Gỡ vướng qua đối thoại
Sau đó, Cục Hải quan Tp.HCM có tổ chức đối thoại với phía DN về vấn đề này. Tuy nhiên, chỉ có Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu đã đến đối thoại.
DN này nêu rõ những khó khăn vướng mắc đang gặp phải như tỷ lệ kiểm tra 100% gây nhiều khó khăn cho DN, kiến nghị cần giảm tỷ lệ kiểm tra. Cụ thể, việc khai chi tiết tên hàng, mã HS như quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 39/2018/TT-BTC là chưa phù hợp đối với hoạt động quá cảnh, kiến nghị cần sửa đổi quy định này.
Không chỉ vậy, đối với các lô hàng thuộc diện kiểm dịch thực vật, phía DN còn cho biết phải đi xin tại Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), yêu cầu khải kê khai chi tiết tên shipper (người giao hàng), tên consignee (người nhận hàng) là không phù hợp; lô hàng phải xin giấy phép của Bộ Công Thương làm mất nhiều thời gian của DN. Về thời gian kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa kéo dài do DN chưa xin được giấy phép, kiểm tra chuyên ngành.
Tại buổi đối thoại này, đại diện Cục Hải quan Tp.HCM đã tiếp thu các ý kiến của DN liên quan đến chính sách quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa, cũng như kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn, kiến nghị lên các cấp để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan về chính sách, thủ tục cho DN.
Từ câu chuyện nêu trên để thấy việc đối thoại với DN để tháo gỡ những vướng víu khi thông quan hàng hoá là rất quan trọng. Nhất là cần đưa ra nhiều giải pháp kịp thời để tạo thuận lợi thương mại cho DN. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vướng mắc của DN trong khâu chính sách, các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, tình trạng phiền nhiễu… Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý phải tiếp tục có những giải pháp kịp thời gỡ vướng cho DN.
Cần để ý, trong Báo cáo “Mức độ hài lòng của DN về việc thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành” được công bố vào tháng 11/2022 thông qua hợp tác giữa Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy vẫn còn một số khó khăn cụ thể trong tuân thủ các thủ tục chuyên ngành.
Kết quả phân tích dữ liệu cũng chỉ rõ 58,92% DN đã gặp ít nhất một loại khó khăn nào đó trong quá trình tuân thủ thủ tục. Trong đó, “nội dung kiểm tra chồng chéo, trùng lặp” là khó khăn thường gặp nhất với 39% lượt DN lựa chọn khi tham gia khảo sát. “Thái độ của công chức không đúng mực” là lý do gây trở ngại cho khoảng 12% DN khi thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Ngoài ra, có khoảng 5,7% DN cho rằng cán bộ giải quyết thủ tục “yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ ngoài quy định”. Bên cạnh đó, một số khó khăn khác cũng được đề cập đến như thời gian xử lý hồ sơ quá lâu, thiếu thông tin thống nhất về quy định nội dung hồ sơ…
Tạo thuận lợi giúp tăng sức cạnh tranh
Trong vấn đề kiểm tra chuyên ngành tại Việt Nam, theo USAID, đây là một thủ tục xuất nhập khẩu cần thiết nhằm đảm bảo rằng hàng hoá đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết về an toàn và chất lượng. Tuy nhiên, kiểm tra chuyên ngành có thể làm thời gian thông quan tại cửa khẩu kéo dài, gây chậm trễ trong hoạt động giao thương quốc tế và tăng thêm chi phí cho DN. Nguyên nhân là do một số hàng hoá chịu sự kiểm tra của nhiều Bộ, ngành.
Cách đây 4 năm, Dự án Tạo thuận lợi thương mại (do USAID tài trợ) và Tổng cục Hải quan đã tiến hành 5 đợt rà soát các quy định pháp lý về kiểm tra chuyên ngành, quy tụ đại diện của các cơ quan hải quan, các Bộ, ngành và khu vực tư nhân để đề xuất những lĩnh vực cải cách cần thiết.
Kết quả là số lượng hàng hoá kiểm tra chuyên ngành đã giảm đáng kể. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tỷ lệ tờ khai phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành giảm từ 30% năm 2015 xuống còn 19%, qua đó tạo thuận lợi cho thương mại và tiết kiệm chi phí cho DN cả thời gian và tiền bạc.
Bên lề hội thảo “Cải cách Hải quan và Triển vọng Thương mại Việt Nam” do USAID phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức ở Tp.HCM ngày 7/12, ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ, lưu ý để tăng tính cạnh tranh thì Việt Nam cần tiếp tục có những nỗ lực về tạo thuận lợi thương mại cho khu vực tư nhân.
Theo ông Dordi, khi các cơ quan nhà nước phối hợp tốt với khu vực tư nhân thì sẽ giải quyết được những thách thức do các DN gặp phải trong xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia, việc đối thoại công - tư như một động lực cải cách thương mại là hết sức quan trọng trong lúc này. Đặc biệt là với hơn 830.000 DN tư nhân chiếm hơn 43% GDP của Việt Nam, các nền tảng tăng cường đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng DN ngày càng trở nên quan trọng.
Còn ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển thương mại Việt Nam.
Ông Chi cũng khẳng định mục tiêu cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng lấy người dân, DN làm trung tâm, lấy hiệu quả và sự hài lòng làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi….
“Đây chính là “đòn bẩy” tạo thuận lợi cho DN, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút làn sóng đầu tư trước những biến động lớn trong chuỗi cung ứng và sản xuất sau đại dịch Covid-19”, ông Chi chia sẻ.