Tại hội thảo trực tuyến với sự có mặt của đại diện 63 tỉnh thành ngày 19/1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề nghị lãnh đạo các địa phương, sở GD&ĐT cần “khẩn trương, cương quyết, chu đáo” trong quá trình chuẩn bị đưa học sinh trở lại trường, kể cả học sinh trung học đã tiêm vắc - xin hay trẻ mầm non, tiểu học chưa tiêm.
Khẩn trương, cương quyết, chu đáo, đó không phải là yêu cầu duy ý chí của riêng ngành Giáo dục. Với tư cách là cơ quan chuyên môn về sức khoẻ, Bộ Y tế cũng thống nhất rằng đã có đủ cơ sở để quyết tâm cho học sinh trở lại trường sau dịp nghỉ Tết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết tỷ lệ phủ vắc - xin đã đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Bộ Y tế đang chuẩn bị kế hoạch tiêm cho trẻ 5 - 11 tuổi. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để tính toán mở cửa trường học.
Trưởng Chương trình giáo dục UNICEF tại Việt Nam - bà Simone Vis sau khi phân tích những hậu quả từ việc đóng cửa trường kéo dài, cũng cho rằng việc thúc đẩy các giải pháp để đưa học sinh trở lại trường học sớm nhất là mục tiêu đặt ra ở nhiều quốc gia, không riêng ở Việt Nam.
Trước đó, ngày 18/1, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp thường trực của Chính phủ, chỉ đạo Bộ GD&ĐT hướng dẫn các địa phương cho học sinh trên 12 tuổi đến trường sau Tết Nguyên đán.
Từ Chính phủ, Bộ ngành cho đến những tổ chức bảo vệ quyền lợi trẻ em đều đồng lòng nhất trí không thể chần chừ trong việc mở cửa trường, vì quyền lợi và tương lai của thế hệ trẻ. Vấn đề quan trọng tiếp theo sau những chỉ đạo quyết liệt của Trung ương là thực tế thực thi ở các địa phương.
Nghị quyết 128 khởi động bình thường mới từ đầu tháng 10/2021 nhưng sau hơn 3,5 tháng, vẫn còn 19 tỉnh thành đang dạy học trực tuyến và qua truyền hình với học sinh từ tiểu học đến THPT (chiếm 30,15%). Một con số rất nhiều trăn trở. Bên cạnh một số địa phương khẩn trương, cương quyết, chu đáo mở cửa trường, vẫn còn không ít nơi chần chừ, e ngại, nơi có dấu hiệu sợ trách nhiệm.
Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế quyết liệt với yêu cầu mở cửa trường vì đã đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Trên đã nóng, dưới không thể lạnh! Thực tế hai ngày qua, sau chỉ đạo của Chính phủ và đề xuất của Bộ GD&ĐT tại phiên họp trực tuyến 63 tỉnh thành, một số địa phương “án binh bất động” bắt đầu có sự chuyển động.
Mở cửa trường trong bối cảnh bình thường mới rõ ràng còn bộn bề khó khăn. Như bậc học mầm non, đặc biệt ở khối tư thục, sau thời gian rất dài nghỉ dịch, việc phục hồi lại đội ngũ không phải dễ dàng. Nhiều trường học được trưng dụng làm khu cách ly, trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng đang “đòi” kinh phí sửa chữa… Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là tư tưởng, tâm lý, nhận thức - yếu tố quan trọng để tạo đồng thuận, đặc biệt là của phụ huynh.
Vì thế, để mở cửa trường thành công, song song với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ, hệ thống quy trình phòng dịch kỹ lưỡng thì công tác truyền thông, dân vận phải được tăng cường. Khi dịch bệnh được kiểm soát, mỗi học sinh, phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý đều nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, nhận thức tốt về sự cần thiết dạy học trực tiếp, kỹ năng phòng dịch tốt, việc mở cửa trường sẽ nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả./.