp ứng tiêu chuẩn. Hơn nữa nếu có vào được thì chiết khấu quá cao. Với chợ dân sinh lớn đều có đầu lậu, hoa quả nhập khẩu phải qua tay họ, có đến được chỉ là xe thồ đứng ngoài. Vấn đề đặt ra là cần có các cửa điều hành, chỉ dẫn.
Bên cạnh đó, cần có liên minh giữa các hợp tác xã để điều phối các vùng sản xuất lớn. Các hợp tác xã ngồi bàn lại đơn hàng, thoả thuận nguồn lực và đưa ra thị trường, tránh triệt tiêu nguồn lực trên cùng một ngành hàng, tránh phát triển theo kiểu “trăm hoa đua nở”./.
Theo TNVN