Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết chưa nhận được đơn hàng cho năm 2023. Ảnh: Internet
Tồn kho lớn, khách hàng yêu cầu dừng sản xuất
Là một trong những doanh nghiệp may mắn ở thời điểm này còn có đơn hàng để sản xuất, song ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10, chia sẻ đã nhận được khá nhiều thông tin tiêu cực từ khách hàng, trong đó có những khách hàng thân thiết ở các thị trường lớn.
Cụ thể, ông Việt kể: “Tuần trước khi đang dự một sự kiện tại Thái Lan, tôi đã nhận được thông tin từ khách hàng rằng lượng hàng tồn trong kho của họ rất lớn nên các đơn hàng đã đặt của May 10 tạm thời dừng lại, dù chúng tôi đã mua nguyên phụ liệu”.
Đáng lo ngại, Tổng Giám đốc May 10 cho hay khoảng 15% khách hàng của doanh nghiệp yêu cầu chưa vội sản xuất ở thời điểm những tháng đầu năm 2023. Có thể thấy quý I, quý II/2023 được đánh giá là cực kỳ khó khăn với May 10 cũng như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Chưa kể, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục gặp phải sự cạnh tranh gay gắt đến từ các đối thủ đáng gờm như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ. Đáng ngại hơn, nhiều khách hàng Mỹ đang chuyển hướng sang đặt đơn hàng của các nước châu Phi, do chi phí sản xuất rẻ hơn.
Nhìn bức tranh tổng thể ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), cho biết 10 tháng đầu năm, toàn ngành dệt may xuất khẩu được gần 38 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2021. “Ngành dệt may đã xuất khẩu vào 66 nước, vùng lãnh thổ. Đây là sự bứt phá của ngành dệt may Việt Nam trong phát triển thị trường. Cùng với đó, số mặt hàng duy trì xuất khẩu khoảng 47-50 mặt hàng khác nhau vào thị trường toàn cầu và chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu là quần áo may mặc các loại”, ông Vũ Đức Giang thông tin.
Tuy nhiên, VITAS cho rằng, giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022, tình hình xuất nhập khẩu ngành dệt may chững lại do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lạm phát, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc khi Việt Nam đang nhập khẩu trên 40% nguyên phụ liệu từ thị trường này cùng những yêu cầu khắt khe từ phía các quốc gia nhập khẩu về cam kết phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu…
Giai đoạn 2023-2025, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn có nhiều bất ổn, ngành dệt may cần có hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa. Với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là thị trường tiêu thụ dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp dệt may Việt chú trọng xây dựng thương hiệu và khai thác thị trường này.
Dự báo khó khăn lớn hơn trong năm 2023
Theo đại diện Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, tình trạng lạm phát, giảm cầu tiêu dùng tại các thị trường chính, xuất khẩu chủ lực của da giày Việt Nam chắc chắn sẽ ảnh hưởng sức mua trong những tháng cuối năm. Nhiều đơn hàng của ngành da giày thời điểm cuối năm đến đầu năm 2023 của doanh nghiệp cũng bị suy giảm. Trong khi đó, ngành da giày đang tồn kho do việc gián đoạn nguồn cung ứng, giảm nhu cầu tiêu dùng.
Để ứng phó tình trạng trên, Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp buộc phải giảm thời gian tăng ca; đồng thời đàm phán với đối tác để sử dụng lại những đơn hàng trong thời gian dịch bệnh, nhằm duy trì hoạt động, đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Tuy nhiên, các ngành xuất khẩu chủ lực như da giày, thủy sản, đồ gỗ… đang ảnh hưởng khá lớn do tổng cầu nóng lạnh đột ngột.
TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, nhấn mạnh trong bối cảnh này các doanh nghiệp Việt Nam cần phải mạnh dạn ứng dụng công nghệ, tìm kiếm các thị trường mới để "chèo lái" vượt qua biến động của khó lường của kinh tế thế giới.
“Những dự báo khó khăn về thị trường sẽ ngày càng lớn, như Hoa Kỳ đã ban hành Luật Chống lao động cưỡng bức với sản xuất bông sợi, EU đặt tiêu chí phát triển bền vững lên hàng đầu. Những khó khăn này buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải có giải pháp thích ứng tình hình này. Điều này đòi hỏi việc thích ứng rất cao của doanh nghiệp, thay vì tập trung vào thị trường truyền thống cần mở rộng thị trường mới”, ông Khôi nhấn mạnh.
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế ngành và doanh nghiệp (NCIF), cho hay giá cả nguyên vật liệu tăng cao bắt đầu chuyển hóa rõ nét hơn vào chi phí sản xuất trong năm 2023. Theo đó, dự báo tăng trưởng xuất khẩu có thể chậm hơn so với năm 2022 do tình trạng khó khăn kéo dài của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
Đồng thời, một trong những giải pháp được các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đề xuất đó là các ngân hàng giãn, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay tồn kho, tín chấp, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; Cần thiết phải thiết kế gói tín dụng riêng để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời.
Đơn cử, trong một báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho biết doanh nghiệp các ngành công nghiệp hỗ trợ trước đây có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn nhưng hiện nay các ngân hàng không giải ngân do áp lực về room tín dụng nên doanh nghiệp cũng không thể tiếp nhận và ký hợp đồng mới.
Mặt khác, đối với một số thị trường khó tính, do những cải tiến về quy mô, cam kết môi trường và chất lượng sản phẩm, khách hàng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư máy móc, công nghệ mới nhưng do thiếu vốn, doanh nghiệp cũng không thể đáp ứng yêu cầu này, dẫn tới nguy cơ không thể duy trì vị trí trong chuỗi./.