Trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật - giải trí, chuyện giải thưởng, danh hiệu càng thể hiện rõ vai trò làm động lực, bởi mỗi sản phẩm dù là giải trí theo xu hướng thị trường hay vị nghệ thuật, đều tác động và ảnh hưởng đến đời sống tinh thần người tiếp nhận. Vì thế giải thưởng đôi khi còn là sự định hướng để người thực hành sáng tạo mang đến giá trị tích cực và thiết thực hơn cho cộng đồng quanh mình.
Tranh luận trái chiều quanh các giải thưởng nghệ thuật hay những đợt xét duyệt danh hiệu nghệ sĩ, vốn là chuyện thường tình qua mỗi năm. Ở góc độ chuyên môn, có lẽ không cần phải bàn luận quá nhiều bởi đó là việc của hội đồng với đủ các thành viên từ người trong nghề đến giới phê bình, nghiên cứu… Điều cần quan tâm chính là ý kiến từ công chúng - người trực tiếp đón nhận - cũng như cách mà người làm nghề đặt tiếng nói và quyền khán giả ở đâu?
Với một nền nghệ thuật đang phát triển, trình độ thẩm mỹ cộng đồng không đồng đều là chuyện không tránh khỏi và nó cần thời gian để thay đổi. Chuyện một tác phẩm/sản phẩm ra mắt với đủ chiều ý kiến cũng là lẽ đương nhiên nhưng thái độ giữa người làm nghề và khán giả đôi khi lại là câu chuyện cần bàn.
Một đạo diễn gốc Việt về nước quảng bá phim, tham dự các buổi trò chuyện về điện ảnh hẳn là câu chuyện đáng mừng. Nhưng trước câu hỏi về ý kiến khen chê nội dung phim của khán giả mà bật lại “Anh là ai?” thì liệu có xứng đáng để nhận được sự ủng hộ của khán giả? Hay vài năm trước đây, khi khán giả phản ứng trước chuyện hài nhảm, kém duyên và chuyên giả gái, một nam nghệ sĩ cũng thẳng thừng “xem không được thì tắt tivi”…
Người thực hành sáng tạo có quyền lên tiếng bảo vệ mình và tác phẩm, cũng như khán giả có quyền lựa chọn đón nhận hay khước từ. Nhưng với một tác phẩm nghệ thuật hay sáng tác theo đơn đặt hàng đi chăng nữa thì điểm đến vẫn phải có một bộ phận công chúng nhất định, bằng không chỉ là điều vô nghĩa, không mang lại giá trị tinh thần cũng chẳng có giá trị kinh tế.
Ý kiến khán giả chắc chắn sẽ không đủ tính học thuật như các nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật, cũng không thể đa chiều, nhiều khía cạnh như những người làm nghề nhưng chính điều này cần trân trọng và lắng nghe hơn hết…
Bởi tác phẩm làm ra không có khán giả, không người tiếp nhận thì ai mang đến sự nổi tiếng, lượng người hâm mộ, danh hiệu nghệ sĩ cho người thực hành sáng tạo? Lắng nghe và thay đổi vốn là hai chuyện khác nhau nhưng thái độ trân trọng ý kiến và quyền khán giả mới có thể làm nên một người nghệ sĩ tử tế, trong hành trình đường dài chinh phục nghệ thuật sáng tạo.
Một ví dụ rất dễ thấy, nhạc rap vốn không phải là thế mạnh của thị trường giải trí Việt Nam. Nhưng khi các nghệ sĩ nỗ lực sáng tạo một cách nghiêm túc, nhạc rap đã trở nên rất thu hút trong những năm gần đây. Kể cả giải thưởng Cống hiến cũng bắt đầu ghi nhận những gương mặt nghệ sĩ trong làng nhạc rap. Và cũng có không ít gương mặt nghệ sĩ mà tài năng là không thể phủ nhận nhưng vướng vào những lùm xùm đời tư, thái độ và phát ngôn thiếu cẩn trọng đã bị khán giả quay lưng, tẩy chay.
Bất kể lĩnh vực nào, thái độ cầu thị, sự tôn trọng và lắng nghe từ nhiều phía nếu không thể làm bệ phóng thì ít nhất cũng bớt trở ngại để người làm nghề có thể chạm đến thành công. Nghệ thuật hướng đến thước đo hào quang và danh tiếng chẳng có gì sai nhưng hào quang, danh tiếng đó phải được bồi đắp từ tài năng, quá trình trau dồi, rèn luyện về chuyên môn cũng như tu dưỡng, hoàn thiện về thái độ làm nghề lẫn nhân sinh quan sống.
Nguồn SGGP