Trong cái khó ló cơ hội
Ông Trần Văn Long vốn là CEO của Công ty cổ phần Truyền thông Du Lịch Việt, chuyên hoạt động trong lĩnh vực du lịch nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, cũng như hàng ngàn doanh nghiệp trong ngành, công ty du lịch của ông đã phải "đóng băng" mọi hoạt động vì cú sốc COVID-19 năm 2020.
Ông Long kể, thời điểm đó cũng là lúc cơn sốt khẩu trang diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà ở phạm vi thế giới. Các đối tác kinh doanh của ông liên tục chia sẻ những câu chuyện, mong muốn được tiếp cận sản phẩm này từ Việt Nam. Vốn là người có tính không chịu ngồi yên và không ngại thử thách, ông Long nghĩ tại sao không thử làm khẩu trang để vừa chung tay cùng cả nước chống dịch, lại vừa tạo công ăn việc làm cho đội ngũ nhân sự của mình.
Nghĩ là làm, ngay sau khi Việt Nam công bố giãn cách xã hội chống dịch vào tháng 4/2020, ông Long đã bắt tay vào tìm đối tác để nhập máy móc, dây chuyền sản xuất làm khẩu trang và thành lập công ty CP Y tế Ecom Med. Tuy nhiên, do “tay ngang” bước chân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, lại không có nền tảng nhà xưởng máy móc hay nhân công nên công ty mới đã gặp không ít khó khăn.
Theo ông Trần Văn Long, cái khó nhất khi làm khẩu trang là chất lượng hàng hóa, các loại giấy tờ pháp lý để có thể đem hàng đi xuất khẩu, chưa kể vốn liếng đầu tư dây chuyền máy móc hàng ngàn tỷ đồng. Ngoài các vấn đề này thì việc làm thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm ở thị trường nước ngoài cũng không hề đơn giản bởi thời điểm đó, các quốc gia như Mỹ hay EU có tốc độ lây nhiễm COVID -19 tăng chóng mặt, việc di chuyển của người dân vô cùng khó khăn.
Công suất các nhà máy của Ecom Med có thể đạt 5 triệu khẩu trang/ngày, đảm bảo cung ứng đầy đủ cho thị trường trong nước với giá ổn định và đem đi xuất khẩu. Ảnh: TTXVN
Ông Trần Văn Long kể: "Để có vốn, tôi đi vay ngân hàng. Nhưng chuyện vay thật không dễ dàng gì vì công ty còn quá mới, chưa đủ cơ sở để đảm bảo yêu cầu. Vì vậy, đi đến đâu ngân hàng cũng lắc đầu. Cuối cùng, tôi đã nghĩ tới việc kêu gọi đầu tư, góp vốn cùng làm và may mắn nhận được ủng hộ của đối tác, bạn bè. Thời điểm đó, việc nhập được một dây chuyền hoàn chỉnh là điều không thể. Vì thế, chúng tôi đã phải nhập từng thiết bị riêng lẻ ở các nước khác nhau như Nhật Bản, Đức… rồi sau đó lắp ráp theo đúng các tiêu chuẩn để có thể sản xuất được. Tuy nhiên, khi nhập về máy bị lỗi, không chạy được khiến tôi mất hàng tỷ đồng để tìm được dàn máy vận hành đạt chuẩn châu Âu như bây giờ".
“Tôi không nghĩ sản xuất khẩu trang lại vất vả như vậy vì ngay cả ở khâu nguyên liệu đầu vào, lâu nay Việt Nam đa số phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo đó, nhiều khi đang sản xuất hàng hóa, công ty không đủ nguyên liệu phải tạm dừng lại. Ngoài ra, hàng Việt Nam còn phải cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm của các nước khác... ”, ông Long nhớ lại.
May mắn mỉm cười khi hàng được vào đất Mỹ
"Với bề dày hàng chục năm làm về du lịch, tôi có nhiều bạn bè và có mối quan hệ quốc tế nên các khó khăn được giải quyết khá nhanh. Đầu tiên, chúng tôi hợp tác cùng Ecom Net Việt Nam phân phối độc quyền các sản phẩm khẩu trang y tế, trang phục chống dịch, các sản phẩm y tế dùng một lần... Ngoài ra, chúng tôi bắt đầu tự sản xuất nguyên liệu sản xuất khẩu trang để chủ động được nguồn nguyên liệu ngay tại nội địa. Cũng vì chủ động nguồn đầu vào nên các sản phẩm khẩu trang của tôi có giá thành cạnh tranh và kiểm soát được về mặt chất lượng", ông Trần Văn Long chia sẻ thêm.
Theo ông Trần Văn Long, việc sản xuất khẩu trang là công việc tạm thời qua ngày để chờ dịch qua đi nên không tính làm lớn và chỉ đầu tư vài máy. Nhưng thành công vượt ngoài mong đợi, đến nay công ty của ông Trần Văn Long đã có các nhà máy sản xuất khẩu trang y tế ở quận 12, Củ Chi, Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) và Long An.
Công suất của các nhà máy mỗi ngày đạt 5 triệu sản phẩm, hoạt động 24/24 giờ. Ngoài khẩu trang y tế, công ty còn còn liên kết với các đối tác để phân phối găng tay, áo bảo hộ y tế đi nước ngoài. Bình quân mỗi tháng, công ty Ecom Med xuất khẩu hàng chục container đi Hàn Quốc, Châu Âu, Đức, Thụy Sĩ, Mỹ… và có đơn hàng đến hết năm 2021. Hiện công ty còn đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 500 lao động trong nước.
Đặc biệt, nhận thấy thị trường Mỹ có tiềm năng nên công ty Ecom Med cũng đã quyết định chọn bang Maryland (Hoa Kỳ) để mở một nhà máy sản xuất với quy mô 15.000 m2 sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ, gel rửa tay sát khuẩn, trang thiết bị phòng dịch... Hiện dự án của công ty đã được chính phủ Mỹ phê duyệt và dự kiến trong năm 2021 sẽ đi vào hoạt động.
Sau một năm miệt mài theo đuổi ngành nghề kinh doanh mới, ông Trần Văn Long cho rằng, chặng đường đem hàng vào đất Mỹ là gian nan nhất. Ông kể lại, phía Mỹ vừa thông báo có khoảng 20 công ty xuất khẩu khẩu trang của Trung Quốc đưa sang Mỹ bị đưa vào "danh sách đen" do vi phạm các quy định, tiêu chuẩn về sản phẩm không đạt chất lượng ở thị trường này. Hiện nay, đã có khoảng 40 doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu khẩu trang và thiết bị y tế đưa hàng được vào thị trường Mỹ, còn số doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng vào nước Mỹ không nhiều. Mặt khác, hàng Trung Quốc có giá thành tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn nên sản phẩm của doanh nghiệp Việt đang phải cạnh tranh khốc liệt trên đất Mỹ.
"Tuy nhiên, nhìn lại Việt Nam có lợi thế lớn nhất là an toàn, uy tín và trung thực trong câu chuyện phòng chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua. Cho nên, dù "cuộc chiến" này không dễ dàng nhưng doanh nghiệp Việt nào có thể ký được hợp đồng xuất khẩu với Mỹ là thành công rất lớn, khi nhu cầu và triển vọng thị trường trong năm 2021 ở Mỹ vẫn còn nhiều dư địa. Trong số ít những công ty đem hàng qua Mỹ thành công thì có công ty Ecom Med", ông Trần Văn Long vui vẻ cho biết thêm.
"Chỉ sợ doanh nghiệp Việt Nam không đủ sức làm, không chỉ Mỹ mà cả châu Phi, châu Âu đều là những thị trường rộng lớn, tiềm năng của các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang trong nước. Cụ thể, muốn xuất hàng qua Mỹ, mỗi loại khẩu trang 3 lớp, 4 lớp, N95… phải đáp ứng hàng loạt tiêu chí, tiêu chuẩn, chứng chỉ cho từng sản phẩm giống như các loại "visa" cho từng mục đích. Thực tế, Việt Nam cũng có rất nhiều doanh nghiệp đã, đang muốn xuất khẩu khẩu trang y tế, thiết bị y tế qua Mỹ nhưng không phải công ty nào cũng đáp ứng được. Nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt không tìm hiểu kỹ quy định, điều kiện, tiêu chuẩn… nên khi đưa hàng sang kiểm định không đạt hoặc hàng mẫu thì chất lượng rất tốt, nhưng khi xuất khẩu đồng loạt với số lượng lớn lại không đồng đều, không ổn định... nên hàng hóa thường bị trả lại, không được kí hợp đồng", ông Trần Văn Long nói.
Nhìn về chặng đường tương lai sắp tới, ông Trần Văn Long cho biết, vẫn xác định tiếp tục sản xuất khẩu trang lâu dài và theo hướng ổn định bền vững để khẳng định sản phẩm khẩu trang, thiết bị bảo hộ y tế... sản xuất tại Việt Nam không kém gì các nước trên thế giới./.
Nguồn TTXVN