Trong cuộc gặp trọng tâm giữa các nhà lãnh đạo quốc phòng, an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sự xuất hiện bất ngờ của Tổng thống Ukraine đặt ra câu hỏi về nỗ lực của Kiev trong việc tìm kiếm sự ủng hộ ở khu vực.
Không khí xôn xao tại sảnh khách sạn Shangri-La, Singapore ngày 1/6 khi có thông tin về một “vị khách bất ngờ” đang đến. Cuối cùng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xuất hiện, trong chiếc áo màu xanh quen thuộc. Dàn ống kính chào đón ông, đánh dấu sự kết thúc thú vị cho ngày thứ hai của Đối thoại Shangri-La.
Sự tham dự bất ngờ của ông Zelensky tại diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á đã khiến các cuộc thảo luận tập trung sang xung đột Nga – Ukraine. Ông dường như muốn chứng minh một cách mạnh mẽ rằng các vấn đề an ninh ở châu Âu và châu Á cũng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Tướng Carsten Breuer, Bộ trưởng Quốc phòng Đức bình luận: “Tôi nghĩ việc ông Zelensky có mặt ở đây là điều hết sức quan trọng. Đây là diễn đàn để ông ấy thực sự nói cho mọi người biết tình hình đang căng thẳng như thế nào và cuộc chiến đang gây ra hậu quả gì đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, không chỉ ở khu vực đó, không chỉ ở Ukraine và châu Âu, mà còn trên thế giới”.
Mối liên hệ phức tạp
Trên thực tế, mối liên hệ giữa các vấn đề an ninh Á-Âu không phải lần đầu được nhắc đến. Song dường như phải đến khi ông Zelensky xuất hiện ở Singapore, mới thu hút được sự chú ý về mối liên hệ giữa cuộc xung đột ở châu Âu với châu Á-Thái Bình Dương.
Một vấn đề được hầu hết các đại biểu quan tâm là mối quan hệ của Trung Quốc với Nga. Và liệu phái đoàn Trung Quốc có gặp ông Zelensky khi ông ở Singapore hay không. Tổng thống Ukraine đã đi rất xa để đến dự hội nghị, ngay cả khi các cuộc tấn công trên chiến trường đang bước vào những giai đoạn quan trọng.
Vài ngày trước Đối thoại Shangri-La, Trung Quốc đã nói rằng sẽ “khó” tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ mà Ukraine hậu thuẫu, nếu Nga không tham dự.
Ông Zelensky sau đó tiết lộ trong cuộc họp báo ngày 2/6 rằng ông không gặp được bất kỳ quan chức Trung Quốc nào ở Singapore.
Thông điệp có đến đích?
Con đường ngoại giao sẽ có hiệu quả nhưng cần có ý chí và sự ủng hộ của cộng đồng toàn cầu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tại Đối thoại Shangri-La hôm 2/6.
Trong bài phát biểu nhằm thu hút sự ủng hộ cho tầm nhìn của ông về các điều kiện cần thiết để chấm dứt chiến tranh - đặc biệt là từ các nước châu Á - ông Zelensky kêu gọi các nhà lãnh đạo tập trung tại diễn đàn an ninh hàng năm tại Singapore hãy đích thân tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Ukraine hậu thuẫn sắp tới.
Tuy nhiên, khi sự tham gia của các “nhân vật chính” không được đảm bảo, chưa rõ những nỗ lực của Ukraine sẽ đem lại kết quả như thế nào.
Việc ông Zelensky xuất hiện tại diễn đàn an ninh châu Á tạo bất ngờ một phần vì các chủ đề tại diễn đàn thường được nhắc đến là các vấn đề khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cạnh tranh Mỹ - Trung, bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, Đài Loan... Chỉ mới trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại diễn đàn đã tái khẳng định Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu với an ninh quốc gia của Mỹ.
Đây mới chỉ là lần thứ 2 ông Zelensky xuất hiện tại châu Á từ khi xung đột Nga – Ukraine bắt đầu, đều là những cuộc gặp không báo trước. Năm 2023, ông cũng có mặt tại Nhật Bản trong một sự kiện quốc tế, nhưng khi đó là cuộc họp của nhóm G7. Một thông cáo chung do các nước G7 ban hành khi đó tập trung chủ yếu vào cuộc chiến của Nga, điều mà khối này "lên án bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất có thể".
Năm 2022, ông cũng có bài phát biểu trực tuyến tại Shangri-La, mặc áo phông xám với hình minh họa có màu xanh và vàng của cờ Ukraine.
Trở lại thời điểm ông Zelensky đến Singapore lần này, màn xuất hiện được cho là phần nào làm lu mờ chương trình nghị sự, bên cạnh đó “lấy mất diễn đàn” của Trung Quốc.
Ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng của Đối thoại Shangri-La thường là thời điểm Trung Quốc đưa ra lời cuối cùng tại phiên họp toàn thể sớm. Điều này tạo cơ hội cho các đại biểu Trung Quốc phản ứng với Mỹ. Năm nay, những lời cảnh báo của đại biểu Trung Quốc về Đài Loan phần nào bị ảnh hưởng bởi những thông tin ông Zelensky sắp xuất hiện.
Tuy nhiên, được chào đón nồng nhiệt cũng không thể giúp Tổng thống Ukraine có được sự cam kết của các nhà lãnh đạo châu Á trong việc tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sỹ.
Trong diễn biến mới nhất, sau chuyến thăm tại Singapore, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong và Tổng thống Ukraine Zelensky đã chứng kiến lễ ký kết Thỏa thuận dịch vụ hàng không Ukraine-Singapore giữa Bộ trưởng Giao thông vận tải Chee Hong Tat và Đại sứ Ukraine tại Singapore Kateryna Zelenko. Tại cuộc gặp, hai bên tái khẳng định mối quan hệ nồng ấm và hữu nghị giữa Singapore và Ukraine.
Tiếp đó, ông Zelensky lại bất ngờ đặt chân đến Philippines để trực tiếp mời Tổng thống Marcos đến hội nghị ở Thụy Sỹ, sau khi được cho là “bỏ lỡ” đại diện của Philippines tại Shangri-La. Trong một tuyên bố sau đó, ông Zelensky hàm ý rằng phía Philippines đã nhận lời, song Manila chưa chính thức lên tiếng về thông tin này.
Chuyên gia Trung Quốc: Cần tránh 'bẫy đối đầu'
Theo các chuyên gia Trung Quốc trả lời trên tờ Global Times, "thúc giục hòa bình và thúc đẩy đối thoại" là cách khả thi nhất để giải quyết các cuộc xung đột, thay vì làm trầm trọng thêm tình hình và tham gia vào "các cuộc chiến ủy nhiệm". Bên cạnh đó, các nước châu Á "cần tránh bẫy đối đầu" nguy hiểm trong khu vực.
"Cuộc đối thoại Shangri-La nên là một hội nghị nơi Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như các quốc gia khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tìm kiếm sự đồng thuận để tránh các cuộc xung đột trong khu vực", chuyên gia Trung Quốc nói.
Nguồn: vtcnews.vn