Cuối tháng 2, số vốn giải ngân ước đạt 2.200 tỷ đồng, đạt 4,4% so với tổng số kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 5,2% kế hoạch Bộ trưởng giao. Ảnh: KT-ĐT
Nhiều dự án giải ngân đạt kết quả cao
Bộ GTVT nhận định, hoạt động vận tải thời gian qua đã được đảm bảo nhờ sự chủ động của Bộ trong việc theo sát tình hình diễn biến dịch bệnh để đưa ra những chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn phù hợp. Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, dự kiến hết tháng 2/2022, số vốn đầu tư công của ngành GTVT giải ngân khoảng 2.200 tỷ đồng, đạt 4,4% so với tổng số kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 5,2% kế hoạch Bộ trưởng GTVT giao chi tiết.
Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), năm 2022, tổng số kế hoạch vốn Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 50.300 tỷ đồng, gồm 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài và hơn 45.400 tỷ đồng vốn trong nước. Kết quả giải ngân sẽ tập trung ở các dự án cao tốc, các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách và các dự án trọng điểm.
Một số chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án có kết quả giải ngân đạt tương đối cao trong 2 tháng đầu năm 2022 như Ban Quản lý dự án Thăng Long giải ngân đạt 9% kế hoạch vốn; Ban Quản lý dự án Đường sắt giải ngân đạt 15%; Ban Quản lý các dự án Đường thủy giải ngân 10%...
Nhận định về những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GTVT trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, áp lực giải ngân năm 2022 rất lớn. “Khối lượng giải ngân hơn 50.000 tỷ đồng trong năm 2022 là rất lớn, chúng ta không có đường lùi mà chỉ có thể tìm giải pháp bứt tốc ngay từ đầu năm” – Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói.
Phân tích kỹ nguyên nhân, tìm hướng tháo gỡ
Để đảm bảo công tác giải ngân đạt hiệu quả cao, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư giải ngân chậm cần phải phân tích kỹ nguyên nhân, tìm hướng giải quyết. Ông Thể khẳng định sẽ xử lý ngay cán bộ, điều chuyển công việc, tuyệt đối không xuề xòa đối với đơn vị giải ngân không đáp ứng yêu cầu, làm mất uy tín của ngành.
Về các dự án trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu từ nay đến ngày 15/3, phải dồn lực hoàn thiện báo cáo các dự án cao tốc phải trình Quốc hội xem xét. Từ sau ngày 15/3 đến trước ngày 20/5 phải hoàn thành trình phê duyệt các dự án nhóm B, C. “Nếu xảy ra chậm trễ, người đứng đầu các Ban Quản lý dự án phải chịu trách nhiệm” – ông Thể nói.
Đặc biệt, dù khẳng định tiến độ dự án, kết quả giải ngân là nhiệm vụ quan trọng song lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị phải đặt chất lượng công trình lên hàng đầu. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, cần thiết ban hành quy định mới để gắn trách nhiệm của các Ban Quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn… trong quá trình triển khai, nhất là tại dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc – Nam.
Các Ban Quản lý dự án phải tập trung tối đa nhân lực để tháo gỡ các khó khăn. Đối với các dự án đã có nhà thầu, vốn đã bố trí sẵn nếu Ban Quản lý dự án không tập trung tháo gỡ về mặt bằng, không đưa ra giải pháp cắt hợp đồng đối với các nhà thầu vi phạm… chắc chắn dự án sẽ chậm tiến độ. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục phối hợp, tham mưu để làm tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT.
Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, trong số 10 dự án đang tổ chức thi công, 6 dự án đang thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp nền đường khoảng 12,59 triệu mét khối. Cụ thể, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 thiếu 0,7 triệu mét khối; Diễn Châu - Bãi Vọt thiếu 2,92 triệu mét khối; đoạn Cam Lộ - La Sơn thiếu 0,37 triệu mét khối; đoạn Nha Trang - Cam Lâm thiếu 3,3 triệu mét khối; đoạn Cam Lâm -Vĩnh Hảo thiếu 2,3 triệu mét khối; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết thiếu 3 triệu mét khối./.
Theo Kinh tế và Đô thị