Hàng loạt vụ tập kích qua lại lẫn nhau giữa Israel và Hezbollah đã xảy ra trong những ngày sau loạt vụ nổ thiết bị liên lạc ở Lebanon, đỉnh điểm là trận không kích quy mô lớn của Israel vào miền đông và miền nam Lebanon hôm 23/9, khiến hơn 500 người thiệt mạng và hơn 1.800 người bị thương.
Câu hỏi nhiều người đặt ra là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang tính toán điều gì, nhất là khi xung đột ở Dải Gaza vẫn chưa có lối thoát và tình trạng bạo lực ở Bờ Tây đang gia tăng.
Làm suy yếu Hezbollah
Giới quan sát cho rằng mục tiêu đầu tiên của chiến dịch không kích là làm suy yếu Hezbollah, nhóm đối đầu với Israel hàng thập kỷ qua.
Các quan chức Israel giải thích rằng đợt tập kích mới vào Lebanon nhằm giải quyết tình hình căng thẳng ở miền bắc đất nước. Ước tính hơn 67.000 người Israel phải rời bỏ nhà cửa ở khu vực này do các cuộc phóng rocket của Hezbollah, cũng như lo ngại về nguy cơ bị đột kích và bắt cóc như Hamas từng làm hồi tháng 10/2023.
Giới chức Israel tuyên bố không thể chấp nhận phải từ bỏ sử dụng một phần lãnh thổ như vậy. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cư dân ở miền bắc Israel khó có thể đủ can đảm trở về nhà nếu mối đe dọa Hezbollah không bị đẩy lùi ra xa biên giới.
Nhà phân tích chính trị Israel Michael Horowitz cho biết Thủ tướng Netanyahu muốn gây áp lực, buộc Hezbollah đồng ý ngừng tấn công biên giới ngay cả khi không có thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza.
"Tôi nghĩ chiến lược của Israel rất rõ ràng, đó là từng bước gây áp lực lên Hezbollah, tấn công mạnh mẽ hơn để buộc họ suy nghĩ lại về chiến lược đoàn kết với Hamas", Horowitz nói.
Đại tá về hưu Miri Eisen, thành viên cấp cao tại Viện chống khủng bố quốc tế thuộc Đại học Reichman ở Israel, cho rằng Tel Aviv coi tăng hoạt động quân sự chống Hezbollah là bước thiết yếu để đạt thỏa thuận nhằm giảm leo thang.
"Giới lãnh đạo Israel cho rằng 'thứ ngôn ngữ' duy nhất Hezbollah lắng nghe là vũ lực và sức mạnh, nên những hành động chống lại họ cần phải mạnh tay. Tôi ước mọi chuyện khác đi, nhưng chưa thấy giải pháp nào ngoài hành động quân sự", Eisen nói.
Giới chức Israel cho biết đang tập trung cho hoạt động trên không, nhưng Eisen dự đoán Tel Aviv sẽ tiến hành chiến dịch trên bộ để đạt mục tiêu lớn hơn: Đảm bảo Hezbollah không thể thực hiện điều tương tự cuộc đột kích của Hamas ngày 7/10/2023. "Tôi nghĩ có khả năng diễn ra chiến dịch trên bộ vì Israel cần đẩy Hezbollah ra xa biên giới", bà Eisen nhận định.
Tư lệnh quân đội Israel Herzi Halevi hôm 25/9 nói rằng những đợt không kích dữ dội nhằm vào Lebanon những ngày qua để "tiếp tục làm suy yếu Hezbollah, cũng như chuẩn bị thực địa cho khả năng tiến quân vào khu vực". Tướng Ori Gordin, chỉ huy Bộ tư lệnh miền Bắc của Israel, cùng ngày khẳng định nước này phải chuẩn bị đầy đủ cho "quá trình hành quân và cơ động".
Tính toán chính trị
Ngoài mong muốn làm suy yếu Hezbollah, giới quan sát cho rằng mục tiêu chính trị ngắn hạn cũng có thể đã thúc đẩy chính phủ của ông Netanyahu tăng cường tập kích nhóm vũ trang Lebanon.
Ông Netanyahu vẫn chịu áp lực từ cáo buộc gian lận, tham nhũng, làm xói mòn niềm tin và dự kiến dự phiên xét xử cáo buộc tham nhũng vào đầu tháng 12. Ông bị truy tố từ hồi tháng 1/2020 và phiên tòa bắt đầu sau đó vài tháng.
"Nhiều người cho rằng tình trạng xung đột kéo dài sẽ giúp ông tiếp tục nắm quyền và trì hoãn việc xét xử", Bronwen Maddox, nhà phân tích của tổ chức Chatham House ở Anh, cho hay.
Tình trạng căng thẳng này cũng có thể khiến các thành viên cứng rắn trong nội các của ông Netanyahu, đặc biệt là Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh Nội địa Itamar Ben-Gvir, thúc đẩy mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây.
Israel chiếm giữ Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza trong chiến tranh Arab - Israel năm 1967. Theo luật pháp quốc tế, việc Israel lập khu định cư ở những vùng lãnh thổ của người Palestine là bất hợp pháp.
Bất chấp sự phản đối từ nước ngoài, Israel đã xây dựng hàng chục khu định cư trên khắp Bờ Tây những thập kỷ gần đây. Đây là nơi sinh sống của hơn 490.000 người Israel, cùng khoảng ba triệu người Palestine. Một phần Bờ Tây được kiểm soát và đảm bảo an ninh bởi Chính quyền Palestine do Tổng thống Mahmoud Abbas đứng đầu.
Maddox cho hay nhiều lãnh đạo phương Tây lo ngại Israel đang sử dụng chiến dịch ở Gaza và căng thẳng với Hezbollah để đánh lạc hướng chú ý của dư luận quốc tế về vấn đề Bờ Tây.
Nhắm vào Iran
Mục tiêu chiến lược lớn hơn của Israel có thể là chống lại Iran, lãnh đạo "trục kháng chiến" gồm các nhóm vũ trang như Hezbollah, Hamas và Houthi.
Tehran được cho là đã tăng cường kho vũ khí hạt nhân từ sau khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên "Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện" (JCPOA). Israel từ lâu kiến nghị chính quyền Mỹ tấn công các cơ sở hạt nhân Iran hoặc hỗ trợ chiến dịch của Israel, song Washington luôn khước từ.
Tổng thống Isaac Herzog cuối tuần qua tuyên bố Israel sẽ "loại bỏ bất kỳ mối đe dọa nào hiện hữu đối với quốc gia" và mô tả Iran như "đất nước của cái ác". Bình luận này gây chú ý, do ông Herzog được đánh giá là ôn hòa và không phải người ủng hộ nhiệt thành Thủ tướng Netanyahu.
Đối với những quốc gia đang nỗ lực ngăn nguy cơ chiến tranh khu vực, điều họ lo ngại là Israel có thể dùng cuộc tập kích vào Lebanon để mở cánh cửa cho chiến dịch tấn công các cơ sở hạt nhân Iran.
"Israel có thể hy vọng rằng sau khi vô hiệu hóa Hezbollah tới mức cần thiết trong những tháng tới, họ sẽ 'rảnh tay' đối phó Iran mà không cần phải lo lắng về biên giới phía bắc", Maddox nhận định.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cảnh báo đây là chiến lược đầy rủi ro. Leo thang xung đột ở phía bắc hoặc phía đông Israel sẽ không mang lại giải pháp để giải quyết xung đột ở Gaza.
Cuộc đàm phán ngừng bắn và thả con tin giữa Israel và Hamas không tiến triển tốt, theo quan chức phương Tây. Mỗi bên đã thêm điều kiện đàm phán mới. Israel muốn duy trì kiểm soát "hành lang Philadelphi" dọc biên giới Gaza - Ai Cập, trong khi Hamas muốn tăng số lượng tù nhân trao đổi.
Nếu không có lệnh ngừng bắn, triển vọng về một nhà nước của người Palestine cũng trở nên u ám. Điều đó khiến Israel có nguy cơ đánh mất thêm ủng hộ từ quốc tế. Ngoài ra, xung đột lan rộng cũng khiến Israel mất cơ hội bình thường hóa quan hệ với Arab Saudi, vốn được xem là cánh cửa giúp Tel Aviv nhận được giúp đỡ từ các nước láng giềng trong nỗ lực ngăn chặn mối đe dọa từ Iran.
Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu cùng nội các của ông lúc này dường như không lo lắng quá nhiều về điều đó. Phát biểu khi đến thăm một căn cứ tình báo Israel ngày 24/9, ông Netanyahu khẳng định "chúng ta sẽ tiếp tục tấn công Hezbollah".
Nguồn: vnexpress.net