Sáng kiến Văn minh toàn cầu (Global Civilization Initiative- GCI) được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố ngày 15-3-2023 tại Hội nghị đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các đảng chính trị trên thế giới. Trong bài phát biểu, người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định: “Trên khắp thế giới, các quốc gia và khu vực đã lựa chọn những con đường khác nhau bắt nguồn từ nền văn minh độc đáo và lâu đời của họ để tiến hành hiện đại hóa” [1]. Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Một bông hoa không làm nên mùa xuân, trong khi trăm bông hoa đua nở mang đến mùa xuân cho khu vườn” [2].
GCI có 4 nội dung chính: Thứ nhất, ủng hộ, tôn trọng sự đa dạng của các nền văn minh; Thứ hai, ủng hộ những giá trị chung của nhân loại (hòa bình, phát triển, công bằng, chính nghĩa, dân chủ và tự do); Thứ ba, ủng hộ tầm quan trọng của việc kế thừa và đổi mới các nền văn minh; Thứ tư, ủng hộ giao lưu và hợp tác quốc tế để thúc đẩy sự tiến bộ của văn minh nhân loại [3]. Như vậy, xét về nội dung, GCI nhấn mạnh sự đa dạng của các nền văn minh và không áp đặt giá trị của nền văn minh này lên các nền văn minh khác.
Thứ nhất, GCI là “sự phản ứng” chiến lược, một “công cụ” của Trung Quốc trước sự tấn công của văn minh phương Tây.
GCI ra đời trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung diễn ra gay gắt, trong đó Mỹ và phương Tây có nhiều cáo buộc cho rằng nền chính trị của Trung Quốc là độc tài, thiếu dân chủ và vi phạm nhân quyền. Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào tháng 5-2022 về cách tiếp cận của chính quyền Mỹ đối với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho rằng Trung Quốc đã có những vi phạm nhân quyền, tôn giáo ở khu vực Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông [4]. Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ năm 2022 xác định bản chất của cạnh giữa Mỹ và phương Tây với Trung Quốc và Nga là “cạnh tranh giữa các nền dân chủ và chế độ độc tài” [5].
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đề cao giá trị dân chủ, sử dụng dân chủ như một công cụ để tập hợp lực lượng, nâng cao ảnh hưởng quốc gia. Cuối năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Mỹ triệu tập và chủ trì Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ (Summit for Democracy) theo hình thức trực tuyến, thu hút hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia [6]. Sau đó, đầu năm 2023, Mỹ lại lên kế hoạch Tổ chức Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ lần thứ 2 vào ngày 28/3/2023 với danh sách khách mời lên đến 121 quốc gia và vùng lãnh thổ [7] (cả hai hội nghị này Mỹ đều không mời Trung Quốc). Các Hội nghị này không chỉ nhằm thúc đẩy dân chủ theo quan điểm của Mỹ và phương Tây mà còn nhắm đến mục tiêu hạ thấp uy tín của Trung Quốc.
Trước sự chỉ trích của Mỹ và phương Tây, Trung Quốc đã hoàn toàn bác bỏ các cáo buộc đó, khẳng định Trung Quốc không vi phạm dân chủ và nhân quyền. Giới chính khách và học giả Trung Quốc còn cho rằng nền dân chủ phương Tây chỉ mang tính giả hiệu và nhất thời (trong giai đoạn bầu cử) còn nền dân chủ ở Trung Quốc là nền dân chủ nhân dân đích thực, toàn diện, toàn quá trình, thể hiện ở tất cả các khâu gồm bầu cử dân chủ, hiệp thương, ra quyết định, quản lý và giám sát. Nền dân chủ này tích hợp dân chủ định hướng quá trình với dân chủ định hướng kết quả, dân chủ thủ tục với dân chủ thực chất, dân chủ trực tiếp với dân chủ gián tiếp và dân chủ nhân dân với ý chí của nhà nước. Đó là mô hình dân chủ xã hội chủ nghĩa bao trùm mọi khía cạnh của tiến trình dân chủ và mọi thành phần của xã hội. Đó là nền dân chủ đích thực và chất lượng cao [8].
Có thể khẳng định rằng, hiện nay các chính khách và học giả các nước khác nhau có nhiều tranh cãi khi so sánh nền dân chủ của Mỹ và phương Tây với nền dân chủ ở Trung Quốc. Nhưng có một sự thật là việc chỉ trích, cáo buộc của Mỹ và phương Tây đã tạo ra sức ép và thách thức đối với Trung Quốc. Có lẽ cũng vì thế mà GCI đã nhấn mạnh rằng, mỗi quốc gia có một hệ giá trị riêng, một nền văn hóa riêng, các nước cần tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
GCI kêu gọi tôn trọng sự đa dạng của các nền văn minh thế giới, phản đối việc áp đặt các giá trị của quốc gia này lên quốc gia khác. Các luận điểm đó vừa hướng đến mục tiêu bảo vệ những giá trị riêng biệt của quốc gia mình vừa lên tiếng tấn công lại sự chỉ trích của Mỹ và phương Tây. GCI được nêu ra ở thời điểm chỉ 2 tuần trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ lần thứ hai tại Mỹ. Điều đó càng cho phép nhận định rằng, GCI là sự phản ứng chiến lược của Trung Quốc trước sự tấn công của văn minh phương Tây. Nói cách khác, có thể coi đó là một công cụ có tính chất phòng vệ của Trung Quốc trước sự tấn công của văn minh phương Tây .
Thứ hai, GCI là công cụ tập hợp lực lượng và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc
GCI không chỉ đơn thuần là một sự phản ứng hay một công cụ phòng vệ trước sự tấn công của văn minh phương Tây, đặc biệt là những cáo buộc về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo mà còn là một công cụ để tập hợp lực lượng và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Với việc nhấn mạnh sự đa dạng và cần tôn trọng các nền văn minh khác nhau, Trung Quốc không chỉ thể hiện vai trò là người “bênh vực” các quốc gia có nhiều giá trị và bản sắc riêng, khác biệt với phương Tây, nhất là đối với các nước đang phát triển ở Nam bán cầu. Do đó, thông qua GCI, Trung Quốc hướng đến mục tiêu nhận được thiện cảm và ủng hộ của nhiều nước trên thế giới. Điều đó vừa làm giảm sức ép trước các cáo buộc của phương Tây, vừa làm tăng vị thế của Trung Quốc.
Ở khía cạnh khác, GCI là một sáng kiến thuộc lĩnh vực mới, lĩnh vực văn hóa - văn minh. Sáng kiến này có thể giúp Trung Quốc trở thành một quốc gia lãnh đạo các nước đang phát triển trên con đường hiện đại hóa. GCI không phải là một hệ tư tưởng theo quan niệm truyền thống, nó đề ra những nguyên tắc, chuẩn mực, luật chơi trong quan hệ quốc tế cũng như dẫn dắt sự phát triển của nhân loại. Sáng kiến này chú trọng vào các quốc gia đang phát triển, do đó được xem là một công cụ mới để Trung Quốc có thể tập hợp lực lượng trên lĩnh vực văn hóa, văn minh chống lại sự áp đặt những giá trị về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo mà phương Tây đang tiến hành. Thông qua GCI, Trung Quốc hướng tới vai trò “lãnh đạo”, “dẫn dắt” thế giới không chỉ trên phương diện kinh tế, an ninh mà còn cả trên phương diện văn hóa, tư tưởng để trở thành một cường quốc dẫn dắt thế giới một cách toàn diện.
Việc đề cao sự khác biệt giữa các nền văn minh, ủng hộ bản sắc riêng, tôn trọng quá khứ và coi trọng đổi mới, thông qua GCI, Trung Quốc dường như cũng muốn khẳng định với thế giới rằng, Trung Quốc là một nền văn minh lớn trên thế giới, đã từng phát triển rất rực rỡ trong lịch sử và được thế giới thừa nhận rộng rãi. Với ý nghĩa đó, GCI còn là tiền đề để Trung Quốc phát huy sức mạnh mềm văn hóa dân tộc./.
TS Nguyễn Văn Chuyên
[4] Antony J. Blinken (2022), “The Administration’s Approach to the People’s Republic of China”, https://www.state.gov/the-administrations-approach-to-the-peoples-republic-of-china/, ngày 26/5/2022.
[5] The White House (2022), National Security Strategy, p.8, https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2022/10/Biden-Harris-Administrations-National-Security-Strategy-10.2022.pdf
[6] Bình Nguyên, Hoàng Ly, “Đánh giá nền dân chủ không thể dựa vào một…hội nghị”, https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/danh-gia-nen-dan-chu-khong-the-dua-vao-mot-hoi-nghi-i637777/, ngày 13/12/2021.