Trả lời:
Khi nói tổ chức cơ sở đảng tức là để chỉ một tổ chức đảng được thành lập ở cấp cơ sở, nhưng tổ chức đảng này phải trực thuộc một đảng bộ cấp huyện và tương đương, tức trực thuộc một tổ chức đảng trên cơ sở.
Do đó, tiêu chí để xem đó là tổ chức cơ sở đảng hay không là tổ chức đảng đó phải trực thuộc đảng bộ cấp quận huyện và tương đương. Tổ chức đảng này có hai loại hình là chi bộ và đảng bộ. Nếu là chi bộ thì đó là chi bộ cơ sở, là đảng bộ thì được gọi là đảng bộ cơ sở. Điều rất dễ để phân biệt là chỉ từ cấp này trở lên thì tổ chức đảng mới có con dấu, kể cả là chi bộ. Các tổ chức đảng có từ 3 đến dưới 30 đảng viên mà trực thuộc đảng bộ cấp quận huyện và tương đương thì thành lập chi bộ cơ sở.
Các tổ chức đảng đứng ở vị trí này và có từ 30 đảng viên trở lên thì thành lập đảng bộ, đảng bộ đó được gọi là đảng bộ cơ sở (đối với các tổ chức đảng ở vị trí này có trên 30 đảng viên nhưng chưa thành lập đảng bộ, dưới 30 đảng viên nhưng vẫn thành lập đảng bộ thì phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền). Hiện nay, có một số tài liệu, bài viết cho rằng tổ chức cơ sở đảng “là cấp cuối cùng của Đảng”. Đó là một cách nhìn nhận chưa chuẩn xác bởi đúng là Điều lệ Đảng quy định Đảng tổ chức theo 4 cấp thì chúng ta có thể quan niệm đây là cấp cuối cùng, nhưng trong thực tế thì không phải vậy. Khoản 1, Điều 21 Điều lệ Đảng hiện hành quy định: “Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở”. Như vậy, tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng chứ không phải là cấp cuối cùng. Thực tế là đối với chi bộ cơ sở thì có thể gọi là cuối cùng, nhưng cũng không nên gọi như vậy bởi chưa chính xác.
Như vậy, ở cấp cơ sở, có các loại hình tổ chức đảng sau đây:
- Đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở (có dấu);
- Đảng bộ bộ phận và chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở (không có dấu);
- Chi bộ trực thuộc đảng bộ bộ phận (không có dấu).
Đối với đảng bộ cơ sở, cơ quan lãnh đạo là đại hội (đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên) của đảng bộ tổ chức 5 năm một lần. Đảng bộ sẽ bầu ban chấp hành đảng bộ (gọi tắt là đảng ủy). Số lượng cấp ủy viên đảng ủy cơ sở không quá 15 đồng chí; số lượng phó bí thư từ 1 đến 2 đồng chí. Tại phiên họp lần thứ nhất, đảng ủy sẽ bầu ban thường vụ.
Điều kiện để đảng ủy bầu ban thường vụ là đảng ủy đó phải có từ 9 thành viên trở lên. Đảng ủy sẽ bầu bí thư, phó bí thư, bầu ủy viên ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra. Thường trực đảng ủy bao gồm bí thư và (các) phó bí thư. Theo quy định, đảng bộ cơ sở trực thuộc đảng bộ cấp quận huyện và tương đương. Tuy nhiên có những đảng bộ cơ sở vì tầm quan trọng hoặc cần lãnh đạo trực tiếp có thể trực thuộc tỉnh ủy và tương đương (ở TP.HCM có nhiều mô hình này). Đối với đảng bộ bộ phận, cơ quan lãnh đạo là đại hội (đại biểu, hoặc đại hội đảng viên) được tổ chức 5 năm một lần. Đại hội sẽ bầu đảng ủy (đảng bộ bộ phận không có ban thường vụ, không bầu ủy ban kiểm tra).
Đối với các chi bộ (bao gồm chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và chi bộ trực thuộc đảng bộ bộ phận), cơ quan lãnh đạo là đại hội chi bộ. Nhiệm kỳ đại hội của chi bộ cơ sở là 5 năm; còn chi bộ trực thuộc 5 năm 2 lần. Chi bộ dưới 9 đảng viên thì chỉ bầu bí thư, nếu cần, từ 7-9 đv thì bầu thêm 1 phó bí thư.
VTK