Bị cảm xúc chi phối, dẫn dắt, những người này sẵn sàng bày tỏ quan điểm, thái độ của mình về vụ việc còn chưa rõ thực hư để rồi khi vụ việc tường minh, họ mới tự thấy bẽ bàng vì hành động có phần cảm tính, tùy tiện của mình. Trong số đó, đáng tiếc có cả những người nổi tiếng.
Chính cách hành xử này của những cá nhân này đã tiếp tay cho tin giả có cơ hội tiếp tục xuất hiện trên các diễn đàn, “lộng giả thành chân”. Đáng nói, dù đã được cảnh báo xử lý nhắc nhở tình trạng này vẫn không giảm, tiếp tục diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên không gian mạng, gây những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Mới đây nhất, vụ việc ồn ào tại một ngôi trường xuất phát từ một clip đăng tải trên mạng xã hội ngày 10/1 lập tức trở thành “miếng mồi ngon” để tin giả lộng hành. Chỉ sau một đêm, mạng xã hội nổi sóng với vụ việc mà những người liên quan chưa ai lên tiếng xác nhận.
Điều đáng nói là trong khi các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, điều tra, làm rõ vụ việc, cung cấp thông tin kịp thời tới báo chí thì vẫn có một số cá nhân nhất quyết với “thuyết âm mưu” rằng sự thật đang bị che giấu, ngụy tạo.
Sự lạc điệu của những cá nhân này dường như đánh trúng tâm lý tò mò của không ít cư dân mạng để rồi bất chấp sự thật đang diễn ra trước mắt, những người này quyết tâm “tạo ra sự thật”.
Thực tế này cho thấy việc kiểm chứng thông tin là yêu cầu có tính cấp bách hiện nay. Nếu không được tiếp cận thông tin chính xác, khách quan hậu quả sẽ rất khó lường đối với mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội.
Người sử dụng mạng vì nhẹ dạ, thiếu thông tin có thể tiếp tay cho tin giả, tin sai sự thật, thậm chí có thể tiếp tay cho tội ác. Và những hậu quả xảy ra không chỉ ở thế giới ảo mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý cộng đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội.
Việc người dân đổ xô đi rút tiền, mua vàng, tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán, đầu cơ đất đai,… vì nghe theo tin giả là minh chứng cho điều đó.
Lợi dụng điều này các đối tượng xấu, cực đoan, phản động lập tức rêu rao về sự yếu kém của các cơ quan chức năng, tiếp tục bơm thổi những tin đồn sai sự thật làm người dân mất lòng tin vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước.
Khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội mà chưa rõ nguồn, chưa có tính xác thực, người sử dụng mạng cần tìm hiểu thêm từ kênh chính thống, trong đó báo chí đóng vai trò rất quan trọng.
Để không trở thành nạn nhân của tin giả và tiếp tay cho tin giả để rồi có thể bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật đòi hỏi mỗi cá nhân phải thận trọng, tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin, nhất là liên quan đến các vụ việc phức tạp đang xảy ra. Cùng với đó, mỗi cá nhân cần trang bị những kỹ năng để có thể tự mình kiểm chứng thông tin.
Khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội mà chưa rõ nguồn, chưa có tính xác thực, người sử dụng mạng cần tìm hiểu thêm từ kênh chính thống, trong đó báo chí đóng vai trò rất quan trọng.
Thực tế với sự nhanh nhậy, kịp thời của báo chí chính thống hiện nay, các vụ việc vừa xảy ra đều được phóng viên tìm hiểu từ cơ quan chức năng, tiếp cận hiện trường,… để cập nhật thường xuyên.
Chỉ khi có sự xác nhận rõ ràng từ những nguồn có độ tin cậy cao như vậy, người sử dụng mạng xã hội mới tránh nguy cơ sập bẫy tin giả, bị dẫn dắt, lôi kéo vào các thông tin độc hại.
Khi phát hiện thông tin trên mạng là không đáng tin cậy thì cùng với việc không chia sẻ, phát tán, người sử dụng mạng xã hội cũng cần đưa ra cảnh báo cho bạn bè, người thân.
Bởi rất có thể nhiều người khác vì quá nóng vội, bị dẫn dắt bởi dư luận mà tin và nghe theo các tin tức giả mạo đang lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Đồng thời cần phát huy ý thức trách nhiệm, chủ động báo cáo các sai phạm tới cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định pháp luật. Đó cũng là cách thiết thực góp phần ngăn chặn, loại bỏ tin giả, bảo vệ môi trường mạng an toàn, lành mạnh.