Cho đến nay, còn nhiều doanh nghiệp chưa định hình được cần phải làm những gì để điều chỉnh phát thải hợp lý cho sản phẩm bán ra theo yêu cầu khách hàng nhưng đây là xu thế tất yếu nên tất cả đều phải khắc phục, tiếp tục thực hiện đúng tiêu chỉ để theo thị trường.
* Cải thiện doanh nghiệp
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2023, cả nước hiện có hơn 1.900 doanh nghiệp kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/1/2022, về việc ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; trong đó, có các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Với số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường xuất khẩu hiện nay vẫn còn ít và điều kiện xuất khẩu bắt buộc doanh nghiệp phải nâng tầm kiểm soát cơ chế điều chỉnh biên giới carbon trong mỗi sản phẩm xuất khẩu.
Theo Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, tùy theo hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp mà danh sách doanh nghiệp điều chỉnh biên giới carbon có thể tăng lên 3.000 doanh nghiệp vào cuối năm 2024, để đáp ứng được quy định về tín chỉ carbon của châu Âu.
Quy định này tác động trực tiếp vào nhiều doanh nghiệp và nhiều ngành hàng, cho dù ngành chế biến xuất khẩu gỗ cũng đã có nhiều chuyển đổi trong công nghệ cũng như sử dụng năng lượng sinh khối thay cho năng lượng truyền thống cũng phải đối diện với nhiều thách thức không nhỏ cần được xử lý để đảm bảo hoạt động sản xuất.
"Vấn đề mấu chốt trong cuộc chơi điều chỉnh biên giới carbon phụ thuộc vào nhận thức của doanh nghiệp tham gia vào thị trường xuất khẩu. Do đó, số lượng doanh nghiệp tham gia vào điều chỉnh carbon có tăng lên hay không, là sự điều chỉnh, chuyển đổi sản xuất của mỗi doanh nghiệp. Sau thời gian châu Âu đưa ra cơ chế này, có 3 nhóm ngành lớn bị tác động là nông lâm ngư nghiệp, sản xuất và logistics.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhóm nông lâm ngư đi nhanh hơn so với các mô hình khác. Hiện nay cũng đã có những mô hình được thẩm định bởi quốc tế và được cấp chứng chỉ tín chỉ carbon như mô hình trồng lúa phát thải thấp, mô hình cà phê phát thải thấp, hay câu chuyện của ngành tôm", bà Thủy cho biết thêm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, hiện nay người tiêu dùng thế giới không chỉ mua sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam mà còn mua cách làm ra sản phẩm đó. Bấy lâu nay nông dân Việt Nam cũng dần có sự thay đổi trong tư duy sản xuất, chẳng hạn như sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc,… qua các chứng nhận GlobalGAP hoặc các chứng nhận của từng thị trường cụ thể.
Tất nhiên không phải thị trường nào cũng đều như vậy. Nhưng cần phải hiểu đòi hỏi của từng thị trường, để quản lý Nhà nước có định hướng đưa nông sản xuất khẩu đi xa hơn, vào các thị trường cao cấp, dần dần phải có tín chỉ carbon, dán nhãn sinh thái, organic....
* Tập trung nguồn lực
Đáp ứng yêu cầu thị trường và duy trì sức sản xuất là hướng đi doanh nghiệp phải thực hiện để phát triển bền vững. Là một trong những ngành hàng có tỷ trọng xuất khẩu đáng kể trong nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp ngành hàng chế biến và xuất khẩu gỗ hiện đang tập trung nguồn lực để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh biên giới carbon trong sản xuất.
Theo ông Trần Đức Trí Quang, Giám đốc Dữ liệu FPT IS, Tập đoàn FPT, doanh nghiệp ngành gỗ phải tiếp cận quy trình để tạo ra tín chỉ carbon đáp ứng cho sản xuất, đó là đánh giá phát thải cơ sở 3 năm trước khi thực hiện dự án, đánh giá giảm thải và ước tính tín chỉ từ năm 2, đánh giá tính khả thi, hoàn thành đăng ký, đánh giá độc lập...
Trong số đó, điểm khởi đầu bắt buộc là giá trị phát thải cơ sở 3 năm trước khi thực hiện dự án. Ví dụ, công đoạn dán/ép gỗ hay công đoạn xử lý rác thải từ quá trình sản xuất.
Dù là thống kê công đoạn nào, nhất thiết có 3 việc tuân theo quy trình ISO 14064-1:2018; hai là phạm vi phát thải theo GHG protocol (tên bộ công cụ hướng dẫn tính toán và quản lý lượng phát thải khí nhà kính); chỉ số phát thải cơ bản theo IPCC (Hướng dẫn của ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu).
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên tiến hành áp dụng phương pháp phân tích vòng đời sản phẩm (LCA) theo tiêu chuẩn ISO 14040, 14044 và 14067. Từ đó, giúp doanh nghiệp đạt được 2 mục tiêu giảm phát thải và tối ưu sản xuất.
Chuyển đổi xanh và điều chỉnh biên giới carbon đang là vấn đề cấp bách của doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, doanh nghiệp gỗ nói riêng. Đến năm 2027, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bắt buộc phải hoàn thiện quy trình điều chỉnh carbon này, mới có thể đưa hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn giảm phát thải khí nhà kính vào châu Âu và Mỹ.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, doanh nghiệp buộc phải thay đổi cách quản lý, sử dụng công cụ, vật liệu thân thiện hơn với môi trường. Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu gỗ, nên chắc chắn được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi xanh.
Doanh nghiệp nào đi tiên phong trong chuyển đổi xanh sẽ có nhiều cơ hội hơn, tiếp cận sớm hơn với nguồn vốn quốc tế. Từ đó, sẽ giúp doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam duy trì và gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, khi chuyển đổi thành công, doanh nghiệp có cơ hội lớn để từng bước tham gia vào thị trường carbon thông qua việc cung cấp tín chỉ carbon, tạo thêm nguồn thu nhập cho doanh nghiệp, bởi nhu cầu tín chỉ carbon trên thế giới đang ngày càng lớn.
Theo BNews