Với sự đồng hành của ngành thương mại TP Hồ Chí Minh, nhiều mặt hàng nông sản các địa phương đã được kinh doanh phi lợi nhuận, cắt giảm khâu trung gian và thuận lợi tìm đầu ra, còn người tiêu dùng trên địa bàn thành phố có cơ hội mua sắm những nông sản nội địa với giá ưu đãi.
Khảo sát tại một số trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị hay ngay cả mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, giá cả nhiều mặt hàng nông sản nội địa khá cạnh tranh so với hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, ngành hàng nông sản nội địa được bán buôn đa dạng chủng loại và đảm bảo chất lượng so với giai đoạn chính quyền TP Hồ Chí Minh vừa nới lỏng giãn cách xã hội từ đầu tháng 10/2021.
Cụ thể, tại hệ thống bán lẻ thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) như Co.opXtra. Co.opmart, Co.opfood... hiện đang dành vị trí tốt tai khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống để trưng bày, giới thiệu phong phú mặt hàng trái cây nội địa; trong đó, có thể kể đến bưởi da xanh chỉ giá giá bình quân khoảng 35.000 đồng/kg, cam sành 20.000 đồng/kg, dưa hấu 12.000 đồng/kg...
Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op cũng triển khai chương trình “Đại tiệc ẩm thực Việt” giảm sâu nhóm thủy hải sản, thực phẩm chế biến sẵn, gia vị, rau củ, quả... Do đó, người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh không chỉ được tạo điều kiện mua sắm lượng thực, thực phẩm tươi sống chất lượng, mà còn được san sẻ khó khăn trong việc tiết kiệm chi tiêu hàng ngày cho gia đình.
Tương tự, tại hệ thống bán lẻ của LOTTE Mart trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, người tiêu dùng dễ dàng nhận biết khu vực kinh doanh nông sản các địa phương thông qua nhãn "Nông sản Việt". Hơn thế nữa, tại LOTTE Mart thường xuyên tổ chức luân phiên những hoạt động khuyến mãi dành cho nông sản các địa phương, nhất là nhóm ngành hàng rau củ, quả, trái cây...
Riêng những ngày gần đây, người dân TP Hồ Chí Minh có thể mua sắm đa dạng chủng loại nông sản các địa phương tại chuỗi cửa hàng trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh thuộc dự án nông sản chia sẻ (Foodshare). Dự án này, đưa ra thông điệp "Ủng hộ nông dân, trợ giá người tiêu dùng" với kỳ vọng tổ chức "giải cứu" nông sản Việt thông qua mô hình kinh doanh bài bản hơn, thay thế cho những hoạt động tự phát như trước đây.
Theo anh Nguyễn Văn Lưu, đại diện chuỗi cửa hàng, tại chuỗi cửa hàng chú trọng đẩy mạnh tìm đầu ra cho những chủng loại nông sản Việt đang theo mùa thu hoạch của từng địa phương như đưa hấu, cam, chuối, mít, bắp, bưởi... Vì chuỗi cửa hàng có nguồn cung hàng hóa trực tiếp từ người nông dân, không qua nhiều khâu trung gian... nên giá cạnh tranh hơn so với mặt bằng giá chung của sản phẩm cùng loại được bán buôn tại thị trường TP Hồ Chí Minh.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp đưa vào thí điểm chương trình "Thực phẩm bình ổn lưu động" tại khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Một trong những điểm đầu tiên được mở bán thuộc khu chế xuất - khu công nghiệp Tân Thuận, Quận 7, TP Hồ Chí Minh với khoảng 100 mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến...
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, chương trình "Thực phẩm bình ổn lưu động" nhằm tăng cường cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho công nhân, người lao động; hỗ trợ đơn vị sản xuất kinh doanh khôi phục thị trường... Tiếp theo sau khu chế xuất - khu công nghiệp Tân Thuận, chương trình này sẽ được nhân rộng đến khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, gồm: Linh Trung 1, Linh Trung 2...
Trong tháng 11/2021, tại thị trường TP Hồ Chí Minh cũng đón nhận sự gia nhập thị trường của mô hình bán lẻ tích hợp (Integrated Retail) với tên gọi “Chợ đa năng G Market”. Đây là mô hình bán lẻ hàng thiết yếu ứng dụng số hóa đầu tiên tại Việt Nam, cung cấp hơn 10.000 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, áp dụng quy trình khép kín "FHD" (Farm/Factory - Hub - Door).
Với mô hình này, hàng hoá được chọn lọc kỹ từ các trang trại, nhà máy (Farm/Factory) đạt chuẩn và tổ chức vận chuyển, đưa vào bảo quản trong điều kiện nhiệt độ tốt nhất tại hệ thống kho chuyên biệt (Hub). Tại Hub, sản phẩm được nhân viên kiểm tra, sàng lọc, đóng gói và giao đến khách hàng (Door) trong thời gian nhanh nhất.
Dự kiến, “Chợ đa năng G Market” sẽ đưa vào hoạt động 7 Hub mua hàng tích hợp hệ thống kho hàng tự động thông minh ở các khu vực, gồm: thành phố Thủ Đức; Quận 7, 8, 10, 12, Bình Tân, Bình Thạnh. Với mỗi đơn hàng được đặt thành công trên www.gmarket24h.com, khách hàng sẽ được cấp 1 mã số riêng và chỉ cần nhập mã số tại kho hàng tự động thông minh là sẽ lấy được hàng. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể chọn hình thức giao hàng tận nơi trong trường hợp không có thời gian hoặc không muốn đi lấy hàng.
Đánh giá về thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, chị Minh Hương, cư ngụ ở huyện Hóc Môn cho rằng, so với những mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghệ... thì nhóm ngành hàng rau củ, quả, trái cây Việt đang có giá giảm đáng kể so với thời điểm giãn cách xã hội. Cùng với đó, người dân mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại nhiều kênh bán lẻ đã dễ dàng hơn và gần như trở lại như trước thời điểm giãn cách xã hội.
Còn chị Ái Vân, cư ngụ ở thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện nay thành phố đã trở lại trạng thái "bình thường mới", nhưng thu nhập của người dân vẫn duy trì ở mức sụt giảm hoặc ở tình trạng hưởng hương theo phần trăm, nên vấn đề lạm phát và giá cả thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đang là nỗi lo của nhiều gia đình. Điều này, sẽ dẫn đến người dân ưu tiên lựa chọn những sản phẩm chất lượng có giá ưu đãi, nên đây cũng là cơ hội để hàng Việt lấy lại thị phần và chiếm lĩnh thị trường nội địa, cũng như niềm tin của người tiêu dùng.
Ghi nhận ý kiến một số người tiêu dùng khác cũng cho thấy, họ ưu tiên mua sắm hàng Việt trong sinh hoạt hàng ngày và đang thay đổi dần thói quen tiêu dùng sản phẩm nội địa. Trong đó, có thể kể đến những nông sản Việt được ưa chuộng tại thị trường TP Hồ Chí Minh như bưởi da xanh, nhãn xuồng, sầu riêng, đu đủ, ổi, thơm, dưa hấu...
Theo người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nhà bán lẻ, thương nhân, tiểu thương nên đẩy mạnh nhập hàng nông sản các địa phương về thị trường thành phố tiêu thụ và có cơ chế chính sách kích cầu tiêu dùng những nhóm ngành hàng này.
Đồng thời, kỳ vọng đơn vị kinh doanh, bán lẻ trên địa bàn thành phố tiếp tục thúc đẩy giải pháp liên kết, hợp tác, mua hàng tận gốc và bán hàng phi lợi nhuận để vừa tạo đầu ra cho nông sản các địa phương, vừa mang lại cơ hội mua hàng giá rẻ cho người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh.
Nguồn TTXVN